Trong phần thứ nhất, "Phải chăng G-7 đang coi trọng Biển Đông hơn ASEAN?", chúng tôi đã phân tích chính nhận định chủ quan vì động cơ nào đó, rằng Biển Đông "yên ả" có thể là một nguyên nhân dẫn tới phản ứng của ASEAN yếu ớt hơn so với G-7 về xu hướng Trung Quốc leo thang quân sự hóa Biển Đông.
Ở bài viết này, chúng tôi xin cùng quý bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao ASEAN lại có thái độ như vậy trước Trung Quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 - Singapore sẽ phải làm gì?
Lập trường đúng đắn của Singapore cần được giữ vững
Để có câu trả lời thích hợp nhất, có lẽ chúng ta nên đề cập đến các yếu tố có tác động đến chủ trương và cách thức hành xử của Singapore.
Yếu tố đó là gì? The Straits Times ngày 21/8/2016 đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng ngày phát biểu tại lễ kỷ niệm Quốc khánh nước này rằng:
Quốc đảo sư tử này phải giữ vững nguyên tắc của riêng mình trên Biển Đông, không thể vì áp lực mà chạy theo yêu sách của bất kỳ bên nào.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - Chủ tịch ASEAN 2018 sẽ phải vượt qua nhiều thách thức để duy trì vai trò, vị thế của ASEAN trong việc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông. Ảnh minh họa: Lukas Coch/EPA. |
The Straits Times dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, Biển Đông cùng với eo biển Malacca là "hai động mạch quan trọng" kết nối Singapore với thế giới.
Tàu thuyền phải qua một trong 2 "động mạch" này để đến những nơi khác.
"Với cả hai động mạch, nếu bị chặn một thì bạn sẽ chết", ông Lý Hiển Long được truyền thông Singapore dẫn lời, khẳng định.
Do đó, điều quan trọng là tàu thuyền và máy bay phải tiếp tục được di chuyển tự do qua Biển Đông, bất chấp những tranh chấp diễn ra ngay tại nơi đó.
Để duy trì hoạt động của “hai động mạch” sống còn đó, Singapore phải tìm cách duy trỉ “chỗ đứng” của mình trong quan hệ với các siêu cường trong hoàn cảnh:
"Các quốc gia khác sẽ thuyết phục chúng tôi đứng về phía họ, bên này hay bên khác, chúng tôi phải chọn vị trí đứng cho mình", như khẳng định này của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Duy trì luật pháp quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông và thúc đẩy một ASEAN đoàn kết là 3 điều quan trọng đối với Singapore.
Luật pháp quốc tế chính là chìa khóa để giải quyết tranh chấp.
Ông Lý Hiển Long cũng cảnh báo, quản lý quan hệ với siêu cường không hề đơn giản.
Biển Đông 2018 có “yên ả”, Singapore sẽ chèo lái con thuyền ASEAN ra sao? |
Vì vậy, Phó giáo sư Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore nói với Today Online:
"Chúng tôi không thân Mỹ hay ủng hộ Trung Quốc, cũng không chống bất kỳ ai. Chúng tôi đứng trên lập trường vì lợi ích của chính mình và hy vọng bạn bè của chúng tôi hiểu."
Ông Lý Hiển Long ý thức rất sâu sắc rằng, chỉ có độc lập và hành xử thượng tôn pháp luật, bảo vệ luật pháp quốc tế mới có thể giữ cho Singapore không bị ngả về bên nào, và ngả về bên nào cũng đều không nên là lựa chọn.
Từ đó, có thể thấy rằng, quốc đảo này không theo Mỹ, không theo Trung Quốc mà chỉ theo luật pháp quốc tế. Singapore không bênh kẻ mạnh, mà bênh cái đúng.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng quốc đảo này "an ninh phụ thuộc Mỹ, kinh tế phụ thuộc Trung Quốc".
