Thủ tướng Nga thăm Việt Nam: Đẩy nhanh tiến độ đàm phán gia nhập FTA

05/04/2015 15:10
Nguyễn Hường
(GDVN) - Theo Interfax, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Medvedev dự kiến sẽ ký kết một số hiệp định song phương với phía Việt Nam.

Thông tấn RIA Novosti ngày 5/4 đưa tin cho biết,  Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ tăng tốc quá trình đàm phán về việc ký kết thỏa thuận gia nhập khu vực thương mại tự do (FTA) của Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới. Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Sergei Prikhoko, việc ký kết thỏa thuận FTA sẽ không diễn ra trong chuyến thăm lần này.  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

"Chúng tôi không có kế hoạch ký kết FTA trong chuyến thăm, nhưng sẽ thảo luận chi tiết về vấn đề này. Nhưng một trong những mục tiêu chính của chuyến thăm lần Việt Nam lần này là thúc đẩy và đẩy mạnh đàm phán về thỏa thuận FTA", ông Prikhodko nói.

Theo Phó Thủ tướng Nga, Việt Nam và các đối tác đang ở giai đoạn cuối của cuộc đàm phán gia nhập FTA và dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận trong năm nay.

"Tôi tin rằng việc thành lập một khu vực thương mại tự do và hợp tác kinh tế với Việt Nam phải được nâng lên một tầm cao mới. Dự kiến ​​đến năm 2020, kinh ngạch thương mại Nga-Việt có thể tăng lên 10 tỷ USD/năm", ông Prikhodko cho biết. 

Trong năm 2014, kinh ngạch thương mại Nga-Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD và đang có sự giảm nhẹ do điều kiện kinh tế vĩ mô bất lợi, sự mất giá của đồng rúp...

Nga và Việt Nam đang hợp tác thực hiện 17 dự án đầu tư trực tiếp với giá trị lên tới 4,3 tỷ USD, bao gồm dự án nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam...

Phó Thủ tướng Sergei Prikhoko (trái) và Thủ tướng Dmitry Medevdev.
Phó Thủ tướng  Sergei Prikhoko (trái) và Thủ tướng Dmitry Medevdev. 

Nga và Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là giáo dục và du lịch. Lượng khách du lịch Nga tới Việt Nam trong năm 2014 đạt 400.000 người. 

Thủ tướng Medvedev sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-7/4. Theo tuyên bố chính thức của Kremlin, mục tiêu chính của chuyến thăm này là nhằm để thúc đẩy tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin về tầm quan trọng của việc mở rộng sự hiện diện của Nga ở Đông Nam Á. 

Thủ tướng Medvedev sẽ ở thăm Hà Nội trong ngày 6/4, nơi ông dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngày 7/3, ông Medvedev sẽ tham gia một loạt sự kiện ở thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm một cuộc họp với cộng đồng doanh nghiệp Nga và Việt Nam.

Theo Interfax, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Medvedev dự kiến sẽ ký kết một số hiệp định song phương với phía Việt Nam.

Đặc biệt, Rosfinmonitoring dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chống rửa tiền, Bộ Y tế Việt Nam cùng Rosportebnadzor sẽ ký một kế hoạch hành động chung trong giai đoạn 2015 - 2017 nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc bảo đảm vệ sinh dịch tễ. Hai nước cũng lên kế hoạch ký kết thỏa thuận thúc đẩy các dự án ưu tiên đầu tư cho năm 2015. 

Ngoài ra, Nga và Việt Nam cũng sẽ ký kết "bản ghi nhớ về việc mở rộng hợp tác tại thềm lục địa biển Pechora (Bắc Cực) giữa Gazpromneft và các đồng nghiệp Việt Nam.

Trong số các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa Nga và Việt Nam, theo Phó Thủ tướng Prikhodko, có ngành công nghiệp hóa dầu. Dự kiến, hai bên sẽ ký kết thỏa thuận cho phép Nga tham gia hiện đại hóa nhà máy lọc dầu Dung Quất. Dự án này nếu được ký kết sẽ là tiền đề cho việc chuyển đổi quan hệ hợp tác song phương trong các ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt giữa hai nước từ thăm dò và khai thác sang chế biến và phân phối thành phẩm.

Khi được hỏi về khả năng tiến hành thảo luận về chủ đề căn cứ Cam Ranh, Phó Thủ tướng Nga nói rằng nó không phải là một chủ đề trong chương trình nghị sự.

Tháp tùng Thủ tướng Medvedev thăm Việt Nam lần này gồm có Phó Thủ tướng Sergei Prikhodko, Phó thủ tướng - đặc phái viên Tổng thống tại khu vực Viễn Đông Yuri Trutnev, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Denis Manturov, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Alexander Novak, Giám đốc FSMTC Alexander Fomin, người đứng đầu khu vực Tatarstan - Rustam Minnikhanov, người đứng đầu Rospotrebnadzor - Anna Popova, Tổng giám đốc Rosatom - Sergei Kiriyenko, và khoảng 30 doanh nhân./.

Nguyễn Hường