Mỹ lơ là "mất kiểm soát" Trung Quốc từ khi nào?

25/02/2018 07:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Đặng Tiểu Bình đã qua mặt Mỹ bằng chiến lược "giấu mình chờ thời", Mỹ thổi gió mới vào kinh tế Trung Quốc, để rồi Trung Quốc trở thành đối thủ đáng gờm.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc phần tiếp theo trong bài phân tích của học giả Hal Brands từ Trường Chính sách công Sanford, Đại học Duke trên The National Interest, về diễn biến nhận thức và phản ứng trong chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hal Brands nhận định, rõ ràng những nỗ lực của Hoa Kỳ (đã phản ánh trong bài viết "Mỹ nhận thức được mối đe dọa từ Trung Quốc từ lâu, nhưng phản ứng đủng đỉnh") đã không theo kịp những thách thức.

Trung Quốc và những thay đổi "vượt kiểm soát" 

Cán cân quân sự khu vực đã dịch chuyển mạnh mẽ sang phía Trung Quốc. Năm 2015, tổ chức nghiên cứu và phân tích RAND Corporation ra báo cáo đánh giá:

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiệm cận một loạt các "điểm bùng phát" mà Bắc Kinh tin, họ có thể thành công bằng việc dùng vũ lực trong các cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan, thậm chí là Biển Đông. [1]

Lực lượng quân sự Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông, ảnh minh họa: China Daily.
Lực lượng quân sự Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông, ảnh minh họa: China Daily.

Một nhà quan sát khác dự đoán: "Vào thập kỷ tới, sự phát triển về mặt quân sự của Trung Quốc sẽ cho phép họ có khả năng thống trị bầu trời và vùng biển ở Tây Thái Bình Dương." [2]

Hoa Kỳ cũng đang phải vật lộn để đối phó với chiến thuật cưỡng bức ngắn của Trung Quốc;

Các quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama đã phải thừa nhận, Washington đã thất bại nặng nề trong việc ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông bằng việc đảo hóa, quân sự hóa và đe dọa các nước láng giềng.

Các "xúc tu kinh tế" của Trung Quốc đã lan rộng khắp khu vực, cho phép Bắc Kinh tăng đòn bẩy ở cả những quốc gia xa "ngoại vi" như Australia.

Năm 2016 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng, nước Mỹ đã mất (vị thế, ảnh hưởng) ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy phát biểu của ông chủ Điện Manacanang có phần phóng đại, nhưng tình hình thực tế quả thật đang ngày càng trở nên ảm đạm hơn.

Washington có bị lừa bởi Đặng Tiểu Bình "giấu mình chờ thời"? 

Trong khi đó Hoa Kỳ đã hỗ trợ mạnh mẽ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bằng việc mở cửa thị trường Mỹ cho Trung Quốc, đưa Bắc Kinh vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài sang Trung Quốc, Mỹ đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton gặp người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2012 tại Bắc Kinh, ảnh: SCMP.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton gặp người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì năm 2012 tại Bắc Kinh, ảnh: SCMP.

Hơn nữa, Mỹ đã khuyến khích Trung Quốc tăng cường vị thế của họ trên trường quốc tế, bằng cách thúc đẩy Bắc Kinh tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết những thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Năm 2010 Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chỉ ra rằng:

Trung Quốc đã có kinh nghiệm phát triển và phát triển ngoạn mục kể từ khi tái lập quan hệ với Hoa Kỳ. Thật khó có thể đưa ra lời buộc tội rằng Mỹ "kiềm chế" Trung Quốc. [3]

Đối với các nhà sử học, hành vi của Mỹ với Trung Quốc sẽ là một câu đố hóc búa, tại sao Hoa Kỳ lại "phản ứng một cách vô nghĩa" như vậy đối với sự trỗi dậy của một đối thủ đáng gờm như Trung Quốc?

