Trung Quốc nuôi “lưỡi bò” bằng thủ đoạn lộng giả thành chân

16/05/2018 07:13
Tiến sỹ Trần Công Trục
(GDVN) - Những du khách Trung Quốc mặc áo in hình lưỡi bò tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh chờ nhập cảnh, họ là tuyên truyền viên quá khích hay chỉ là nạn nhân?

Ngày 15/05/18 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài “Học giả Đài Loan phân tích yêu sách phi lý của Trung Quốc với đường lưỡi bò”, dẫn lại nội dung bài viết của học giả Chen Hurng-yu (Trần Hồng Du), Giáo sư danh dự Đại học Chính trị Đài Loan và Đại học Đạm Giang.

Giáo sư Trần Hồng Du đã phân tích yêu sách của Trung Quốc với đường chữ U, hay còn gọi là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) trên Biển Đông; được đăng trên website tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Để góp phần làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của nội dung mà giáo sư Trần Hồng Du đã công khai bày tỏ tại diễn đàn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington, Hoa Kỳ, chúng tôi xin nêu lên một số nhận xét để trao đổi cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và những ai quan tâm đến vấn đề này.

Dù chỉ phản ánh được 50% sự thật, nội dung của giáo sư Trần Hồng Du vẫn nên được ghi nhận

Cho đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo bàn luận đến yêu sách “lưỡi bò” của Trung Quốc trong Biển Đông.

Hầu hết các học giả, nhà nghiên cứu, kể cả các học giả người Trung Quốc, đều thống nhất nhận định rằng, yêu sách đường “lưỡi bò” của Trung Quốc là hoàn toàn phi lý và phi pháp. 

Theo giáo sư Trần Hồng Du, đường chữ U đã trở thành mục tiêu của những chỉ trích quốc tế, với nhiều học giả đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý và hoạt động của Bắc Kinh trong đó;

Bao gồm thói quen của Trung Quốc ngăn chặn các nước ven Biển Đông khai thác dầu khí bên trong phạm vi đường chữ U và lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kể từ năm 1999. 

Bởi vì, xuất xứ của đường chữ U mà phía Trung Hoa Dân quốc vẽ ra là nhằm đánh dấu một khu vực, trong đó chính phủ Trung Hoa Dân quốc tuyên bố chủ quyền trên tất cả các đảo trong Biển Đông;

Chứ đường chữ U không phải nhằm mục đích xác định phạm vi các vùng biển theo quy định của Luật Biển quốc tế ở vào thời điểm đó. 

Vì vậy, cho dù vào thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một số học giả Đài Loan lập luận rằng, Đài Loan nên yêu sách các vùng biển bên trong đường chữ U là vùng nước lịch sử, Viện Lập pháp Đài Loan đã bác bỏ khái niệm mở rộng như vậy với đường chữ U;

Bởi vì nó không phù hợp với định nghĩa của UNCLOS về các vùng nước lịch sử. 

Giáo sư Trần Hồng Du, ảnh: crntt.com.
Giáo sư Trần Hồng Du, ảnh: crntt.com.

Kết quả là, đạo luật Lãnh hải và vùng biển tiếp giáp của Trung Hoa Dân quốc được thông qua vào năm 1998 hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS, mặc dù Đài Loan không phải là thành viên Công ước.

Kể từ thời điểm đó, chính quyền Đài Loan không có bất kỳ bước đi nào để tuyên bố vùng nước lịch sử bên trong đường chữ U. 

Và chính sách cơ bản đó đã được tuân thủ nhất quán, bất luận là dưới chính quyền Đảng Dân chủ tiến bộ hay Đảng Quốc dân và bất chấp những nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố khái niệm mới về các "quyền lịch sử" với vùng biển bên trong đường chữ U. 

Cho nên giáo sư Trần Hồng Du kết luận: “Sự tồn tại của đường chữ U không phải là cái để đổ lỗi, nó có từ năm 1947 và là một tuyên bố (của Trung Hoa Dân quốc) về chủ quyền đồi với các đảo ở Biển Đông."

