Sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng tạm dừng thu phí tại BOT Cai Lậy để tìm giải pháp, người dân đang chờ đợi có một giải pháp mang tính tổng thể đối với những trạm thu phí BOT đang có nhiều vấn đề; đồng thời cũng phải siết chặt hình thức đầu tư này, ngăn chặn ngay từ đầu những sự cố như đã xảy ra.
Trở lại với vụ việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy, nhiều người bày tỏ sự lo lắng khi sự căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Sự phản ứng của các tài xế là có lý khi mà họ bị bắt buộc phải sử dụng dịch vụ, bị áp đặt mức thu, do đó cần có một giải pháp xử lý tận gốc vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết có ba kịch bản để tính toán:
Kịch bản thứ nhất, nếu giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy thì cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân, kèm cải thiện các dịch vụ để giải đáp những thắc mắc như mở thêm làn.
Ai đang phá hoại cuộc xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo? |
Kịch bản thứ hai, di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính. Với kịch bản này, cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí.
Tuy nhiên, rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.
Kịch bản thứ ba là sẽ đặt hai trạm thu phí: một trạm trên Quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ. Đồng thời, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.
Như vậy, việc giải quyết sự cố ở BOT Cai Lậy đang được tiến hành rốt ráo, và dù áp dụng ở giải pháp nào thì cũng sẽ phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết.
Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa.
BOT khó phát huy được giá trị nếu còn thiếu minh bạc và đặt trạm tùy tiện (Ảnh: Lại Cường) |
Sự việc xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy và trước đó là nhiều trạm thu phí khác một lần nữa đặt ra vấn đề trách nhiệm của những người đứng đầu và đã từng đứng đầu ngành giao thông.
Những vấn đề tồn tại của BOT đã được Chính phủ thảo luận nhiều lần và Quốc hội cũng đã vào cuộc, giám sát, chỉ rõ những việc cần phải khắc phục, trong đó nổi lên yếu tố "thiếu minh bạch", chỉ định nhà đầu tư.
Chẳng riêng gì BOT Cai Lậy, mà còn hàng loạt trạm thu phí BOT khác cũng đã khiến dư luận bức xúc đề nghị các cơ quan chức năng cần phải sớm xử lý dứt điểm, đó là:
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng chỉ đầu tư 30% nhưng vẫn thu tiền như đường làm mới. Hiện nay, dù tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ nhưng chưa xử lý được tận gốc vấn đề, đặc biệt là trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan.
Trạm thu phí BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn); BOT Bờ Đậu (Thái Nguyên)... và một số trạm BOT khác cũng bị người dân phản ứng.
Rõ ràng những bất cập, tồn tại đó không được giải quyết thì người dân chưa thể yên lòng trả phí.
Và điều đáng nói là mặc dù sự cố này đã xả ra từ mấy tháng qua, và trước đây đã có nhiều trạm thu phí BOT bị người dân phản ứng, nhưng cách giải quyết của Bộ Giao thông Vận tải khá chậm chạp, khiến cho tình hình vẫn căng thẳng.
Bộ Giao thông luôn đưa ra cách trả lời chung chung như toàn bộ dự án, việc đặt trạm, giá vé… phù hợp với các quy định của pháp luật. Đúng quy trình và hơn cả là vị trí đặt trạm có sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương.
Câu trả lời này khó có thể thuyết phục người nghe dễ tính nhất. Chưa nói đến những BOT không lối thoát khác, chỉ riêng BOT Cai Lậy, nhìn vị trí đặt trạm cũng đã nhận ra sự phi lý.
Còn việc “đồng thuận” giữa chính quyền và nhân dân địa phương thì càng không hợp lý, bởi nếu đồng thuận thì tại sao nhân dân vẫn phản đối?
Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm gì?
Khi những sự cố về BOT xảy ra, cũng cần phải nhắc đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (2011 – 2016). Đây là thời kỳ bùng nổ các dự án BOT giao thông.
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra đã phát hiện nhiều số liệu sai phạm trong chi phí đầu tư dẫn tới kéo dài thời gian thu phí nhiều năm, dư luận đang đặt ra câu hỏi trách nhiệm của ông Đinh La Thăng ở đâu khi “di sản” ông để lại có quá nhiều sai phạm như vậy.
“Di sản” của ông Đinh La Thăng để lại khiến hai đời Bộ trưởng tiếp theo, khiến cho ngành giao thông đối mặt với cả núi khó khăn, áp lực từ dư luận.
Đấy là chưa kể, dưới thời ông Đinh La Thăng, còn một loạt các vụ bổ nhiệm "nợ tiêu chuẩn", có dấu hiệu "kê khai bằng cấp không trung thực", cho tới nay các cơ quan chức năng vẫn đang phải xử lý.
Không hiểu vào lúc này khi mà xảy ra quá nhiều sự cố ở các trạm BOT, thì ông Đinh La Thăng có suy nghĩ gì về trách nhiệm của mình?
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đã từng nhận định: “Những méo mó trong đầu tư BOT giao thông xuất phát từ vấn đề mời thầu, phê duyệt dự án đến giám sát dự án. Mỗi giai đoạn dự án BOT giao thông đều cho thấy trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải”.
Rõ ràng cần phải nhìn nhận trách nhiệm, đối mặt với vấn đề cốt lõi và giải quyết dứt điểm vấn đề tồn tại của những BOT Giao thông hiện nay của cơ quan chức năng mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Có như vậy, viễn cảnh nụ cười thu phí, mát lòng lái xe của các trạm BOT mới có thể xảy ra".
Nhiều dự án BOT triển khai thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đang bị dư luận phản đối. ảnh: giaoduc.net.vn |
Từ những vấn đề bất thường ở các dự án BOT, cũng cần phải nêu lại câu hỏi: Có lợi ích nhóm hay không khi hầu hết những nhà đầu tư BOT đều thông qua chỉ định thầu?
Trong quá khứ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tự cho rằng các dự án này cấp bách đến mức không chỉ định sẽ “không kịp”. Nhưng có đến vài chục công trình cấp bách đến mức không kịp chỉ định hình thức đấu thầu thì thật là kỳ lạ.
Vấn đề của BOT không phải là vấn đề của hiện tại mà là vấn đề của quá khứ để lại, vì thế nên dư luận mới đặt ra trách nhiệm của ông Đinh La Thăng ở giai đoạn này.
Bàn về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rất thẳng thắn: "Thực tế, chúng ta không kiểm soát được chi phí, không kiểm soát được hợp đồng BOT tính như thế nào, nhà thầu có đủ tư cách hay không.
Có thể nói BOT như miếng bánh mầu mỡ cho lợi ích nhóm. Cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt để minh bạch các dự án BOT.
Thực tế, một số nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, tức họ không cần làm gì chỉ đem bán lại dự án và nhận được một khoản chênh lệch. Điều này dẫn đến nhiều dự án BOT đội giá lên hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng loạt các dự án BOT được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhà đầu tư năng lực yếu kém, nhưng vẫn được chỉ định thầu. Điều này sẽ vô cùng nguy hại và đó chính là nguyên nhân đường BOT thu phí cao và kéo dài”.