Xung đột lợi ích BOT giao thông bao giờ mới chấm dứt?

27/01/2018 07:01
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Cốt lõi của vấn đề là giải quyết theo nguyên lý có đầu tư thực sự thì mới thu phí BOT và cần minh bạch các khoản đầu tư.

Sau sự cố lái xe và người dân phản đối mức phí và vị trí đặt trạm ở nhiều trạm BOT, đến nay Bộ Giao thông Vận tải chưa có giải pháp nào mang tính tổng thể mà mới chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế.

Trước thực trạng này, Đại tá Nguyễn Huy Viện gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nêu ra vấn đề cốt lõi để giải quyết xung đột lợi ích.

Việc Nhà nước thực hiện chủ trương thu hút đầu tư theo hình thức PPP (mô hình hợp tác công - tư), trong đó có hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông, chỉ trong một thời gian ngắn, đã tạo được bước phát triển quan trọng đối với hệ thống giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đây là một chủ trương đúng, nhằm thu hút nguồn lực của toàn xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

BOT sẽ là một điểm sáng không chỉ của ngành giao thông mà còn là một điểm sáng về sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian vừa qua, nếu không có những bất cập dẫn đến xung đột lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp.

Tình trạng xung đột lợi ích đó trước đây được biểu thị đơn lẻ ở các trạm BOT Bến Thủy, Biên Hòa, Cai Lậy…

Vừa qua, tình trạng này đã trở thành phổ biến và gây căng thẳng hầu hết trên các cung đường của Quốc lộ 1A có trạm thu phí BOT từ Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh An, Đồng Nai, Bình Thuận đến Bình Định, Tam Kỳ, Cầu Rác, Quảng Bình,... gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Trạm BOT Cai Lậy. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Trạm BOT Cai Lậy. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Đây là một hiện tượng xã hội phức tạp, không chỉ gây ách tắc giao thông mà rất có thể dẫn đến mất an ninh, an toàn xã hội.

Trước tình hình đó, ngày 18/1/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện Số 82/CĐ-TTg Về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT.

Đây là một giải pháp cần thiết trong tình hình hiện tại để lập lại trật tự giao thông, an ninh an toàn xã hội tại các trạm thu phí BOT, nhất là khi Tết Cổ truyền của dân tộc đang đến gần, lưu lượng phương tiện giao thông tăng đột biến.

Tuy nhiên về lâu dài, phải tạo được sự đồng thuận của Nhân dân. Vì chỉ khi thuận lòng dân mới có sự ổn định bền vững.

Trong "Chiếu dời đô" năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã chỉ rõ: “Muốn mưu việc lớn, tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh Trời, dưới theo ý dân”.

Lúc sinh thời, Bác Hồ cũng đã khẳng định: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong” (1).

Xung đột lợi ích BOT giao thông bao giờ mới chấm dứt? ảnh 2Ông Đinh La Thăng còn nợ người dân lời xin lỗi từ nhiều sai phạm BOT

Để giải quyết xung đột lợi ích trong các dự án BOT giao thông một cách thấu đáo các cấp chính quyền, các bộ ngành chức năng phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề.

Phải thấy rằng không một người lái xe nào muốn phải chịu đựng tình trạng tắc đường.

Họ cũng không bao giờ muốn gây rắc rối, phiền hà với nhân viên các trạm thu phí giao thông và họ cũng không dễ để cho các phần tử xấu kích động  gây ách tắc các trạm thu phí BOT.

Vì như vậy họ vừa mất thời gian, tốn nhiên liệu lại mệt mỏi.

Một minh chứng là trên các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Dây… mặc dù phải trả phí rất cao nhưng không bao giờ xảy ra tình trạng lái xe phản ứng tại các trạm thu phí BOT.

Vậy tại sao tình trạng đó lại xảy ra ở hầu hết các trạm thu phí BOT còn lại?

Câu hỏi này đã có hàng loạt bài viết đăng trên các báo mổ xẻ, chỉ ra những bất hợp lý của các BOT giao thông.

Những bất hợp lý đó không chỉ được người dân vạch ra, không chỉ được các phóng sự của các cơ quan truyền thông phân tích, minh chứng mà còn được nhiều vị lãnh đạo Nhà nước và cán bộ các cơ quan chức năng đã chỉ ra.    

