Châu Á đa cực cho người châu Á

24/05/2017 13:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Có rất ít dấu hiệu các nước trong khu vực ngả sang Trung Quốc. Hầu hết các nước này duy trì chính sách phòng ngừa rủi ro chiến lược trong quan hệ với Bắc Kinh.

Chietigj Bajpaee, chuyên gia phân tích khu vực châu Á của tập đoàn Statoil, Na Uy, đồng thời là nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Hoàng gia London, Anh quốc ngày 22/5 có bài phân tích đáng chú ý trên The Interpreter. [1]

Ông Chietigj Bajpaee bình luận: một châu Á cho người châu Á phải chăng là sự ra đời của một châu Á đa cực?

Chính sự khó chịu và không chắc chắn về chính sách của nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump với châu Á, đã khiến các nước trong khu vực đang nỗ lực tìm cách đảm đương vai trò lãnh đạo trong việc định hình trật tự khu vực.

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất khái niệm "an ninh mới cho châu Á", trong đó kêu gọi một trật tự mới khu vực châu Á cho người châu Á (và do người châu Á xây dựng).

Ý tưởng này có vẻ "khiêu khích" vào thời điểm đó, nhưng hiện nay nó ngày càng phản ánh một thực tế mới nổi: các cường quốc châu Á đang nỗ lực tìm cách đảm đương vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng trật tự khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khái niệm an ninh mới cho châu Á tại hội nghị Các biện pháp Tương tác và xây dựng lòng tin, ngày 21/5/2014. Ảnh: The Jamestown Foundation.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khái niệm an ninh mới cho châu Á tại hội nghị Các biện pháp Tương tác và xây dựng lòng tin, ngày 21/5/2014. Ảnh: The Jamestown Foundation.

Có 3 yếu tố đã góp phần hình thành nên xu thế này: Sự trỗi dậy của ông Donald Trump đi kèm sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ với các đồng minh ở châu Á, đặc biệt là yêu cầu chia sẻ gánh nặng ngân sách.

Thứ hai là câu hỏi về tính bền vững của cấu trúc khu vực do ASEAN lãnh đạo, và thứ ba là sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách ngày càng cứng rắn và tự tin.

Châu Á cho người châu Á, nhưng không phải do Bắc Kinh lãnh đạo

Theo truyền thống, cấu trúc an ninh khu vực châu Á đã bị chi phối bởi hệ thống liên minh song phương do Mỹ dẫn đầu, đặc biệt là với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Singapore và Thái Lan, cũng như vai trò lãnh đạo của ASEAN với tư cách một tổ chức đa phương.

Tuy nhiên, đáng chú ý là sự gia tăng của các sáng kiến song phương hay đa phương trong khu vực những năm gần đây là bằng chứng rõ nhất về nỗ lực của các "cường quốc khu vực" để phát triển một trật tự mới.

Trước đây các sáng kiến hợp tác song phương - đa phương trong khu vực thường do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhất là trong quan hệ với Nhật Bản và Australia, thì những sáng kiến hợp tác gần đây đã loại trừ Mỹ.

Ví dụ như cơ chế đối thoại 3 bên Ấn Độ - Australia - Nhật Bản; Đối thoại 3 bên Ấn Độ - Australia - Indonesia về Ấn Độ Dương; Thỏa thuận hợp tác 3 bên Ấn Độ - Nhật Bản - Việt Nam từ tháng 12/2014;

Gần đây có đối thoại song phương giữa Ấn Độ với Nhật Bản, Ấn Độ với Hàn Quốc; Đối thoại 3 bên Ấn Độ - Nhật Bản - Hàn Quốc.

Bất chấp sự xói mòn vai trò của Washington ở châu Á, có rất ít dấu hiệu các nước trong khu vực ngả sang Trung Quốc.

Hầu hết các nước này duy trì chính sách phòng ngừa rủi ro chiến lược trong quan hệ với Bắc Kinh.

Một ngoại lệ đáng chú ý là Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, ông chấp nhận gác qua một bên Phán quyết Trọng tài đã hủy đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông để cải thiện quan hệ với nước này.

Những diễn biến gần nhất mang lại rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đạt được điều họ muốn trong khu vực:

Ấn Độ cho phép nhà lãnh đạo tôn giáo Đạt Lai Lạt Ma đến Tawang ở bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền với tên gọi Nam Tây Tạng;

Hàn Quốc cho phép triển khai thệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ của mình để đối phó với nguy cơ tấn công từ Triều Tiên, bất chấp Bắc Kinh phản đối.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: Reuters.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ảnh: Reuters.

Chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản, tàu Izumo đã đến Biển Đông. Tokyo tăng cường hợp tác với các nước có yêu sách ở Biển Đông, trừ Trung Quốc.

Trên eo biển Đài Loan, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn từ chối công nhận "đồng thuận 1992" về nguyên tắc "một Trung Quốc, tùy cách hiểu mỗi bên" làm cơ sở cho quan hệ hai bờ.

Indonesia củng cố năng lực quân sự ở Natuna giáp Biển Đông và bị đường lưỡi bò đè lên vùng đặc quyền kinh tế.

Australia tăng cường giám sát thực tế các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các dự án khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng tại Australia.

Trên mặt trận kinh tế, bất chấp Mỹ từ chối phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản và Australia đã thúc đẩy 11 nước còn lại tiếp tục chủ động thúc đẩy TPP, trong đó bỏ ngỏ khả năng kết nạp các nước khác, kể cả Trung Quốc.

Mỹ rút khỏi TPP cũng có thể tạo động lực khôi phục các sáng kiến thương mại tự do đa phương khác trong ASEAN.

Nhật Bản đang nổi lên như một cường quốc lớn trong khu vực. Tokyo đã có những bước tiến sửa đổi Hiến pháp hòa bình để theo đuổi chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.

Ấn Độ cũng đã cam kết một cách tiếp cận chủ động hơn đối với khu vực.

Châu Á đa cực cho người châu Á ảnh 3

Một vành đai, một con đường và chiến lược cò gỗ mổ cò thật

Trong khi New Delhi không tham gia sáng kiến "Một vành đai, một con đường" do Trung Quốc lãnh đạo, Ấn Độ lại thúc đẩy quan niệm của riêng mình về trật tự khu vực, thông qua các sáng kiến như Dự án Mausam hay các tuyến đường vận chuyển bông và gia vị.

Vì vậy, thay vì hình thành một sự sắp xếp G-2 giữa Washington và Bắc Kinh ở châu Á - Thái Bình Dương, một trật tự mới phức tạp hơn đang nổi lên trong khu vực.

Khẩu hiệu "châu Á cho người châu Á" của ông Tập Cận Bình năm 2014 cuối cùng đang trở thành hiện thực.

Nhưng thay vì thiết lập lại trật tự khu vực từ chỗ do Mỹ đứng đầu sang Trung Quốc lãnh đạo, những diễn biến hiện nay có thể tạo điều kiện cho sự xuất hiện một châu Á đa cực. [1]

Con đường tơ lụa mong manh

CNBC ngày 22/5 dẫn lời chuyên gia Agatha Kratz có liên kết với Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho biết:

Một số dự án đường sắt cao tốc được đầu tư bởi Trung Quốc qua sáng kiến "Một vành đai, một con đường" tuy đã đạt được thỏa thuận, nhưng rất ít hoặc không có tiến triển nào cụ thể. [2]

Đó là những dự án phục vụ kế hoạch của Trung Quốc phát triển triển mạng lưới đường sắt kết nối nước này với Đông Nam Á, chạy qua Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Hiệp định xây dựng đoạn đường sắt cao tốc xuyên Á chạy qua Thái Lan đã được ký năm 2010, nhưng đến nay hai bên vẫn đang đàm phán.

Ban đầu hiệp định này quy định tài trợ bởi Trung Quốc và sẽ do các nhà thầu Trung Quốc xây dựng.

Nhưng cuối cùng chính phủ Thái Lan đã quyết định tự đầu tư cho dự án này, không vay vốn Trung Quốc trong khi vẫn sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Mặc dù thời hạn mục tiêu khởi công dự án này là năm 2017, nhưng chắc chắn sẽ bị chậm lại.

Trong khi đoạn đường sắt cao tốc xuyên Á chạy qua Lào đã được khởi công từ năm 2016, nhưng theo Agatha Kratz, tốc độ tiến triển rất chậm chạp.

Ở Indonesia, tuyến đường sắt cao tốc nối Bandung với Jakarta rất khó có thể hoàn thành đúng thời hạn vào năm 2019 khi công việc vẫn chưa bắt đầu.

Bên cạnh sự chậm trễ, một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khác nằm trong sáng kiến "Một vành đai, một con đường" phải đối mặt với nguy cơ rủi ro an ninh và chủ nghĩa khủng bố rất cao.

Lính Pakistan có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các dự án Trung Quốc đầu tư dọc Hành lang Trung Quốc - Pakistan. Ảnh: Pakistan China News.
Lính Pakistan có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các dự án Trung Quốc đầu tư dọc Hành lang Trung Quốc - Pakistan. Ảnh: Pakistan China News.

Chẳng hạn như dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 46 tỉ USD, liên quan đến việc xây dựng các nhà máy năng lượng, đường bộ, hạ tầng cảng biển, đường sắt, sân bay.

Các dự án này hiện đang là mục tiêu của các phe phái cực đoan tại Pakistan, trong khi các mối đe dọa an ninh với những dự án này có thể vẫn tiếp tục xuất hiện.

Pakistan đã phải triển khai gần 15 ngàn quân đảm bảo an ninh cho lao động Trung Quốc làm việc trong các dự án dọc Hành lang Trung Quốc - Pakistan. [3]

Liu Yanhua, một cố vấn của Chính phủ Trung Quốc cung thừa nhận trong bài tham luận tại một hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Một vành đai - một con đường tại Bắc Kinh rằng:

Trung Quốc đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội, mặc dù đầu tư hàng tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số nước, do thiếu sự chú ý đến môi trường và tác động đến cộng đồng địa phương.

Chính phủ Trung Quốc biết điều này, nên đã tìm cách đầu tư vào quyền lực mềm qua việc rót tiền cho các trung tâm nghiên cứu, học bổng, hoạt động thúc đẩy văn hóa và các phương tiện truyền thông. [4]

Tuy nhiên học giả Joshua Kurlantzick, thành viên cao cấp Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ về Đông Nam Á bày tỏ nghi ngờ với khả năng thành công của Trung Quốc trong tìm kiếm mục tiêu quyền lực mềm thông qua "Một vành đại, một con đường".

Đặc biệt là với các nước láng giềng Đông Nam Á, theo Kurlantzick, họ rất lo lắng về hành vi quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông những năm gần đây.

Châu Á đa cực cho người châu Á ảnh 5

"Một vành đai, một con đường" vươn được bao xa?

Ấn Độ và Nhật Bản ít có khả năng tham gia, cho nên chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc có khả năng chỉ có thể hoạt động phổ biến ở châu Phi, một số nước Đông Âu và Trung Á. [2]

Theo nhà nghiên cứu Thái Lan Anchalee Kongrut viết trên tờ Bangkok Post ngày 22/5, các nước mục tiêu của "Một vành đai, một con đường" hầu hết đều hoài nghi tính minh bạch và các biện pháp bảo vệ môi trường, quyền lợi cộng đồng bản địa tại các dự án này.

Thách thức với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình rõ ràng đã vượt qua phạm vi về kỹ thuật và tài chính.

Sở dĩ dự án xây dựng đường sắt cao tốc kết nối Trung Quốc với Thái Lan bị chậm trễ 2 năm là vì, các nhà chức trách Thái đang phải chống lại đòi hỏi của Trung Quốc về quyền phát triển các dự án bất động sản dọc theo tuyến đường này. [5]

Kêu gọi từ trong lòng nước Mỹ: Quốc hội Hoa Kỳ muốn có nhiều tàu ngầm và bom hơn ở Thái Bình Dương

Đài CNN ngày 22/5 đưa tin, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ có kế hoạch kêu gọi tăng 2,1 tỉ USD cho quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương để chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc.

Hạ nghị sĩ Mac Thornberry của đảng Cộng hòa, đại diện cho bang Texas sẽ giới thiệu một dự luật trong tuần này, kêu gọi tăng 1 tỉ USD cho đạn dược và 1 tỉ USD cho tên lửa bố trí tại Thái Bình Dương.

Dự luật cũng bao gồm 100 triệu USD chi phí cho các cuộc tập trận chung với đồng minh ở Thái Bình Dương, duy trì một lữ đoàn không quân ở Hàn Quốc để ứng phó với bất kỳ động thái quân sự nào từ Bình Nhưỡng.

Đầu năm nay, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain cũng nêu sáng kiến "ổn định châu Á - Thái Bình Dương", kêu gọi tăng 7,5 tỉ USD vào ngân sách quốc phòng Mỹ cho khu vực trong 5 năm tới.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Brian Schatz nói với CNN về các ý tưởng này: "Nó sẽ dễ dàng làm cho các thành viên có xu hướng tập trung vào châu Âu và Trung Đông phải nhớ rằng, chúng ta phải để mặt đến Thái Bình Dương.".

Hạ nghị sĩ Thornberry nói rằng, dự luật ông đề xuất nhằm ngăn chặn các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên ông vẫn cảm thấy việc ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân cấp bách hơn. [6]

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm một căn cứ hải quân Hoa Kỳ, ảnh: CNBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm một căn cứ hải quân Hoa Kỳ, ảnh: CNBC.

Theo tờ Asian Correspondent ngày 24/5, Tiến sĩ Lynn Kuok của Trường Luật Harvard phát biểu tại Đối thoại chiến lược Đức - Indonesia, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế CSIS tổ chức tại Jakarta, rằng:

Chính quyền Mỹ nên tập trung nhiều hơn vào Biển Đông, nếu không sẽ có nguy cơ luật pháp quốc tế bị phá hoại vĩnh viễn ở khu vực này.

Bà cho rằng, Bắc Kinh đã rất nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế tập trung vào các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải giữa Trung Quốc với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei ở BIển Đông.

Trong khi đó Trung Quốc lại cố tình ngăn chặn sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào việc bảo vệ quyền lợi của tất cả các nước ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Theo bà Kuok, Mỹ và các nước khác trên toàn thế giới có "lợi ích mạnh mẽ trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định ở Biển Đông". Bà nhắc lại lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu:

"Nếu Mỹ muốn có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển chiến lược ở khu vực châu Á, họ không thể cứ đến rồi đi.". [7]

Cá nhân người viết cho rằng, nhận định của Chietigj Bajpaee về một châu Á đa cực đang hình thành là rất đáng lưu ý. 

Nó không chỉ phản ánh vai trò và sự chủ động ngày càng tăng của các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia.

Quan trọng hơn, xu hướng này còn cho thấy sự phản ứng của hầu hết các nước trong khu vực với xu thế cường quyền áp đặt, tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Châu Á đa cực cho người châu Á ảnh 7

Lời hứa của ông Tập Cận Bình và câu chuyện lòng tin

Xu thế này sẽ diễn biến, phát triển đến mức nào còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các nước trong việc bảo vệ trật tự quốc tế, khu vực dựa trên luật pháp.

Đồng thời, những toan tính và nước cờ tranh giành ảnh hưởng giữa 2 siêu cường về lợi ích địa chiến lược trong khu vực sẽ có tác động không nhỏ tới cấu trúc an ninh.

Cục diện Biển Đông hay bán đảo Triều Tiên cần được đặt trong bối cảnh này.

Chính sách của Mỹ với châu Á hay sáng kiến "Một vành đai, một con đường" cũng nên được các bên liên quan tiếp cận trên cái nền của một châu Á đa cực, để tránh bị rơi vào vòng xoáy chọn bên, hoặc Mỹ hoặc Trung Quốc.

Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu ý với các nước ven Biển Đông, đó là Trung Quốc đã rót rất nhiều tiền vào "quyền lực mềm".

Họ nuôi và phát triển rất nhiều tổ chức "nghiên cứu", đi khắp thế giới để tuyên truyền về đường lưỡi bò và "Một vành đai, một con đường".

Tần suất, mức độ tuyên truyền cũng như độ "chịu chi" của Trung Quốc cho việc này không thể xem thường.

Nhất là khi Bắc Kinh vận động hành lang tại các trung tâm nghiên cứu có ảnh hưởng quốc tế, mà thiếu những tiếng nói phản biện kịp thời, chính xác từ các bên liên quan, có lợi ích trực tiếp bị đe dọa.

Ngay cả "Một vành đai, một con đường" cũng đã được Bắc Kinh sử dụng như một con bài địa chính trị để xây dựng ảnh hưởng "mềm", sức mạnh "mềm" cho họ tại các quốc gia mục tiêu.

Bởi vậy các bên liên quan cần nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ những bất cập trong sử dụng nguồn vốn giá rẻ Trung Quốc, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống đường sắt xuyên Á tại một số nước Đông Nam Á hiện nay, để tránh rơi vào những cái bẫy kinh tế dở khóc, dở cười.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/birth-multipolar-asia

[2]http://www.cnbc.com/2017/05/22/one-belt-one-road-why-the-real-value-of-chinas-project-could-like-in-soft-power.html

[3]http://www.mei.edu/content/map/china-pakistan-economic-corridor-cpec-underway-and-under-threat

[4]http://www.cnbc.com/2017/05/13/zte-to-expand-digital-television-service-offering-in-pakistan.html

[5]http://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/1254074/silk-road-to-sustainability-

[6]http://edition.cnn.com/2017/05/22/politics/mac-thornberry-congress-military-pacific/

[7]https://asiancorrespondent.com/2017/05/trumps-administration-asleep-south-china-sea-expert/#xHGQi6UYTM1Z1mTu.97

Hồng Thủy