Biên tập viên chính trị đài ABC của Australia (abc.net.au), Andrew Probyn ngày 22/2 có bài phân tích về một chủ đề ông cho là Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cần phải bàn bạc kỹ khi gặp nhau tuần này: sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Malcolm Turnbull đặt chân đến Washington trong thời điểm có những "dịch chuyển kiến tạo" của người Mỹ về Trung Quốc.
Những tư tưởng mới này không xuất phát từ sự thăng trầm của ông chủ Nhà Trắng Donald Trump, mà là sự tái định vị của Lầu Năm Góc lẫn FBI từ cách đây 3 năm.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chụp ảnh chung bên lề APEC 2017 Đà Nẵng, ảnh: Daily Telegraph. |
Trên thực tế, các nhà phân tích Hoa Kỳ đã nói với ABC rằng lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc được phản ánh trong Chiến lược An ninh và Chiến lược Quốc phòng gần đây cứ như là bà Hillary Clinton đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chứ không phải ông Donald Trump.
Đó là một cách tiếp cận không phải là chống lại Bắc Kinh, mà là một hành động quyết đoán, rõ ràng và thẳng thắn (của Washington) về sự cạnh tranh kinh tế, quân sự đang ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.
Tháng Chạp 2017 Mỹ công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới, xem Trung Quốc và Nga là 2 "siêu cường xét lại" muốn hất cẳng Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mở rộng mô hình kinh tế nhà nước và sắp xếp lại trật tự khu vực theo lợi ích của họ.
Tháng Giêng 2018 Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ được công bố, trong đó viết:
"Trung Quốc là một đối thủ chiến lược sử dụng đòn bẩy kinh tế 'ăn cướp' để hăm dọa các nước láng giềng của họ, trong khi vẫn quân sự hóa các cấu trúc địa lý trên Biển Đông."
Hai văn bản chính sách mới này đã đập tan sự sốt sắng trong cách tiếp cận của Barack Obama với chủ nghĩa độc đoán của Bắc Kinh, một cách tiếp cận đã hình thành phần lớn cách Mỹ, Australia và các đồng minh phương Tây đã xử lý mối quan hệ với siêu cường mới nổi trong nhiều thập kỷ.
Máy bay quân sự Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông, ảnh: Ecns.cn. |
Một nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc từ Australia bình luận:
"Trong khoảng 40 năm, cách tiếp cận tập thể của chúng tôi là cười và vui vẻ với Trung Quốc. Chúng tôi đã tự nói với bản thân rằng, họ muốn được như chúng tôi, trong khi thực tế lại hoàn toàn khác."
Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ đã chỉ rõ và trực diện bản chất vấn đề ở đây là:
"Trong nhiều thập kỷ, chính sách của Hoa Kỳ (với Trung Quốc) bắt đầu từ niềm tin rằng, sự ủng hộ (của Mỹ) với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hội nhập vào trật tự quốc tế sau chiến tranh sẽ tự do hóa Trung Quốc.
Nhưng trái với những hy vọng của chúng ta, Trung Quốc mở rộng quyền lực, sức mạnh của họ bằng cách chi phối chủ quyền của nước khác."
Giống như những đồng nghiệp Hoa Kỳ, các công chức ngành quốc phòng và an ninh Australia đã có những kết luận tương tự.
Những lo ngại bắt đầu nổi lên từ 2015 khi cảng Darwin được bán cho một doanh nghiệp có liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuối 2015 Cục Khí tượng Australia phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng từ hacker Trung Quốc.
Lính Trung Quốc tập trận trên Biển Đông, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Và không chỉ các lỗ hổng trên mạng, đã có những cuộc tranh luận ở Australia về ảnh hưởng của sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học Úc.
Tuần trước, Giám đốc FBI Christopher Wray nói, các sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học ở Hoa Kỳ có thể bí mật thu thập tin tức tình báo cho chính phủ của họ ở quê nhà.
Các Bộ trưởng trong nội các Australia thừa nhận, riêng về chiến lược Canberra đang thiếu vắng cách đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc vào các trường đại học, đặc biệt từ khi giáo dục đại học Australia ngày càng phụ thuộc vào nguồn sinh viên nước ngoài.
Đó là vấn đề sức mạnh toàn cầu, dường như đang bắt đầu một cuộc tranh giành quyền lực mới để hình thành trật tự thế giới mới.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã kiên quyết và có phương pháp thiết lập, mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực.
Sáng kiến Vành đai và con đường của ông được thiết kế để làm nổi bật sự hiện diện của Trung Quốc khắp các con đường, cảng khẩu và cơ sở hạ tầng quan trọng ở khắp châu Á, Thái Bình Dương và châu Phi.
Lính Trung Quốc trên tàu khu trục neo đậu tại căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài đặt tại Djibouti. Ảnh: Submarine Matters. |
Tuy nhiên, một số phương pháp của Trung Quốc đã làm cho phương Tây lo ngại, với nỗi sợ hãi thâu tóm ảnh hưởng ở Nam Á bằng cách ảnh hưởng đến các tiến trình chính trị cũng như đòn bẩy nợ nần.
Tại Maldives, tháng trước cựu Tổng thống Mohamed Nasheed đã cáo buộc Trung Quốc chiếm 17 hòn đảo trên Ấn Độ Dương không khác gì một cuộc xâm chiếm thuộc địa.
Sri Lanka cũng giống như Maldives, đang trở thành con nợ lớn của Trung Quốc, đã cho Bắc Kinh ký hợp đồng thuê một cảng chiến lược trong 99 năm, còn Pakistan giao cảng Gwadar có vị trí trọng yếu cho Trung Quốc trong 40 năm.
Hoa Kỳ và Australia không phải là những quốc gia duy nhất cảnh giác với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhận ra điều này.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đang thúc giục Liên minh châu Âu tranh luận về chiến lược Vành đai và con đường của Trung Quốc.
Ông đề xuất tại một hội nghị an ninh cấp cao tại Munich tuần này rằng, EU cần thay thế sáng kiến Vành đai và con đường để truyền bá nguyên tắc của chủ nghĩa tự do phương Tây.
Thương mại và phát triển được coi là chìa khóa chống lại việc Trung Quốc xuất khẩu chủ nghĩa độc đoán, bành trướng của họ.
Nhiều đảng viên Cộng hòa tin rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là lá chắn tốt chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, họ sẵn sàng giúp ông Malcolm Turnbull thuyết phục ông Donald Trump đảo ngược sự phản đối của mình với TPP.
Đồng thời một kế hoạch phát triển chung ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cũng đang được xem xét để đối phó với Vành đai và con đường của Trung Quốc.
Vì vậy, bất luận là về quốc phòng, thương mại, an ninh hay các vấn đề khu vực, Trung Quốc đều trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận giữa ông Malcolm Turnbull với ông Donald Trump tại Washington.
Nguồn: