Học giả Mỹ: Trung Quốc đang ru ngủ láng giềng chấp nhận quyền bá chủ

01/09/2014 08:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ đối với xung quanh bằng cách xây dựng, thiết lập các điều khoản mới.
Patrick Cronin.
Patrick Cronin.

Tờ Defense News ngày 31/8 bình luận, vụ Trung Quốc điều động chiến đấu cơ J-11 ngăn chặn và uy hiếp máy bay do thám P-8 của Mỹ hôm 19/8 vừa qua ở khoảng cách nguy hiểm chỉ khoảng 10 mét ngoài khơi đảo Hải Nam đã dẫn tới cuộc tranh luận về vai trò của quân đội Mỹ cũng như việc triển khai các hoạt động cần thiết mà chiến lược đòi hỏi.

"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ đối với xung quanh bằng cách xây dựng, thiết lập các điều khoản mới cho những gì được phép và bình thường, ru ngủ láng giềng phải chấp nhận quyền bá chủ của Trung Quốc và thay thế cho sức mạnh của Mỹ", ông Patrick Cronin từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ bình luận.

Đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Walter Doran, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương quan tâm tới khả năng Trung Quốc sẽ thành lập (trái phép) một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Tuy nhiên ông cho biết, mình không thể hình dung điều này sẽ được thừa nhận như thế nào.

"Trung Quốc đã tuyên bố áp đặt một ADIZ ở Hoa Đông tháng 11 năm ngoái và bắt đầu tích cực thách thức các máy bay quân sự bay qua khu vực này. Cách tiếp cận này của Bắc Kinh là để ngăn chặn máy bay do thám nước ngoài, và đôi khi quấy rối trong cuộc xung đột với các chuẩn mực quốc tế về các hành động chấp nhận được trong phạm vi nước này áp đặt ADZI Hoa Đông", tướng Wallace Chip Gregson, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.

"Những quy tắc Trung Quốc tuyên bố áp đặt cho ADIZ Hoa Đông đi kèm với một mối đe dọa rõ ràng đó là các biện pháp tự vệ khẩn cấp. Điều này hoàn toàn không bình thường, ADIZ không thể được đêm ra khẳng định chủ quyền của 1 quốc gia trên không phận quốc tế hoặc vùng lãnh thổ của quốc gia khác.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc đã ký kết còn Mỹ thì chưa tham gia là một vấn đề khác. Theo quy định của UNCLOS, các quốc gia thành viên có thể đưa ra yêu sách vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý để bảo vệ lợi ích kinh tế hàng hải của mình, tuy nhiên Trung Quốc lại tìm cách giải thích vùng đặc quyền kinh tế mà họ yêu sách như là vùng lãnh hải mà ở đó mọi hoạt động quân sự của nước ngoài đều bị cấm.

Mặc dù không phải thành viên UNCLOS, Mỹ chấp nhận các điều khoản không xâm phạm kinh tế, nhưng cho rằng tàu quân sự, máy bay theo UNCLOS được qua lại vô hại trong những khu vực không phận quốc tế.

Trong khi học giả Trung Quốc gọi Mỹ là đạo đức giả và khi xem xét các hoạt động qua lại vô hại của tàu chiến máy bay quân sự vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước thì chính Trung Quốc lại đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam và Philippines. Cả 2 quốc gia này đã phải đối mặt với những thách thức thương mại kinh tế cũng như quốc phòng trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trung Quốc có 2 mục tiêu: Giảm bớt và tiến tới loại bỏ hoạt động giám sát các lực lượng quân sự của mình từ phía Mỹ, thứ 2 là thiết lập (cái gọi là) căn cứ pháp lý cho tuyên bố yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông (đường lưỡi bò".Chiến lược này của Bắc Kinh làm tăng nguy cơ cho các lực lượng Mỹ khi họ hoạt động trong khu vực này, Robert Haddick cho biết.

Hồng Thủy