Bắc Kinh thăm dò thái độ Bình Nhưỡng, đổi chiến thuật với Triều Tiên

24/02/2014 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Họ phái 2 đoàn đại biểu đi Bình Nhưỡng trong vòng chưa đầy 1 tháng để tìm hiểu xem Bắc Triều Tiên có còn coi Trung Quốc là đồng minh trung thành của mình
Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đi Triều Tiên là để thăm dò thái độ của Bình Nhưỡng?
Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đi Triều Tiên là để thăm dò thái độ của Bình Nhưỡng?

Bưu điện Hoa Nam ngày 23/2 đưa tin, Trung Quốc đang thăm dò xem có nên thay đổi chiến thuật với Bắc Triều Tiên đang ngày càng trở nên khó đoán hay không, nhất là kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền.

Khả năng thay đổi quan điểm của Bắc Kinh xuất hiện sau khi họ phái 2 đoàn đại biểu đi Bình Nhưỡng trong vòng chưa đầy 1 tháng để tìm hiểu xem Bắc Triều Tiên có còn coi Trung Quốc là đồng minh trung thành của mình hay không, các học giả và cố vấn nhận xét.

Động cơ đằng sau những hành động của Bình Nhưỡng vài năm qua, từ vụ thử hạt nhân cho đến việc thanh trừng Jang Song-thaek đã gây ra nhiều bối rối cho khu vực, ngay cả Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

Nhiều học giả và cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho biết họ như bị tung hỏa mù về những diễn biến mới nhất ở Bắc Triều Tiên dưới thời Kim Jong-un.

Liên hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng hiện nay không được đề cao như dưới thời Kim Jong-il, trong đó Jang Song-thaek đóng vai trò cầu nối, nhân vật chủ chốt trong quan hệ Trung - Triều.

Sái Kiện, Phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên đại học Phúc Đán, Trung Quốc cho rằng vụ thanh trừng Jang Song-thaek gây ra những lo ngại rằng Bình Nhưỡng không còn đánh giá cao mối quan hệ với Bắc Kinh.

Trung Quốc đang khó chịu với Kim Jong-un.
Trung Quốc đang khó chịu với Kim Jong-un.

Chuyến công du Bắc Triều Tiên của Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh tìm hiểu xem Bình Nhưỡng có duy trì được ổn định chính trị hậu Jang Song-thaek hay không, và nó cũng báo hiệu khả năng Bắc Kinh đang tìm kiếm chiến thuật mới tiếp cận với Bắc Triều Tiên.

Trước đây truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về Bắc Triều Tiên thường nhấn mạnh quan hệ chính trị giữa 2 đảng cầm quyền và "tình anh em hoặc đồng minh". Nhưng với sự tham gia mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao, quan hệ Trung - Triều dần chuyển sang hướng giữa quốc gia với quốc gia và ít nhấn mạnh đến quan hệ anh em.

Giả Khánh Quốc, một giáo sư quan hệ quốc tế đại học Bắc Kinh nhận xét, mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia sẽ cho phép Bắc Kinh ứng xử với Bình Nhưỡng "bình thường hơn", tập trung vào lợi ích quốc gia của Trung Quốc thay vì nhấn mạnh ý thức hệ quá nhiều.

"Trung Quốc rất khó chịu với Kim Jong-un, mong đợi nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục cải cách mở cửa nền kinh tế Bắc Triều Tiên, nhưng bây giờ không chắc xu hướng ấy có thể tiếp tục hay không", ông Quốc nhận xét.

Bình Nhưỡng đã làm Bắc Kinh mất mặt khi thử nghiệm hạt nhân mà Trung Quốc không hề hay biết. Vụ thanh trừng Jang Song-thaek, Bắc Triều Tiên cũng công khai cáo buộc ông bán rẻ tài nguyên cho Trung Quốc. Gần đây, Triều Tiên lại thông báo sẵn sàng quay lại bàn đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, những chỉ dấu cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đang ít dần.

Giới học giả và cố vấn chính phủ Trung Quốc hiện nay chỉ có được thông tin về Bắc Triều Tiên từ tờ Rodong Sinmum và Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA, và những gì tìm được ở đây là quá ít.

Hồng Thủy