Trung Quốc ngày càng thích dùng hỏa lực thách thức các bên tranh chấp

03/03/2013 13:00
Hồng Thủy (Nguồn: Reuters)
(GDVN) - Sau gần ba thập kỷ tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng, Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng "quyết đoán hơn" và dùng hỏa lực thách thức các bên tranh chấp chủ quyền ở Hoa Đông và Biển Đông.
Tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông (hình minh họa)
Tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông (hình minh họa)
Reuters ngày 2/3 dẫn lời các chuyên gia phân tích cho biết, một loạt tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giếng sẽ khiến Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng khi thông qua dự toán ngân sách 2013 trong kỳ họp Quốc hội được bắt đầu từ đầu tuần tới. Sau gần ba thập kỷ tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng, Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng "quyết đoán hơn" và dùng hỏa lực thách thức các bên tranh chấp chủ quyền ở  Hoa Đông và Biển Đông. Hải quân Trung Quốc bây giờ được xếp thứ 2 chỉ sau Mỹ và đang tiến hành cái gọi là tuần tra và thực hiện các cuộc tập trận gần như liên tục trên các vùng biển tranh chấp. Để trả tiền cho những trang bị mới phần cứng của sức mạnh quân sự, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng 2013. Nghê Lạc Hùng, một chuyên gia quân sự tại đại học Khoa học Chính trị - luật Thượng Hải nói: "Với thái độ hiện tại của Trung Quốc, nó sẽ không để cho bản thân bị bắt nạt bởi bất cứ ai". Tuy nhiên Trung Quốc đang áp một gánh nặng mới lên ngân sách quốc gia vốn đã dành phần lớn cho việc hiện đại hóa nhanh chóng vũ khí trang bị quân sự, bao gồm các đơn hàng tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tấn công và tên lửa mới. Năm ngoái Bắc Kinh công bố tăng 11,2% chi tiêu quân sự với tổng chi khoảng 106 tỉ USD song giới phân tích quân sự nước ngoài cho rằng con số thực tế còn lớn hơn nhiều. Lầu Năm Góc ước tính rằng chi tiêu thực sự cho quốc phòng của Bắc Kinh năm 2012 nằm trong khoảng 120 đến 180 tỉ USD, chỉ đứng sau Mỹ mặc dù Lầu Năm Góc cũng đang cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu. Năm 2013 Trung Quốc cũng ban hành các quy định mới về thắt chặt chi tiêu, tập trung cắt giảm các khoản dành cho xây dựng, mu sắm, hội nghị, chiêu đãi nhằm kiềm chế tham nhũng. Với các đơn vị chủ lực, Tập Cận Bình cũng đã quyết định sẽ rót tiền tùy theo năng lực chiến đấu thực tế chứ không còn cào bằng như trước.
Hồng Thủy (Nguồn: Reuters)