Tập Cận Bình cho Putin tin "uống định tâm đan"?

17/12/2014 09:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Các ngân hàng và nhà đầu tư Trung Quốc hiện tại đều đang tìm kế hoãn binh, không chịu giải ngân chuyển tiền cho phía Nga theo những hợp đồng đã ký.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tờ Đa Chiều ngày 16/12 đưa tin, trong khi Mỹ và phương Tây tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine thì Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiên định đứng về phía Moscow bằng mọi giá. Trung Quốc cho rằng Putin sáp nhập Crimea vào Nga "là có lý do chứ không phải bỗng dưng sinh sự như phương Tây tuyên truyền". Trong chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua, Putin và Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết một hợp đồng cung cấp khí đốt lớn chưa từng có.

Hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc không chỉ giúp Bắc Kinh có thêm động lực phát triển kinh tế mà còn giúp Nga thêm khả năng đối phó với phương Tây. Khi tiếp Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko hồi tháng 9, Tập Cận Bình hứa chắc chắn rằng, dù có bị áp lực lớn đến đâu Trung Quốc cũng quyết không ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây, và sẽ không bao giờ tham gia trừng phạt Nga. Đa Chiều bình luận, phát biểu này của Tập Cận Bình như một viên "định tâm đan" dành cho Putin.

Tuy nhiên tờ Financial Times của Anh bình luận, Trung Quốc sẽ không rót vốn đúng lúc Nga đang cần nó nhất để giúp Moscow thoát hiểm. Mặc dù hai nước đã ký kết nhiều hợp đồng nhưng cho đến nay Nga không dễ lấy được tiền của Trung Quốc. Theo tiết lộ của giới chuyên gia tài chính, các ngân hàng và nhà đầu tư Trung Quốc hiện tại đều đang tìm kế hoãn binh, không chịu giải ngân chuyển tiền cho phía Nga theo những hợp đồng đã ký kết vì lo đắc tội với phương Tây.

Một quan chức của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tại Moscow nói với Financial Times: "Nếu Nga hy vọng chúng tôi dốc toàn lực lấp toàn bộ khoảng trống tín dụng mà các ngân hàng châu Âu và Mỹ để lại, Nga sẽ thất vọng. Ngân hàng Trung Quốc đương nhiên cần phát triển kinh doanh ở Nga, nhưng chúng tôi cũng phải tính đến rủi ro." Một quan chức trong lĩnh vực năng lượng cho biết: "Phía Nga hiện tại đang đặc biệt lo ngại, Trung Quốc hiện không muốn cung cấp vốn cho Nga một chút nào".

Ngay cả hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỉ USD giữa Gazprom của Nga với Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) ký trong chuyến thăm của Putin cũng chung số phận. Hợp đồng này đừng được xem như thắng lợi lớn của Putin, nhưng khoản 25 tỉ USD Trung Quốc cam kết thanh toán trước cho Gazprom đến nay vẫn chưa thấy đâu. Phó tổng giám đốc Gazprom Alexander Medvedev gần đây cho biết, số tiền này hiện vẫn bị treo, Bắc Kinh chưa quyết định.

Ngân hàng Trung Quốc cam kết dành 2,15 tỉ rúp tín dụng cho các doanh nghiệp Nga trong khi Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cam kết viện trợ không hoàn lại cho Nga 1,3 tỉ rúp. Nhưng các ngân hàng và doanh nghiệp Nga trong năm 2015 sẽ phải trả 134 triệu USD nợ nước ngoài, chủ yếu là của các ngân hàng châu Âu và Mỹ. Số tiền mà ngân hàng Trung Quốc rót cho Nga không đủ trả số nợ này.

Trong khi theo Đa Chiều, đồng minh chiến hữu thân thiết của Tổng thống Putin, Tổng giám đốc Tập đoàn đường sắt Nga Vladimir Yakunin đã khẳng định công khai, châu Á không thể thay thế phương Tây trở thành nguồn tài chính có ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga. Bất kể khủng hoảng Ukraine diễn biến thế nào đi nữa, Nga cũng cần phải hợp tác với châu Âu.

Hồng Thủy