Bầu cử Tổng thống Mỹ - cơ hội cho Putin

29/07/2016 14:49
Ngọc Việt
(GDVN) - Kremlin đã dần chứng minh những quyết định của Obama hầu hết mang tính nửa vời và gây thiệt hại không nhỏ cho nước Mỹ.

Theo Reuters ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Barak Obama cho biết, có thể Nga cố gắng để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, sau vụ rò rỉ email của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC).

FBI đang điều tra vụ rò rỉ hơn 19.000 email của DNC, cho thấy lãnh đạo DNC đã ủng hộ Hillary Clinton và vùi dập Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong việc đề cử ứng viên Tổng thống của đảng.

Vụ rò rỉ email buộc Nghị sĩ Debbie Wasserman Schultz phải từ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.

"Tôi biết các chuyên gia đã gắn điều này với Nga. Chúng tôi biết người Nga hack hệ thống của chúng ta, không chỉ hệ thống chính phủ mà cả hệ thống tư nhân.

Động cơ việc làm rò rỉ đó là gì, tôi không thể nói trực tiếp, nhưng những gì tôi biết là Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Vladimir Putin.

Tôi nghĩ rằng Trump đã nhận được bảo đảm khá thuận lợi từ Nga. Bất cứ điều gì cũng có thể”, ông Obama chỉ trích Kremlin. [1]

Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: Sputnik News.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: Sputnik News.

Kremlin ngay lập tức phản bác rằng, giới chính trị gia Mỹ luôn dùng “lá bài Nga” vào mục đích của họ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết:

“Tổng thống Putin đã nhiều lần khẳng định rằng, Nga không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, đặc biệt là các tiến trình bầu cử.

Moscow tránh nghiêm ngặt việc có bất kỳ hành động hay tuyên bố nào có thể bị hiểu là can thiệp trực tiếp hay không trực tiếp đến các tiến trình bầu cử ở các quốc gia khác”, Itar-Tass dẫn lời ông Peskov.[1]

Washington nghi ngờ, Moscow phủ nhận, kết quả đang điều tra, nhưng hậu quả gây ra với đảng Dân chủ là rất tệ hại.

Chủ tịch DNC phải từ chức, lãnh đạo DNC phải công khai xin lỗi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nhưng ông Sanders vẫn quyết định rời bỏ đảng Dân chủ sau vụ “bê bối email”.

Cũng ngay sau đại hội đảng Dân chủ, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ phú Donald Trump đã lần đầu vượt trên cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton với tỉ lệ ủng hộ tương ứng 39% và 37%.  

Cá nhân người viết cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay và kết quả của nó sẽ có ảnh hưởng từ nước Nga, nhưng Kremlin không cần phải can thiệp với chiêu bẩn trong màn bí mật như bị cáo buộc.

Moscow có thể công khai đứng về phía Donald Trump qua việc làm giảm tối đa giá trị những di sản mà Hillary Clinton thừa hưởng từ Barak Obama.

Trump là doanh nhân nên điều gì cũng có thể quy về lợi ích kinh tế. Vì vậy Kremlin chỉ cần chứng minh được những gì nước Mỹ bỏ tiền ra nhiều nhưng mua được lợi ích quá nhỏ, là có thể cung cấp cho vị tỉ phú công cụ hữu hiệu.

Tối thiểu hoá tác hiệu của hệ thống lá chắn phòng thủ tại Đông Âu và tối đa hoá sự lãng phí khi NATO đóng quân thường trực tại vùng Baltic

Theo VTV ngày 9/7, Hội nghị thượng đỉnh khối NATO tại Varsava đã chính thức ra quyết định triển khai quân thường trực tại vùng Baltic và kích hoạt hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa tại Đông Âu.

Đây là hai quyết định được các nước thành viên NATO ở vùng Baltic và Đông Âu trông đợi, nhưng sẽ làm xấu thêm quan hệ vốn đang rất căng thẳng giữa NATO và Nga. [4]

Như người viết đã từng phân tích trong bài “Obama rửa mặt cho Putin”, tác dụng và hiệu ứng của lá chắn Aegis tại Romania nói riêng và hệ thống phòng thủ tại Đông Âu nói chung, có ảnh hưởng tới cuộc so tài giữa Hillary Clinton – Donald Trump trong cuộc đua tranh vào Toà Bạch Ốc.