Một phần câu trả lời chắc chắn sẽ nằm trong các chiến lược cụ thể Trung Quốc đã theo đuổi để làm chậm lại phản ứng của Hoa Kỳ.

Từ cuối những năm 1980 đến cuối những năm 2000 Trung Quốc đã triệt để tuân thủ chính sách "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình.

Bắc Kinh cố gắng thể hiện một hình ảnh bên ngoài không đe dọa, nhấn mạnh cam kết trỗi dậy hòa bình.

Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ năm 1979 trên cương vị Phó Thủ tướng, nhưng thực tế là người nắm quyền cao nhất ở Trung Quốc bấy giờ. Bên cạnh là Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ảnh: AP
Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ năm 1979 trên cương vị Phó Thủ tướng, nhưng thực tế là người nắm quyền cao nhất ở Trung Quốc bấy giờ. Bên cạnh là Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Ảnh: AP

Sau 2008, hành vi của Trung Quốc bắt đầu trở nên hung hăng hơn, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nhận thức về việc cắt giảm việc làm của Mỹ đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng, cửa sổ địa chính trị cho đất nước họ đang mở ra.

Nhưng ngay cả khi Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh hơn nữa ảnh hưởng của họ trong khu vực, Bắc Kinh đã sử dụng các chiến thuật xâm lấn như xây dựng đảo, dùng cảnh sát biển và lực lượng bán vũ trang kiểm soát các khu vực (họ nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp gây sức ép phi chiến tranh được thiết kế một cách có chủ ý để không gây ra các phản ứng quân sự từ Hoa Kỳ.

Bắc Kinh đã chứng tỏ họ rất giỏi trong việc tăng cường vị thế của mình, đồng thời hạn chế khả năng chống lại điều này từ các đối thủ.

Tuy nhiên, các chiến lược này của Trung Quốc chứng minh được hiệu quả cũng vì bởi Mỹ đã tự giới hạn mình.

Trong thế kỷ qua, chính sách của Mỹ đã được định hình bằng một loạt các ý tưởng cốt lõi về cách phản ứng tốt nhất với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tất cả những ý tưởng này đều chân thành và có thiện chí, theo Hal Brands, tất cả đều chứa đựng các yếu tố hợp lý. Thậm chí trong nhiều trường hợp chúng hợp lý ngay cả bối cảnh mà các ý tưởng này nảy sinh.

Nhưng tất cả các ý tưởng này đều đại diện cho sự phản ứng kém, hơn là phản ứng quá mức đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Sau sự kiện Thiên An Môn, năm 1993 cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Winston Lord dự đoán "sẽ có một chính phủ trung dung và nhân đạo hơn ở Bắc Kinh", sẽ hòa bình hơn trong quan hệ ngoại giao và có thái độ tích cực hơn với Mỹ. [4]

Cuối cùng, việc tái cơ cấu của Trung Quốc đầu thập niên 1990 đã dội một gáo nước lạnh (lên Washington), vì nó cho thấy "lịch sử vẫn chưa kết thúc".

Có điều, để đáp lại với thực tế này, các quan chức Hoa Kỳ chỉ đơn giản điều chỉnh lý luận.

Nguồn:

http://nationalinterest.org/feature/the-chinese-century-24557?page=2

[1]https://www.rand.org/pubs/research_reports/RR392.html

[2]https://www.amazon.com/Fire-Water-America-Future-Pacific/dp/1612517951/ref=as_li_ss_tl?_encoding=UTF8&qid=1518109069&sr=1-2&linkCode=sl1&tag=thenatiinte-20&linkId=4be7390b76a80f023625fa3dd980e571

[3]https://www.reuters.com/article/us-asia-clinton/u-s-not-seeking-to-contain-china-clinton-idUSTRE69R5AI20101029?loomia_ow=t0:s0:a49:g43:r5:c0.045714:b38836058:z0

[4]https://archive.org/stream/congressionalrec136aunit#page/n13/mode/1up

Hồng Thủy