Trong buổi tiếp xúc với cử tri của thị trấn Phong Điền, Thành phố Cần Thơ ngày 5/12/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Có một số dự án (BOT - tác giả), làm chưa đúng, còn sai sót ở vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí...” (2).

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8/2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chỉ rõ: Vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí đều thiếu công khai minh bạch.

"Ví dụ như quy định đặt Trạm BOT, rõ ràng là yêu cầu phải tham khảo ý kiến người dân nhưng thực hiện không đến nơi đến chốn, hoặc thực hiện hình thức, một số nơi thì áp đặt cho nên đã dẫn đến những bức xúc" (3).

Xung đột lợi ích BOT giao thông bao giờ mới chấm dứt? ảnh 3Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xử lý triệt để vấn đề BOT

Cũng tại phiên họp này, ông Nguyễn Văn Giàu Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, nhận xét:

"Nhiều tuyến đường độc đạo, từ thời ông bà để lại từ kiếp nào, giờ chỉ tráng lên rồi thu tiền của bà con là hết sức vô lí";

"Thậm chí có những nhà thầu không biết gì về kỹ thuật làm đường cũng được chỉ định thầu đi làm đường." (4).

Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội khẳng định:

Thực tế nhiều trạm BOT thực hiện không đúng nguyên lý, không theo quy hoạch, làm một chỗ đặt một chỗ;

Tổng mức đầu tư tính không chính xác đến lúc thanh tra, kiểm toán là giảm thời gian thu phí, giá phí… Rồi thiếu minh bạch, công khai”.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông cũng hoàn toàn phù hợp với nhận định, đánh giá trên đây của các vị lãnh đạo Quốc hội, và các vị trong các cơ quan của Quốc hội.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ tập trung ở 2 vấn đề:

Cụm vấn đề thứ nhất: Các dự án BOT, BT 100% chỉ định thầu :

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông Vận tải chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT theo quy định của Chính phủ.

Dẫn đến thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, dự án chưa được công bố toàn diện, kịp thời đến các nhà đầu tư, làm hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia.

Xung đột lợi ích BOT giao thông bao giờ mới chấm dứt? ảnh 4Điểm nóng BOT Cai Lậy và Chính phủ kiến tạo

Từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu trong đó có nhà đầu tư được chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều bất cập, sai sót làm hạn chế hiệu quả thực hiện dự án.

Việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án còn thiếu chuẩn xác, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính, sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài. 

Cụm vấn đề thứ hai: Phần lớn dự án BOT là cải tạo, nâng cấp các tuyến đường cũ:

Phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp các tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý.

Phương thức thu phí lạc hậu, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là việc xác định vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý như:

Đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án, dùng trạm thu phí tuyến đường này hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác.

Cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý; dự án chưa hoàn thành nhưng đã thu phí tương đương dự án đầu tư mới…(5).

Từ đánh giá của các vị lãnh đạo, các cơ quan chuyên trách của Quốc hội và kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra đầy đủ nguyên nhân sâu xa dẫn đến xung đột lợi ích giữa người dân với chủ các dự án BOT.

Trong đó phần thua thiệt thuộc về người dân. Tập trung vào ba vấn đề dưới đây:

Thứ nhất: Hầu hết những cung đường “từ thời ông bà để lại từ kiếp nào” được đầu tư bằng tiền nhân dân đóng thuế, đóng phí. Tức những cung đường đó là tài sản của nhân dân.

Vậy mà doanh nghiệp “chỉ tráng lên” rồi biến thành đường của họ và lập trạm BOT thu tiền nhân dân, là “hết sức vô lý” (trích lời của ông Nguyễn Văn Giàu ở phần trên).

Thứ hai: Nhiều cung đường BOT, người dân không hề đi qua nhưng nhà đầu tư lập trạm trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách để thu phí đường BOT cạnh kề, như các trạm: cầu Bến Thủy (Nghệ An), Văn Lâm (Hưng Yên), An Dương (Hải Phòng), Biên Hòa (Đồng Nai) …

Điều này lại này lại càng phi lý.