Trong khi đó, tác dụng hiệu quả hệ thống phòng thủ này của NATO hoàn toàn phụ thuộc vào phản ứng của Nga và Iran, mà thực chất là phản ứng của Putin và cộng sự. 

Hệ thống lá chắn phòng thủ của NATO được kích hoạt tại Đông Âu có thể được xem như một bảo bối vô cùng công hiệu mà Tổng thống Mỹ Barak Obama đã vô tình trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kremlin có thể sử dụng nó để gây ảnh hương trực tiếp tới cuộc đua tranh chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.

Bởi lẽ, hệ thống lá chắn phòng thủ tốn kém chủ yếu nhắm tới Moscow nên mọi động thái của Kremlin đều được xem là hệ quả của nó.

Moscow có thể tối thiểu hoá tác động, hiệu quả của hệ thống lá chắn phòng thủ qua việc giảm nhiệt xung đột giữa Nga với các đối thủ được xem là “đồng minh tiềm tàng” của NATO như Ukraine hay Gruzia.

Nói cách khác nghĩa là Nga có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của mình với mục tiêu mà hệ thống “phòng hơn thủ” này nhắm tới.

Bầu cử Tổng thống Mỹ - cơ hội cho Putin ảnh 2

Hai hổ khó sống chung một núi

(GDVN) - Bất cứ liên minh hay mối quan hệ quốc tế nào hình thành cũng đều trên cơ sở lợi ích và bị chi phối bởi lợi ích. Để tránh thua thiệt, thậm chí bị bán đứng...

Khi nguy cơ không thể nhận diện rõ ràng thì việc NATO kích hoạt hệ thống phòng thủ là đi quá xa với thực tế và đó là sự lãng phí quá lớn, không cần thiết đối với nước Mỹ.

Trong khi đó, việc cho quân đồn trú thường trực tại các nước vùng Baltic cũng đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong chính giới tại các nước thành viên NATO.

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã chỉ trích kế hoạch này và cho biết, duy trì các biện pháp trừng phạt chống Nga là cách tiếp cận sai lầm, vì cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga là đối tác quan trọng đối với châu Âu. [6]

Với đóng góp tới 70% chi phí hoạt động của NATO thì việc đầu tư vào những mục tiêu chưa rõ ràng là khó chấp nhận với nước Mỹ của Donald Trump.

Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố rằng nếu ông đắc cử, nước Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO vô điều kiện.

Và trong trường hợp một nước thuộc khối bị tấn công, ông sẽ xem xét đóng góp của quốc gia đó như thế nào cho NATO rồi mới ra tay can thiệp.

Trong khi Donald Trump không ủng hộ việc nước Mỹ bỏ tiền ra cưu mang các đồng minh khác trong NATO, còn Nga thì kịch liệt phản đối các động thái của NATO, coi quyết định tăng quân tới biên giới phía Đông của tổ chức này và sát biên giới Nga như một hành động thách thức.

Điều này cho thấy cặp đôi Trump – Putin đã có điểm tương đồng, vì vậy Trump đã lên tiếng: “Bắt tay với Nga chẳng phải là tốt hay sao.” [8]

Như vậy là rất công khai, Kremlin đâu cần phải phải bí mật ủng hộ Trump. 

Tối thiểu hoá tác hại bởi lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga

Việc Washington và các đồng minh áp lệnh cấm vận Nga sau “sự kiện Crimea” chủ yếu nhắm vào Putin và những cộng sự thân cận. Mục đích cao nhất là khiến cho nước Nga kiệt quệ và quyền lực của Putin sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm, thậm chí phải ra đi.

Tuy nhiên, cho đến nay thì mục đích của cấm vận chỉ đạt được khoảng 30%, nếu được lượng hoá bằng con số. 

