Làm BOT trên đường độc đạo chẳng khác nào ép dân
Trước bức xúc của dư luận về việc tăng phí các trạm BOT (trạm thu phí nhằm hoàn vốn dự án đầu tư hình thức chuyển giao), Bộ Tài chính cho rằng, thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án đường BOT do Bộ Tài chính ban hành, dựa trên văn bản đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó tất cả dự án BOT giao thông trên các tuyến quốc lộ, từ việc xây dựng đề xuất các dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; ký kết hợp đồng dự án; quản lý, triển khai xây dựng dự án và khai thác kinh doanh; Thận chí xây dựng phương án tài chính của dự án, bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án đều được Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Sau khi Bộ Tài chính xem xét, Bộ Giao thông vận tải sẽ đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án (trong đó, đề xuất cụ thể: mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí...).
Ngay ngày đầu tiên thực hiện thu phí, Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình đã bị người dân thị trấn Lương Sơn - Hòa Bình bức xúc phản đối (ảnh: H.Lực). |
Trước lý giải của Bộ Tài chính, PGS.TS Bùi Quang Bình – Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, nếu Bộ Tài chính ra quyết định thu phí, tăng phí dựa trên thông số đề xuất của Bộ Giao thông vận tải thì về mặt kỹ thuật, Bộ giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc thực hiện dự án cũng như lộ trình thu phí BOT.
PGS.TS Bùi Quang Bình khẳng định, câu chuyện đầu tư làm đường BOT là chủ trương đúng đắn nhưng cách thực hiện không đúng. Ở nhiều nước, khi kêu gọi nguồn đầu tư tính phí bao giờ có hai phương án song song để người dân lựa chọn.
Làm đường, tăng phí BOT, anh đã hỏi dân chưa? Lùi thời gian thu phí BOT chỉ là động tác lấy lòng dư luận của Bộ Giao thông |
Ví dụ trên cùng cung đường, sẽ xây dựng một con đường mới bằng vốn huy động và tính phí song song với tuyến đường cũ để người dân so sánh. Khi đó quyền lựa chọn phụ thuộc người dân, đảm bảo yếu tố minh bạch.
"Làm đường tính phí như câu chuyện bán hàng nhưng có nhiều mức giá, ở các nước ngay cả đường cao tốc cũng có nhiều loại, anh đi loại nào anh trả tiền tương xứng với chất lượng đường loại đó", PGS.TS Bùi Quang Bình nói.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, cách làm này như các nước có hai ưu điểm: Thứ nhất trao quyền tự quyết cho người dân, người dân có quyền quyết định, quyền lựa chọn của riêng mình.
Thứ hai tạo sự cạnh tranh để cung đường mới không lạm thu, tăng thu bừa bãi.
Khi tồn tại hai cung đường song song cùng đi và đến một điểm, nếu thu phí quá cao, thu phí bừa sẽ không ai dám đi. Người dân sẽ chấp nhận đi chậm, tốn nhiên liệu, hao mòn phương tiện còn hơn phải trả mức phí trên trời.
Nói cách khác, sản phẩm hàng hóa ở đây là giao thông vận tải sẽ có sự cạnh tranh, có cạnh tranh sẽ chống độc quyền. Trong khi hiện nay, việc đưa chủ trương cải tạo, nâng cấp đường bằng nguồn BOT, như hình thức bắt buộc người dân phải trả phí mà không có sự lựa chọn nào khác.
“Về nguyên tắc, đã đồng ý cho doanh nghiệp đầu tư BOT phải cho thu phí hoàn vốn, nhưng chúng ta quản lý chồng chéo nên gây bức xúc”, PGS.TS Bùi Quang Bình khẳng định.
Tương tự, nói về cách làm BOT hiện nay, TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: "Chỉ nên kêu gọi đầu tư BOT những dự án đường mới hoặc nâng cấp sửa chữa tuyến đường bằng vốn BOT trên những đoạn đường mà người dân có quyền lựa chọn đi đường BOT hoặc đường nhà nước bỏ tiền đầu tư.
Ví dụ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, anh thích đi đường tốt, đi nhanh thì bỏ phí, còn không thì cứ quốc lộ 70 mà đi hoặc như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng thế, nếu anh không chấp nhận bỏ phí thì đi quốc lộ 5.