Chúng tôi cho rằng ý kiến này của giáo sư Trần đã phản ánh đúng sự thật về nguồn gốc của đường chữ U. 

Đường này được vẽ từ năm 1946 bởi 1 viên chức của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, khi ông này đi theo hạm đội do Lâm Tuân chỉ huy ra Trường Sa để thực hiên nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật theo lệnh của phe Đồng Minh sau Đại chiến thể giới lần thứ 2. 

Điều đáng nói là, nét vẽ của viên chức này đã xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ lục "Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông" thuộc tập "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc" do Cục Phương vực, Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành;

Động thái trên nhằm tăng cường quản lý các đảo ở Biển Đông, sau khi đã thẩm định tên gọi các đảo ở Biển Đông và biên tập thành cuốn "Nam Hải chư đảo địa lý chí lược" (tạm dịch: Khảo lược địa lý các đảo ở Biển Đông), đồng thời vẽ "Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông".

Như vậy, theo quan điểm của phía Đài Loan thì đường chữ U chỉ đơn giản là đường đứt đoạn được vẽ ra để "quây" các đảo ở Biển Đông, nhận các đảo này là thuộc "chủ quyền” của Trung Hoa Dân quốc.  

Ngoài ra đường chữ U này không có ý nghĩa nào khác. Cụ thể là đường này không phải là biên giới/ranh giới biển của phía Trung Quốc trong Biển Đông. 

Vùng biển trong đường chữ U đó không phải là “vùng nước lịch sử”, không phải là “nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” theo đúng quy định của UNCLOS1982.

Đúng như nhận xét của nhiều chuyên gia, học giả, thì đó là một con đường được vẽ ra một cách tùy tiện, ngẫu hứng, không có tọa độ rõ ràng, lúc thì 9 đoạn, lúc thì 11 đoạn, bây giờ là 10 đoạn và, nay mai có thể sẽ còn được nối liền bằng một nét liên tục…

Theo chúng tôi, ý kiến của giáo sư Trần Hồng Du đáng được ghi nhận; mặc dù chỉ phản ánh được 50% sự thật. 

Châu bản triều Nguyễn ngày 13-7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) với nội dung Bộ Hình truyền dụ của vua Minh Mạng về việc những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, hoàn thành nhiệm vụ được Nhà vua ban thưởng, mắc sai sót bị xét phạt. Ảnh: xaydungdang.org.vn.
Châu bản triều Nguyễn ngày 13-7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) với nội dung Bộ Hình truyền dụ của vua Minh Mạng về việc những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, hoàn thành nhiệm vụ được Nhà vua ban thưởng, mắc sai sót bị xét phạt. Ảnh: xaydungdang.org.vn.

Bởi vì, 4 “quần đảo” được “bao vây” bởi đường “lưỡi bò” này không phải hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Chẳng hạn, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là 2 quần đảo thuộc chủ quyền của  Việt Nam. 

Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ XVII.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế hiện hành. 

Yêu sách “lưỡi bò” được duy trì bằng thủ đoạn lộng giả thành chân  

Trong khi nghiên cứu nội dung phát biểu của giáo sư Trần Hồng Du có liên quan đến “giá trị” của đường chữ U, chúng tôi không thể không liên hệ đến một sự kiện gây bức xúc trong dư luận vừa mới xảy ra tại cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh. 

Theo nguồn tin của Công an cửa khẩu sân bay Cam Ranh xác nhận với báo Tuổi Trẻ , khoảng 23h20 tối 13/5 có đoàn một khách Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) mặc áo in hình bản đồ nước này kèm ranh giới đường "lưỡi bò" chín đoạn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.

Số khách Trung Quốc nói trên khoảng 10 người, đi theo tour du lịch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn TM&DL Aladin (TP Nha Trang). 

Chúng tôi thật sự không mấy ngạc nhiên khi biết được thông tin này.