Xung đột lợi ích BOT giao thông bao giờ mới chấm dứt? ảnh 5Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục bất cập trong đầu tư BOT, BT

Thứ ba: Phí BOT quá cao, không chỉ ảnh hưởng tới túi tiền của chủ các phương tiện ô tô mà còn ảnh hưởng tới túi tiền của mọi người dân.

Vì làm tăng phí vận chuyển hàng hóa (chi phí lưu thông), dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.

Ba lý do trên đây, là nguyên nhân làm cho nhân dân bức xúc, bất bình.

Do  không được biểu tình để thể hiện nguyện vọng tập thể (vì Việt Nam chưa có Luật Biểu tình), vì vậy người dân chỉ có cách thể hiện sự bức xúc ở các trạm thu phí BOT.

Đây là cơ hội để một số kẻ quá khích lợi dụng để kích động làm cho tình hình phức tạp thêm.

Trước thực trạng như vậy, Bộ Giao thông vận tải không nhận sai sót để có giải pháp khắc phục một cách căn bản mà chỉ chạy theo giải quyết tình thế, ở đâu xẩy ra căng thẳng, chỉ đạo nhà đầu tư giảm phí BOT ở đó.

Cách làm này đã tạo nên “hiệu ứng domino”, từ chỗ một số trạm BOT bị lái xe phản ứng gây ùn tác giao thông dẫn đến hàng loạt trạm thu phí BOT bị lái xe phản ứng gây ùn tắc.

Mặt khác, việc giảm giá không giải quyết được vấn đề. Vì nhà đầu tư giảm giá vé thì đương nhiên họ lại yêu cầu cơ quan chức năng tăng thời gian thu phí.

Hơn nữa, nguyên nhân cơ bản làm nhân dân bức xúc, bất bình chủ yếu là ở vấn đề Thứ nhất và Thứ hai như đã nêu ở trên.

Gần đây, Bộ Giao thông Vận tải có chủ trương đặt biển cấm dừng xe ở các trạm thu phí BOT không quá 5 phút hay yêu cầu tất cả các nhà đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí tự động.

Những biện pháp này không hề giải quyết được nguyên nhân của xung đột lợi ích, vì vậy cũng không thể giải tỏa được bức xúc của nhân dân.

Ngay cả việc huy động Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cấp uỷ và chính quyền địa phương vào cuộc để lập lại trật tự ở các trạm BOT cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi vậy, giải pháp này không thể kéo dài.

Vì xung đột lợi ích của người dân với doanh nghiệp chưa được giải quyết, lòng dân chưa yên thì mâu thuẫn vẫn cứ âm ỉ, dồn nén và bùng phát bất cứ lúc nào. Đây là nguy cơ lớn đối với an ninh, an toàn xã hội.

Để giải quyết thấu đáo xung đột lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp, không có cách nào khác là Bộ Giao thông Vận tải, cần nhìn thẳng vào vấn đề, cái gì sai thì phải nhận và sửa.

Cốt lõi của vấn đề là giải quyết theo nguyên lý chỗ nào làm thì thu phí BOT, chỗ nào không làm thì không thu; làm ít thu ít, làm nhiều thu nhiều, cần minh bạch rõ ràng.

Nếu Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận và khắc phục những bất cập sai sót trong thực hiện các dự án BOT vừa qua thì không chỉ giải quyết được tận gốc xung đột lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp, lập lại trật tự bền vững ở các trạm thu phí BOT, làm sáng lại thành tích của ngành mà còn tạo niềm tin cho nhân dân, cho các đối tác để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án BOT đường cao tốc xuyên Việt phía Đông và các dự án BOT giao thông khác.

Tài liệu tham khảo:

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H,2000, t.12, tr.212;

(2). Chủ tịch Quốc hội nói về các dự án BOT (Báo Dân trí điện tử Ngày 05/12/2017);

(3), (4). Phó Chủ tịch Quốc hội: Điều diễn ra ở Trạm BOT Cai Lậy là rất buồn (Báo Người lao động điện tử 15/8/2017);

(5). Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt vi phạm tại các dự án BOT, BT (VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam 07/09/2017);

(6). Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng thu phí Trạm BOT Cai Lậy 1-2 tháng (Báo Người lao động điện tử 04/12/2017).

NGUYỄN HUY VIỆN