Nga tranh cãi dữ dội về việc cho Trung Quốc thuê đất nông nghiệp

24/06/2015 13:30
Nguyễn Hường
(GDVN) - Hồi đầu tuần này, đảng Dân chủ Tự do cho biết họ sẽ tìm cách bãi bỏ các thỏa thuận trên với lý do đó là một mối đe dọa lớn đối với an ninh nước Nga.

Trong những ngày gần đây, dư luận Nga đặc biệt quan tâm tới một tuyên bố của Thống đốc khu vực Baikal, Konstantin Ilkovsky, người nói rằng chính quyền khu vực đang đàm phán cho công ty Zoje Resources Investment của Trung Quốc thuê 115 ngàn hecta đất với thời hạn 49 năm để canh tác nông nghiệp. 

Nếu dự án này thành công, chính quyền Baikal sẽ ký kết với nhà đầu tư Trung Quốc một dự án khác, trong đó tiếp tục chuyển nhượng thêm quyền sử dụng 200 ngàn hecta đất khác.

Hai bên đã ký bản ghi nhớ về thỏa thuận trên, trong đó nói rằng giá cho thuê đất theo thỏa thuận sơ bộ là 250 rúp/1 hecta/năm. Với mức giá này, số tiền thu được từ việc cho thuê đất trong 50 năm quả là một con số không hề nhỏ.

Thói quen khai thác tận diệt của các doanh nghiệp Trung Quốc khiến nhiều học giả người Nga lo ngại.
Thói quen khai thác tận diệt của các doanh nghiệp Trung Quốc khiến nhiều học giả người Nga lo ngại. 

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin trên được công bố, nó đã thu hút sự quan tâm rộng rãi trong dư luận nước Nga với những ý kiến trái chiều nhau gay gắt. 

Theo người đứng đầu chương trình "Nước Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương" Alexander Gabuev, một trong những người ủng hộ thỏa thuận trên cho biết, đây là một động thái chưa từng có tiền lệ tại Nga, nhưng không phải là mới lạ trên thế giới.

Nói về quy mô thuê đất của Trung Quốc, ông Gabuev cho biết quốc gia này đã ký được hợp đồng thuê 3 triệu hecta đất canh tác ở Ukraine, hàng trăm hecta khác ở Tanzania và 10.000 hecta ở Cameroon để trồng lúa; thuê 100.000 hecta ở Zimbabwe để trồng ngô; thuê 2,8 triệu hecta ở Công-gô và 2 triệu hecta ở Zambia để sản xuất nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, kế hoạch lớn này của Trung Quốc ở Nga đang được nhiều người, gồm cả các quan chức cấp cao, xem xét một cách e dè. Hồi đầu tuần này, đảng Dân chủ Tự do cho biết họ sẽ tìm cách bãi bỏ các thỏa thuận trên với lý do đó là một mối đe dọa lớn đối với an ninh nước Nga.

Giám đốc Viện Các dự án khu vực Nikolay Mironov tuyên bố, dù dự án chưa thực hiện thì các hoạt động của nông dân Trung Quốc trên đất Nga cũng đã gây ra nhiều mối bận tâm. 

Những người Trung Quốc hiện diện ở nhiều khu vực của Nga theo những cách khác nhau, đang sử dụng các hóa chất cấm được nhập khẩu bất hợp pháp trong quá trình canh tác của họ. Điều này dẫn tới các mối đe dọa về môi trường và an toàn thực phẩm do sự tồn đọng của các hóa chất độc hại trong đất và những sản phẩm do họ làm ra chủ yếu bán cho người Nga.

Tại khu vực nông dân Trung Quốc đang canh tác ở Krasnoyarsk, theo ông Mironov, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy có sự dư thừa quá nhiều asen, flo, benzapirenu (một chất gây ung thư mạnh cho con người và động vật). Điều này không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe con người mà còn tạo ra nguy cơ biến các vùng đất này trở thành đất hoang, không thể phát triển bất cứ thứ gì sau khi người Trung Quốc rời đi.

Một số chuyên gia Nga cũng đồng ý thói quen khai thác tận diệt của các công ty Trung Quốc luôn đe dọa tới hệ sinh thái và sức khỏe con người trong các khu vực mà họ hiện diện. 

Phó Chủ tịch của Trung tâm Khoa học Amur, Andrei Konyushok bày tỏ quan ngại rằng các doanh nghiệp Trung Quốc thường xem đất đai như một cỗ máy kiếm tiền và duy trì sinh thái không phải là mối quan tâm của họ, họ làm mọi cách để có thể thu lợi từ nó nhiều nhất mà không bận tâm tới các vấn đề khác. Hơn nữa, người Trung Quốc hành xử như vậy ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, Trưởng ban Quan hệ quốc tế của Đại học Sư phạm Truyền Tin Nhà nước Nikolay Kukharenko cho rằng, vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả người thuê đất và người cho thuê. Phần lớn việc người Trung Quốc không tuân thủ các quy định về canh tác nông nghiệp tại Nga là do những trở ngại từ chính sách quan liêu.

Ngoài vấn đề môi trường, việc Trung Quốc muốn sử dụng 50% lao động canh tác trên các mảnh đất thuê ở Nga là công dân của họ cũng dấy lên nhiều nghi ngại về vấn đề di cư, an ninh, độc quyền về giá cả nông sản./.

Nguyễn Hường