Trong khi nước Nga thiệt hại thì Mỹ và đồng minh không những chẳng được lợi lộc gì mà cũng thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, đã có nhiều phản ứng bất lợi cho Mỹ từ liên minh cấm vận.

Dư luận đã đặt câu hỏi phải chăng Nga đang xích gần EU? Câu hỏi đó xuất phát từ động thái nhượng bộ của Ukraine. Gần đây là các lời đề nghị, kêu gọi giảm trừng phạt, chấm dứt trừng phạt với Moskva ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.

Đất nước tiên phong trong vấn đề này là Đức.

Trong lần phát biểu mới đây với báo chí, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, EU nên dần gỡ bỏ trừng phạt Nga do tiến trình hòa bình ở Ukraine đang có tín hiệu tốt đẹp.

“Trừng phạt không phải là kết thúc. Chúng ta nên đưa ra một vài sư khích lệ nhằm đạt được thay đổi. Trừng phạt Nga nên được gỡ bỏ dần khi một phần của thỏa thuận Minsk được thực hiện. Cách tiếp cận kiểu "được ăn cả ngã về không” đang không cho thấy sự hiệu quả.” [7]

Còn Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cũng tuyên bố, đã đến lúc EU thực hiện một nỗ lực để xác định điểm chung với Nga tiến tới gỡ bỏ trừng phạt chống nước này:

“Tôi cho rằng chúng ta nên từng bước đi đến một một tạm ước mà trong đó mỗi lần thực thi Thỏa thuận Minsk, cứ thực hiện từng bước đi riêng lẻ, đáp lại, các lệnh trừng phạt sẽ dần dần được dỡ bỏ." [7]

Hiện đã có 5 nước thuộc EU ủng hộ gỡ bỏ hoặc gỡ bỏ từng phần lệnh trừng phạt Nga là Hungary, Síp, Hy Lạp, Ý và Slovakia.

Bầu cử Tổng thống Mỹ - cơ hội cho Putin ảnh 3

Không xem quảng cáo… đừng đọc báo

(GDVN) - Trước thực trạng độc giả báo mạng chặn các quảng cáo, một số tờ báo lớn trên thế giới đã phản pháo bằng thông điệp: “Không xem quảng cáo thì đừng đọc báo".

Trong khi tại Pháp thì Hạ viện nước này đã từng thông qua Nghị quyết kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Nga. Đặc biệt, Nga cùng với Hy Lạp và Ý đã có kế hoạch tái khởi động “Dòng chảy phương Nam” đầy hứa hẹn.

Với tình hình hiện nay, khi Brexit đã diễn ra thì việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga được nhận diện là rất cần thiết với EU.

Trong khi “Dòng chảy phương Bắc” có thể được nâng công suất thì “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” lại vừa được Moscow và Ankara quyết định tái khởi động nhằm kết nối chặt chẽ quan hệ Nga – Thổ sau khi quân đội đảo chính Erdogan bất thành.

Thế là Kremlin đã dần chứng minh những quyết định của Obama hầu hết mang tính nửa vời và gây thiệt hại không nhỏ cho nước Mỹ.

Nước Nga càng có nhiều quan hệ kinh tế với đồng minh của Mỹ thì Obama càng cay đắng. Donald Trump chỉ cần khai thác những điều này cũng có ưu thế rất lớn với đối thủ của mình.

Hạn chế tối đa sự phụ thuộc của kinh tế Nga vào giá dầu thô

Có thể thấy rằng kinh tế nước Nga phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu thô và đây chính là yết hầu mà đối thủ có thể gây hại cho nước Nga thông qua việc tác động làm thay đổi giá dầu.

Giá dầu giảm sâu cùng với cấm vận đã khiến cho đồng Rúp mất giá, kinh tế nước Nga khó khăn, người dân Nga cùng cực. Tuy nhiên, việc giá dầu thô giảm sâu, giảm lâu lại có thể được xem là cơ hội để Nga cải cách nền kinh tế.

Và khi ván cờ mới của Putin được sắp đặt thì cơ hội sẽ được hiện thực hoá.

Bloomberg đã thực hiện các cuộc thăm dò và kết quả cho thấy cho thấy, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng giá dầu ở mức khá thấp như hiện nay thì việc tiến hành cải cách cơ cấu nền kinh tế là điều không thể tránh được với nước Nga.

Quan hệ kinh tế Nga – Trung không chỉ còn đơn thuần là mua bán dầu giá rẻ mà là hàng loạt những thoả thuận, những dự án đã đa dạng hoá lĩnh vực hợp tác đầu tư giữa hai bên, trong đó bao gồm cả công nghiệp và nông nghiệp. 

Putin phát huy vai trò của nước Nga đứng đầu Liên minh kinh tế Á – Âu, từ đó tạo ra lợi thế, lợi ích cho nước Nga.

Từ việc khởi phát quan hệ với Nhật Bản trong vòng vây cấm vận cũng không còn chú trọng vào những lĩnh vực liên quan đến dầu khí, đến quan hệ hợp tác với các nước ASEAN cũng được đa dạng hoá cả từ lĩnh vực đầu tư đến cách thức đầu tư, phương thực kết nối lợi ích.

Việc đổi nông sản lấy trực thăng với Thái Lan cho thấy nước Nga đã quên dần dầu khí.

Khi một cơ cấu kinh tế được hiệu chỉnh phù hợp với các chiến lược kinh tế đối ngoại mới thành hình thì cũng là lúc một diện mạo mới cho nền kinh tế nước Nga được xác lập.

Khi Moscow thành công trong việc đột phá vào mắt xích yếu nhất của liên minh cấm vận, khi Putin đưa kinh tế nước Nga thoát ra theo ba dòng chày và khi kinh tế Nga không còn bị chao đảo vì giá dầu giảm sâu, những điều đó chứng minh sơ xuất của Obama đã trở thành sai lầm nghiêm trọng của nước Mỹ.

Bởi lẽ, khi chính sách kinh tế của nước Nga phát huy hiệu quả trong thời kỳ giá dầu thấp thì khiến cho công cụ mà Mỹ có thể đối phó với Nga lúc nguy cấp đã mất hiệu lực, nước Nga sẽ khó bị khống chế bởi các công cụ kinh tế.

Như vậy là vô hình chung Washington đã làm cho Moscow mạnh lên, điều đó khiến cho mầm mống hậu hoạ với nước Mỹ từ liên minh Nga – Trung sẽ trở nên khó lường và nguy hại hơn rất nhiều.

Theo cá nhân người viết, cũng giống như Trung Nam Hải, Kremlin mong muốn Donald Trump bước vào Toà Bạch Ốc hơn là Hillary Clinton, bởi lẽ với Trump thì “lợi ích kinh tế có thể đổi bằng lợi ích kinh tế”.

Còn với Hillary thì “lợi ích kinh tế có thể phải đổi bằng lợi ích chính trị”, mà lợi ích chính trị thị rất khó xác định cả về quy mô cũng như tác hiệu của nó.

Vì vậy, Moscow chỉ cần chứng minh nước Mỹ của Obama đã “hao tài tốn của” để đánh đổi lấy những lợi ích cỏn con, là có thể cung cấp cho vị tỉ phú những bảo bối tuyệt với trên đường đua đang ngày càng quyết liệt.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.reuters.com/article/us-usa-election-obama-russia-idUSKCN1062R4

[2]https://www.washingtonpost.com/blogs/right-turn/wp/2016/07/27/whats-the-scoop-with-russia-and-the-u-s-election/

[3]www.washingtonpost.com/blogs/post-partisan/wp/2016/07/25/connecting-the-dots-how-russia-benefits-from-the-dnc-email-leak/

[4]http://vtv.vn/tin-tuc/nato-tang-cuong-su-hien-dien-quan-su-quy-mo-lon-tai-dong-au-20160709063018096.htm

[5]http://tass.ru/en/world/846567

[6]http://vn.sputniknews.com/politics/20160612/1908714/nato-baltic-duc.html

[7]http://bnews.vn/gia-dau-thap-co-hoi-de-nga-cai-cach-nen-kinh-te/20218.html

[8]http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/donald-trump-quyet-tam-doan-tuyet-nato-3315001

Ngọc Việt