Trung Quốc nuôi “lưỡi bò” bằng thủ đoạn lộng giả thành chân ảnh 4

Trung Quốc ráo riết thu thập bản đồ ở hải ngoại, cảnh báo với Việt Nam

Bởi vì theo chúng tôi, đã từ lâu, để “nuôi dưỡng” cái “lưỡi bò” gớm ghiếc này, phía Trung Quốc đã bất chấp thủ đoạn, chủ yếu áp dụng kế sách tuyên truyền theo kiểu “biến hư thành thực”;

Họ thường xuyên sử dụng truyền thông với tần suất cao để “đổi trắng thay đen”, theo cách mà Paul Joseph Goebbels – Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã, đã từng nói: 

“Nếu nói dối đủ lớn và cứ tiếp tục lặp đi lặp lại lời dối trá của mình, quần chúng rồi sẽ tin vào lời dối đó”. 

Hệ quả của tuyên truyền tẩy não dư luận trong thời gian dài đã khiến cho công chúng nghĩ rằng “thiên đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường.”

Họ tuyên truyền cố tình áp đặt về sự tồn tại của đường “lưỡi bò” phi lý và hoang đường như đã phân tích nói trên, cho nhân dân Trung Quốc và dư luận quốc tế;

Để làm được điều này, Trung Quốc đã liên tục sử dụng hầu hết các bản đồ, sơ đồ, các ấn phẩm, sách vở, báo chí, các loại hàng hóa sản xuất, tiêu dùng, thậm chí cả đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ con,...để thể hiện đường “lưỡi bò”. 

Bằng cách này, Trung Quốc đã thu được những thành công đáng kể.

Nhiều người Trung Quốc, kể cả các học giả, cũng đã bị “nhồi sọ”, cho rằng “Nam Hải”, “Tây Sa”, “Nam Sa”… thuộc chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Trung Quốc. Vì vậy, cần phải "giành lại" bằng mọi giá…

Trong thực tế, đã có không ít lần, phía Việt Nam chúng ta cũng đã từng bị “dính bẫy” tuyên truyền đó, do những lý do chủ quan, khách quan khác nhau. 

Trung Quốc nuôi “lưỡi bò” bằng thủ đoạn lộng giả thành chân ảnh 5

Canh gác chủ quyền lãnh thổ quốc gia có nằm ngoài trách nhiệm ngành Văn hóa?

Các Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã phải ra tay thu hồi, thiêu hủy nhiều ấn phẩm “lưỡi bò” độc hại đó. 

Lần này, những chiếc áo “lưỡi bò” được du khách Trung Quốc du nhập trái phép cũng đang được xử lý nghiêm khắc, theo đúng quy định của Luật pháp Việt Nam. 

Nếu du khách nào còn cố tình vi phạm thì chúng ta có quyền trục xuất, mặc dù ngành du lịch Việt Nam rất cần du khách và luôn sẵn sàng mở cửa chào đón và phục vụ khách du lịch, với điều kiện họ phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền Việt Nam…

Những du khách người Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, khoác những chiếc áo có hình “lưỡi bò” họ là ai?

Họ là những “tuyên truyền viên” quá khích hay chỉ là những  “nạn nhân” của kế sách tuyên truyền nguy hại đó? 

Hy vọng rằng họ chỉ là những nạn nhân đích thực. 

Vì vậy, những cơ quan và tổ chức chuyên môn nên có cách xử lý hợp tình, hợp lý;

Thiết nghĩ cần lấy sự thật khách quan và lẽ phải để thu phục nhân tâm, tuyên truyền giải thích cho họ hiểu bản chất phi lý, phi pháp của đường lưỡi bò và thu hồi, tiêu hủy mọi vật phẩm thể hiện đường lưỡi bò này rồi mới có thể làm thủ tục nhập cảnh.

Phương châm xử lý làm sao vừa bảo đảm tôn trọng luật pháp Việt Nam, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch đang trên đà tăng trưởng và, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến quan hệ chính trị trong bối cảnh khu vực và quốc tế phức tạp hiện nay./.

Tiến sỹ Trần Công Trục