Malaysia đề xuất lập lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN

17/03/2015 10:56
Hồng Thủy
(GDVN) - Việt Nam và Philippines với những kinh nghiệm không lùi bước trước Trung Quốc gần đây chắc chắn sẽ chào đón một phản ứng chung của ASEAN...
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammudin Hussein.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammudin Hussein.

Tờ The Malaysian Insider ngày 17/3 đăng bài phân tích của Johannes Nugroho, một cây viết và là doanh nhân từ Surabaya, Indonesia bình luận việc Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammudin Hussein nói rằng ông sẽ thúc đẩy sự hình thành lực lượng gìn giữ hòa bình của các quốc gia Đông Nam Á ASEAN.

Sáng kiến này mặc dù không mới, nhưng nó đại diện cho một bước tiến xa hơn trong thái độ của Kuala Lumpur hướng tới sự hội nhập lớn hơn cho ASEAN.

Nếu thực sự được thành lập, lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN sẽ chính thức được chỉ định cho các hoạt động nhân đạo ở khu vực xung đột và thiên tai. Tuy nhiên nó cũng sẽ là lực lượng đầu tiên trong khu vực mà thông qua đó các quốc gia thành viên có thể làm việc cùng nhau trong khuôn khổ quốc phòng. Nếu thành công, nó có tiềm năng để biến đổi bản chất cam kết của các thành viên ASEAN khi đối mặt với Trung Quốc.

Năm nay Malaysia giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, theo truyền thống Kuala Lumpur sẽ hợp tác kinh tế lớn hơn là quốc phòng với các đối tác của mình. Trong quá khứ, Malaysia cũng chống lại bất kỳ chính sách nào của ASEAN có thể bị giải thích là "hành động tập thể chống Trung Quốc". Sự thận trọng của Malaysia có thể phù hợp với quan điểm của một số chuyên gia về Biển Đông, như nhà cựu ngoại giao hàng đầu Indonesia Hasjim Djalal.

Ông lập luận rằng sự hình thành bất kỳ thống nhất nào của ASEAN đối phó với Trung Quốc có thể nguy hiểm và phản tác dụng. Vì vậy chiến lược của Malaysia là làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên dù là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, Malaysia vẫn không thoát khỏi những chỉ trích của Bắc Kinh sau vụ mất tích chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines.

Trong khi từ bỏ quan hệ thương mại béo bở với Trung Quốc sẽ là một sự điên rồ, bây giờ Malaysia đang hướng tới khuôn khổ đa phương của ASEAN với hy vọng mới. Một lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực và xa hơn nữa là một hiệp ước quốc phòng kiểu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại  Tây Dương (NATO), nhưng nó sẽ phải gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn với Bắc Kinh rằng, một phản ứng thống nhất của ASEAN về các vấn đề an ninh là chính đáng.

Việt Nam và Philippines với những kinh nghiệm không lùi bước trước Trung Quốc gần đây chắc chắn sẽ chào đón một phản ứng chung của ASEAN cũng như sự hình thành một lực lượng gìn giữ hòa bình. Các quốc gia thành viên khác của ASEAN sẽ cần phải được thuyết phục về sự cần thiết của một lực lượng như vậy. Trong số các thành viên ASEAN, sự chấp nhận của Indoesia để có một lực lượng gìn giữ hòa bình chung không nghi ngờ gì, đó là điều rất quan trọng.

Là thành viên sáng lập và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, việc Indonesia có tham gia hay không có thể khiến kế hoạch được thực hiện hoặc bị phá vỡ. Về mặt chiến lược, một mạng lưới an ninh đa phương như lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN trùng hợp với lợi ích riêng của Indonesia.

Một quốc gia dễ bị thiên tai, Indonesia có thể được cứu trợ nhanh chóng từ lực lượng này. Trong khi trận sóng thần năm 2004 cho thấy, nước này vẫn có thể dựa vào sự hỗ trợ nhân đạo từ láng giềng như Ấn Độ và Úc, một lực lượng đặc nhiệm ASEAN sẽ có ý nghĩa hơn trong kịch bản như vậy.

Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích có thể đạt được, vẫn còn ít nhất 2 yếu tố ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Jakarta. Đầu tiên là chính sách đối ngoại của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hướng nội nhiều hơn, những giai điệu của chủ nghĩa dân tộc có thể ngăn cản Jakarta tham gia một nỗ lực như vậy. Thứ hai, có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Indonesia hiện nay sẽ tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc.

Với các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng được đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước đó, đòn bẩy tài chính từ Bắc Kinh có thể khiến Jakarta khó cưỡng lại. Trong trường hợp vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Indonesia khá lớn, Jakarta có thể xem xét lại những hỗ trợ với quan hệ hợp tác quốc phòng gần gũi hơn trong khối ASEAN.

Hồng Thủy