Nhật quyết không cắt giảm ngân sách QP năm thứ 10 liên tiếp

12/10/2011 14:05
Chấn Hưng (theo Asia News)
(GDVN) - Nếu đúng như thống kê của Bộ Tài chính, Nhật Bản sẽ có 10 năm liên tiếp cắt giảm ngân sách quốc phòng, khiến hậu quả vô cùng tệ hại.

An ninh quốc gia của Nhật đang xấu đi đáng báo động trong thời gian qua. Giờ là thời điểm để chính phủ Nhật quyết định không thể cắt giảm ngân sách quốc phòng thêm được nữa.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang đề xuất khoản ngân sách trị giá 4,69 nghìn tỷ Yên (tương đương 61,2 tỷ USD) trong năm tài khóa 2012, tăng 0,6% so với năm ngoái. Đây thực sự là một gánh nặng ngân sách cho chính phủ trong năm tài khóa tiếp theo.

Nếu tiến trình đánh giá ngân sách của Bộ Tài chính là bình thường, thì khả năng rất lớn là ngân sách quốc phòng trong năm tài chính tiếp theo sẽ thấp hơn cả năm 2011, tức là nước này sẽ có 10 năm liên tiếp cắt giảm ngân sách quốc phòng. Điều này có nghĩa là phân bổ ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ bị thu hẹp 5% so với con số cao nhất trong năm tài khóa 2002.

Việc ngân sách quốc phòng liên tiếp bị cắt giảm khiến các nước không hiểu đúng về chính sách phòng thủ của Nhật Bản
Việc ngân sách quốc phòng liên tiếp bị cắt giảm khiến các nước không hiểu đúng về chính sách phòng thủ của Nhật Bản

Trong 10 năm qua, chi tiêu quốc phòng của các nước láng giềng đã tăng mạnh. Ví dụ, Nga đã tăng 5,7 % và Trung Quốc là 3,7% trong suốt thập kỷ qua. Tốc độ hiện đại hóa quân sự và mở rộng hoạt động của quân đội Trung Quốc đã gây ra mối quan tâm đặc biệt trên toàn Châu Á.

Ngoài ra, mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên đang ra tăng, gần đây, quân đội Nga ở khu vực Viễn Đông đang tăng cường hoạt động một cách đáng kể, đặc biệt là tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Okhotsk.

Với tốc độ ra tăng sức mạnh quân sự của các nước láng giềng thì việc Nhật cắt giảm ngân sách quốc phòng là một điều kỳ lạ, thậm chí rất nguy hiểm.

Hòa bình và an ninh của nước này không chỉ dựa vào sức mạnh răn đe của quân đội Mỹ tại Nhật Bản. Về vấn đề này, Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại khi ngân sách quốc phòng Nhật Bản luôn bị cắt giảm.

Dựa trên Hướng dẫn chương trình quốc phòng được xuất bản cuối năm ngoái, nước này sẽ phải “tăng cường khả năng phòng thủ” và phải giữ vai trò phòng thủ lớn hơn ở khu vực vùng nước phía Tây Nam đảo Kyushu.

Việc ngân sách quốc phòng liên tục bị cắt giảm mang lại rất nhiều tác động tai hại, chủ yếu do ngân sách này dành cho những khoản gọi là chi phí bắt buộc. Chúng bao gồm trả lương cho nhân viên và chi phí hậu cần, dự tính chiếm tới 40% tổng chi ngân sách; một khoản “ngân sách nhạy cảm” nhằm duy trì lực lượng quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật Bản; và những chi phí tăng dần hàng năm cho các hợp đồng trang bị.

Kết quả là, những đề xuất mua sắm thiết bị mới như xe tăng, tàu chiến và máy bay liên tục bị trì hoãn.

Ví dụ, Bộ Quốc phòng chỉ dám mua mỗi lần một vài chiếc máy bay tuần tra, như vậy chi phí phát sinh bị đội lên rất nhiều nếu so với mua đồng bộ một loạt theo kế hoạch ban đầu. Một số thiết bị lạc hậu đã được tu sửa nhưng vẫn không thể hoạt động, chi phí cho việc sửa chữa hay phá bỏ những vũ khí này thậm chí còn tốn kém hơn. Việc trang bị vũ khí quốc phòng vì thế rơi vào một vòng luẩn quẩn.

Việc thông qua dự toán ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2012 dự kiến diễn ra vào tháng 12, Nội các của Thủ tướng Yoshihiko Noda phải làm hết sức mình để tăng ngân sách quốc phòng, thậm chí chỉ là tăng thêm một chút, để cho phần còn lại của thế giới thấy rằng, Nhật Bản rất nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia.

Chấn Hưng (theo Asia News)