Hậu Jang Song-thaek TQ lực bất tòng tâm, Vương Nghị gọi hỏi Lavrov

16/12/2013 15:00
Hồng Thủy (Nguồn: Ifeng, DW)
(GDVN) - Tốc độ thay đổi quá nhanh hay mức độ nguy hiểm, hậu quả cục diện bán đảo Triều Tiên đều đã vượt qua khả năng dự doán và kiểm soát của Trung Quốc. Việc Vương Nghị gọi điện cho Lavrov "cầu kiến" vụ Jang Song-thaek cho thấy Bắc Kinh thực sự đã lực bất tòng tâm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Đài Phượng Hoàng ngày 16/12 đưa tin, Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang nghiên cứu xu thế, cục diện chính trị Bắc Triều Tiên sau sự kiện Jang Song-thaek, đồng thời nỗ lực giữ liên hệ, trao đổi với các bên liên quan. Ông Nghị cho hay, sau vụ Jang Song-thaek (bị lật đổ, tử hình), ông đã nói chuyện điện thoại với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon thảo luận vấn đề cùng quan tâm. Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, là một nước láng giềng, Bắc Kinh hy vọng Bình Nhưỡng ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Về nhận định cục diện của người đồng cấp John Kerry rằng cục diện Bắc Triều Tiên đang bất ổn, ông Nghị cho biết Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu tình hình. "Cục diện Bắc Triều Tiên đúng là đã có một số thay đổi, chúng tôi đang tiếp tục quan sát thêm chính sách đối nội, đối ngoại của Bắc Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng sẽ không có thay đổi nào lớn." Tờ Dowei News trước đó đưa tin, sáng sớm 13/12 Bình Nhưỡng chính thức loan báo tử hình Jang Song-thaek thì tối hôm đó ông Nghị đã gọi điện cho Lavrov tham vấn tình hình Bắc Triều Tiên.
Triều Tiên công bố hình ảnh Jang Song-thaek bị bắt ngay tại cuộc họp Bộ chính trị mở rộng đã chấn động dư luận quốc tế.
Triều Tiên công bố hình ảnh Jang Song-thaek bị bắt ngay tại cuộc họp Bộ chính trị mở rộng đã chấn động dư luận quốc tế.
Có điều, lâu nay mỗi lúc Bắc Triều Tiên "sinh sự", các nước lớn lại tham vấn Bắc Kinh để nắm tình hình, và Nga cũng chủ động làm việc này. Choe Ryong-hae thăm Trung Quốc tháng 5 thì tháng 6 Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện cho ông Tập Cận Bình hỏi tình hình hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Đoàn đàm phán Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên trước lúc đi thăm Mỹ, đại diện đàm phán 6 bên của Nga cũng chủ động tìm gặp phía Trung Quốc để tìm hiểu vấn đề. Nhưng trong vụ Jang Song-thaek thì hoàn toàn ngược lại, Bắc Kinh phải gọi sang hỏi Moscow là dấu hiệu khác thường. Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc chủ động hỏi Nga đối sách với  Triều Tiên hậu Jang Song-thaek cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn không xác định được Kim Jong-un muốn gì, có tiếp tục cải cách hay vẫn khăng khăng phát triển vũ khí hạt nhân. Trong buổi họp báo ngày 13/12, khi được hỏi sự kiện Jang Song-thaek có ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Trung - Triều hay không, Hồng Lỗi cho biết Bắc Kinh "mong muốn, cam kết, hy vọng" quan hệ hợp tác song phương tiếp tục phát triển phù hợp với lợi ích đối bên, mà những từ này cho thấy đó chỉ là mong muốn của Trung Quốc chứ chưa có tín hiệu nào tương tự từ Triều Tiên. Việc Jang Song-thaek bị lật đổ và tử hình quá chóng vánh cho thấy Kim Jong-un suy nghĩ thế nào về hỗ trợ phát triển kinh tế từ Trung Quốc. Từ lúc Kim Jong-un lên cầm quyền, gần như mọi chính sách kinh tế của Bình Nhưỡng do Jang Song-thaek chi phối, với việc ông bị lật đổ thì từ nay những can thiệp, thậm chí "răn đe" của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân cũng sẽ trở thành "công cốc." Triều Tiên đã sẵn sàng gạt Trung Quốc qua một bên. Là đối tác quan trọng hỗ trợ Jang Song-thaek, Trung Quốc hiện đang vừa phải làm rõ quan hệ với Jang Song-thaek, vừa phải "bắt mạch thăm dò" Kim Jong-un. Bất luận là tốc độ thay đổi quá nhanh hay mức độ nguy hiểm, hậu quả cục diện bán đảo Triều Tiên đều đã vượt qua khả năng dự doán và kiểm soát của Trung Quốc. Việc Vương Nghị gọi điện cho Lavrov "cầu kiến" vụ Jang Song-thaek cho thấy Bắc Kinh thực sự đã lực bất tòng tâm.

Hồng Thủy (Nguồn: Ifeng, DW)