Putin trừng phạt 38 nước

28/12/2015 14:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Những gì sẽ bị loại khỏi kệ các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống siêu thị ở Nga trong năm mới? Dân Nga sẽ ăn gì?

Tờ Deutsche Welle ngày 28/12 đưa tin, hiện tại Nga đang trừng phạt kinh tế đối với 38 quốc gia. Đầu tiên để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moscow vì khủng hoảng Crimea và Ukraine, Nga đã cấm nhập khẩu một danh sách dài các sản phẩm từ các nước EU, Mỹ, Canada, Úc và Na Uy.

Một người tiêu dùng Nga trong siêu thị, ảnh minh họa: Ria Novosti.
Một người tiêu dùng Nga trong siêu thị, ảnh minh họa: Ria Novosti.

Sau đó một loạt các nước khác được bổ sung vào danh sách gồm Liechtenstein, Albania, Montenegro và Iceland vì đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga do phương Tây đưa ra. Lệnh cấm nhập khẩu từ EU và Mỹ được cho là nhằm vào các mặt hàng khác nhau từ sữa, phô mai đến thịt, trái cây và rau quả với tổng trị giá khoảng 9 đến 11 tỉ USD.

Thổ Nhĩ Kỳ được thêm vào danh sách trừng phạt của Nga sau vụ bắn rơi Su-24 được cho là bay vào không phận nước này 17 giây khi đang không kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Một loạt sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ bị cấm nhập vào Nga bao gồm thịt, trái cây và rau quả sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.

Và bây giờ Ukraine, quốc gia láng giềng được mệnh danh là "giỏ bánh mỳ của Liên Xô" được thêm vào danh sách trừng phạt của Nga, nâng tổng số quốc gia bị Moscow trừng phạt kinh tế lên 38 nước vì Kiev tham gia một thỏa thuận thương mại với châu Âu. Hiện chưa rõ những sản phẩm nào của Ukraine bị cấm nhập vào Nga, nhưng chúng sẽ không thể vượt qua biên giới sau ngày 31/12 này.

Tất cả điều này khiến Deutsche Welle đặt câu hỏi, những gì sẽ bị loại khỏi kệ các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống siêu thị ở Nga trong năm mới? Dân Nga sẽ ăn gì? Hiện các mặt hàng tiêu dùng đã giảm đáng kể, đặc biệt là các loại sữa và sản phẩm từ sữa. Nga không thể sản xuất đủ sữa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Nga đã cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực thực phẩm trong năm mới khi nước này đang tìm kiếm nguồn cung mới từ châu Phi, Nam Mỹ và châu Á để lấp đầy khoảng trống trên các kệ hàng sau khi các sản phẩm cà chua, dưa chuột, trái cây Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi các kệ hàng.

Nga nói rằng 15% sản phẩm nông sản từ Thổ Nhĩ Kỳ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, một tiêu chuẩn theo Deutsche Welle chỉ xuất hiện khi Nga nổi giận với quốc gia nào đó.

Trong khi đó EU đã bỏ phiếu gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga thêm 6 tháng, do đó khó có khả năng các biện pháp trừng phạt trả đũa của Moscow sẽ được dỡ bỏ.

Nga thực sự đã giành được một số thắng lợi đáng kể trong vấn đề Syria, đến mức Mỹ không còn quan tâm xem có buộc phải lật đổ Bashar al-Assad nữa hay không. Mỹ và Nga đang phối hợp để có được một nghị quyết của Liên Hợp Quốc tập trung vào việc ngăn chặn các nguồn tài chính cho tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo ISIS.

Mục tiêu của Nga trong vấn đề Syria đang đạt được khá tốt, nhưng không có nghĩa là mọi thứ ở Ukraine được bỏ qua.

Deutsche Welle bình luận, các nhà phân tích đang tìm hiểu xem lý do nào khiến ông Putin lại đang làm "giảm chất lượng bữa ăn" của người dân nước mình bằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt hạn chế cung cấp thực phẩm cho dân Nga.

Báo Đức cho rằng, chỉ có giới nhà giàu hay khá giả ở Nga là bị ảnh hưởng đáng kể, bởi với mức lương tối thiểu sắp được tăng lên 87 USD/tháng hoặc 6.200 rúp/tháng, mức lương trung bình là 31 ngàn rúp/tháng, phần lớn người Nga không được ăn thịt cừu Úc hay phô mai Pháp.

Họ đang ăn khoai tây và cải bắp như lâu nay, trong khi sản lượng lương thực của Nga dự kiến sẽ giảm khoảng 7,5% trong năm tới.

Trong một động thái có liên quan, hãng thông tấn TASS của Nga ngày 28/12 cho biết, Nga sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì "hành động không thân thiện" của Ankara. Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết.

Hồng Thủy