Báo Trung Quốc: Việt Nam đang "tạo thế chân vạc" ở Biển Đông

23/02/2014 13:30
Hồng Thủy
(GDVN) - "Thế chân vạc" gồm 3 phương diện: Lựa chọn các kênh ngoại giao đa phương - cân bằng; Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao thực lực quốc phòng và ngoại giao;
Các hoạt động quốc phòng, đối ngoại bình thường của Việt Nam luôn trở thành tâm điểm bình luận của một số tờ báo Trung Quốc với những ý đồ chính trị rõ ràng.
Các hoạt động quốc phòng, đối ngoại bình thường của Việt Nam luôn trở thành tâm điểm bình luận của một số tờ báo Trung Quốc với những ý đồ chính trị rõ ràng.

Tân Hoa Xã ngày 21/2 dẫn phân tích của tờ "Thanh Niên tham khảo" xuất bản tại Trung Quốc đưa ra những bình luận, nhận xét về hoạt động quốc phòng, đối ngoại của Việt Nam năm 2013 đều xoay quanh việc bảo vệ lợi ích (hợp pháp - PV) của mình ở Biển Đông.

Tờ báo đánh giá, một năm qua Việt Nam đã kiềm chế tối đa những nhân tố có thể kích hoạt căng thẳng trên Biển Đông, mặt khác cũng "không ngừng mua sắm vũ khí hiện đại trang bị cho hải quân, không quân", việc nhận chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên từ Nga là một dấu mốc quan trọng.

Dẫn phân tích của nguyệt san "Quốc phòng châu Á" xuất bản tại Malaysia, tờ báo một lần nữa nhấn mạnh vai trò yết hầu chiến lược của Biển Đông, nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương cùng diễn biến nóng lên trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại An ninh Shangri-la năm 2013 tại Singapore, kêu gọi các nước lớn đóng vai trò tích cực hơn trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và xây dựng một lòng tin chiến lược giữa các bên.

Việt Nam đã tích cực tăng cường các quan hệ quốc tế, ngoài việc nâng cao vai trò vị thế của mình trên trường quốc tế còn tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác an ninh, đặc biệt là an ninh trên biển. 

Sự kiện Viện Nam đón nhận tàu ngầm Hà Nội, chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên do Nga chế tạo cũng không nằm ngoài những bình luận của giới truyền thông Trung Quốc. Ảnh: Quân đội Nhân dân.
Sự kiện Viện Nam đón nhận tàu ngầm Hà Nội, chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên do Nga chế tạo cũng không nằm ngoài những bình luận của giới truyền thông Trung Quốc. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Đánh giá các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam sau bài phát biểu tại Shangri-la của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tờ báo cho rằng chính sách quốc phòng của Việt Nam hiện nay tập trung hàng đầu vào Biển Đông trong khi nỗ lực "tạo thế chân vạc" trên mặt trận đối ngoại.

Tờ báo này lý giải, "thế chân vạc" gồm 3 phương diện: Lựa chọn các kênh ngoại giao đa phương - cân bằng; Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao thực lực quốc phòng và ngoại giao; Duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc.

Nhận xét về nền quốc phòng của Việt Nam, tờ báo cho rằng ngoài Nga và Ukraina, Việt Nam cũng đang tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí trang bị hiện đại cho quân đội từ các nước khác như châu Âu, Mỹ, Canada, Israel, Ấn Độ, trong đó tờ báo này đặc biệt quan tâm đến "bước đột phá" trong quan hệ quân sự Mỹ - Việt sau cấm vận.

Dẫn phân tích của một nhà nghiên cứu từ Viện S. Rajaratnam ở Singapore, tờ báo cho rằng Việt Nam đang "mô phỏng" chính cách làm của Trung Quốc trong việc phát triển lực lượng "chống xâm nhập" nhằm đối phó với thực lực hải - không quân của Trung Quốc trên hướng Biển Đông.

Và vẫn với những suy đoán chủ quan, luận điệu lèo lái dư luận quen thuộc của một số tờ báo theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc, bài báo cho rằng Việt Nam đang sử dụng cảng Cam Ranh để thu hút, "lôi kéo" các cường quốc trên thế giới tham gia vào vấn đề Biển Đông.

Hồng Thủy