Còn làm BOT trên những con đường độc đạo chẳng khác nào ép dân phải đi, mà đi phải bỏ tiền với mức phí cao, bảo sao không gây bức xúc" .
TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực). |
Lý giải việc Bộ Giao thông vận tải nói đầu tư đường BOT, đặt trạm thu phí có sự đồng thuận của các địa phương, nhưng người dân lại phản đối, điển hình như tại Lương Sơn - Hòa Bình, TS. Liêm cho rằng, cách trả lời của Bộ Giao thông vận tải và thực tế mâu thuẫn nhau.
"Anh nói có sự đồng thuận, nhưng đồng thuận với ai hay đồng thuận với lãnh đạo địa phương? Theo tôi vấn đề tăng phí đường, lựa chọn đầu tư đường bằng nguồn vốn BOT, đặt trạm thu phí cần phải có ý kiến hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện của địa phương. Ở đó những đại biểu dân cử lắng nghe ý kiến của dân và đưa lựa chọn", TS. Liêm đề xuất.
Đề nghị kiểm toán dự án đường BOT
Theo Chuyên gia kinh tế TS. Bùi Trinh, kêu gọi nguồn đầu tư BOT là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, nguồn đầu tư BOT sẽ giảm gánh nặng ngân sách nhất là trong bối cảnh hụt thu ngân sách. Đầu tư dự án đường giao thông bằng nguồn vốn BOT nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, bù hụt thu ngân sách.
"Nhiều dự án BOT như một cái hộp đen, nhìn vào không ai biết được như thế nào cả. Nói rất thật, đây là nơi nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm. Bây giờ chủ đầu tư chỉ mở rộng một tí, bỏ tiền tráng thêm một tí men trên mặt đường mà lại thu phí cao như những nơi đầu tư từ đầu liệu có hợp lý không?”, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (nguồn VOV) |
Tuy nhiên muốn đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế phải giảm cước vận tải.
“Nhưng thực tế cước vận tải của ta đã không giảm mà lại tăng dù giá xăng giảm. Nguyên nhân là giá nhiên liệu có giảm nhưng tăng phí cầu đường. Phí đường quá nhiều, phải gọi phí khủng khiếp, quá vô lý”, TS. Bùi Trinh cho biết.
Ông Trinh đánh giá, thực tế nhiều tuyến đường nâng cấp doanh nghiệp không phải bỏ chi phí làm cốt đường mà chỉ gạt phần mặt đường, trải lớp nhựa mới rồi tiến hành thu phí. Không những vậy, mức thu từ đầu năm 2016 lại tăng từ 1,5 đến 3 lần trong khi tính toán tăng phí thì mù mờ.
"Có rất nhiều kỳ vọng cho kinh tế khi giá nhiên liệu là xăng dầu giảm sẽ đẩy giá cước vận tải giảm. Qua đó giảm giá thành hàng hóa kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên với việc tăng phí đường thì cước vận tải không những không giảm mà còn có thể tăng lên, qua đó đẩy giá hàng hóa tăng. Doanh nghiệp khó khăn, kinh tế không phát triển được càng hụt thu ngân sách, ảnh hưởng tăng trưởng. Cuối cùng không tăng trưởng, ngân sách hạn hẹp vì vậy muốn đầu tư phải đi vay bằng vốn trong dân, vốn nước ngoài. Tóm lại đất nước mãi không phát triển được".
Trước mù mờ cách tính phí đường, đưa ra giải pháp cụ thể, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng cần phải thực hiện thanh tra và kiểm toán tại các dự án làm đường theo hình thức đầu tư BOT.
Cụ thể, cần thực hiện kiểm toán 2 bước, thứ nhất kiểm trước triển khai dự án, kiểm toán bước thẩm định dự án đánh giá hiệu quả triển vọng, các mức thu phí để xét duyệt… Thứ hai kiểm toán quá trình thi công.
“Tất cả để đảm bảo tính độc lập bởi hiện nay có hiện tượng "lót tay" các dự án để được phê duyệt mức phí, phê duyệt mức tăng phí và thời gian thu phí”, TS. Phong cho biết.
TS. Phong cũng cho rằng trong vấn đề chọn nhà thầu, phê duyệt tổng mức đầu tư, phê duyệt mức phí, tăng phí có biểu hiện của lợi ích nhóm vì vậy phải thực hiện kiểm toán ngay các dự án đường đầu tư bằng hình thức BOT.