Nhưng với những gì mà Singapore đã làm trong quá khứ và sẽ thực hiện trong năm 2018, với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN, Singapore sẽ chỉ có thể là phải phụ thuộc vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông và eo biển Malacca;
Quốc đảo này phải giữ cho 2 động mạch chủ này luôn được lưu thông. Vì Biển Đông tắc, Singapore sẽ chết.
Bởi vậy, Singapore sẽ nổ lực phát huy vai trò của mình, nhưng không thể không có sự hợp tác, giúp sức của các thành viên ASEAN khác, nhất là các nước có các quyền và lợi ích hợp pháp trong Biển Đông đang bị Trung Quốc vi phạm.
Đoàn kết, thống nhất vẫn còn là mục tiêu khó khăn mà ASEAN cần tiếp tục phấn đấu?
Quan điểm, lập trường về tình hình Biển Đông của các thành viên ASEAN cho đến nay vẫn còn là một vấn đề nổi cộm, nếu không muốn nói là còn rất khác nhau, xuất phát từ những tính toán về lợi ích của các quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc.
Dư luận rất băn khoăn, thậm chí rất bất bình, trước một số phát biểu và cách hành xử của một vài thành viên ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp. |
Campuchia là một thành viên luôn luôn bảo vệ cho lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2012 ở Phnom Penh, Campuchia, nước nắm chức Chủ tịch luân phiên, đã ngăn cản ASEAN ra Tuyên bố chung phản đối nội dung đề cập về Biển Đông.
Đó là lần đầu tiên trong lịch sử của hiệp hội, ASEAN không ra được một tuyên bố chung.
Lần này, Campuchia là nước dẫn đầu bác bỏ một số nội dung chủ yếu về tình hình Biển Đông được thể hiện trong Dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghi cấp cao ASEAN 32.
Chẳng hạn, Dự thảo Điểm 15 viết:
“Chúng tôi lưu ý những quan ngại của một số bộ trưởng về việc bồi đắp đảo và việc leo thang các hoạt động trong khu vực, xây đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và triển khai khí tài quân sự trong vùng tranh chấp…”
Philippines yêu cầu phải nhấn mạnh là ‘quan ngại sâu sắc’ và ‘xây đảo nhân tạo ồ ạt’.
Trong khi đó, Campuchia yêu cầu giữ lại câu từ gốc. Nói cách khác, Phnom Penh tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của những lời lẽ trong văn kiện.
Điểm 16 tái khẳng định “tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông và các chuyến bay trên bầu trời Biển Đông”.
Campuchia đặt dấu hỏi về từ ‘an toàn’ và cho biết họ sẽ quay trở lại điểm này.
Kế đó, điểm 16 kêu gọi ‘tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý’.
Philippines trước lựa chọn "củ cà rốt" Trung Quốc và quyền chủ quyền ở Biển Đông |
Campuchia kêu gọi gạch bỏ câu này trong khi các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Việt Nam đòi giữ lại.
Điểm 17 của dự thảo ghi là:
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế trong cách tiến hành các hoạt động, bao gồm việc bồi đắp đảo vốn có thể làm phức tạp thêm tình hình và tranh chấp và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.”
Lập trường của Campuchia là ASEAN không có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông và tranh chấp nên được giải quyết song phương giữa các bên…
Một vài kiến nghị
Trước tình hình đó, các nước liên quan trong Biển Đông cần tiếp tục phấn đấu để thống nhất cách nhìn nhận và đánh giá về tình hình Biển Đông và cách ứng xử thích hợp nhất trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Bởi vì đây mới là vấn đề cốt lõi của tình hình Biển Đông.
Vì vậy, theo chúng tôi:
Thứ nhất, phải tạo được sự đồng thuận trong dư luận bằng cách cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc để kịp thời có những cảnh báo và phân tích, thông tin cho mọi người hiểu rõ thực chất của tình hình Biển Đông; không để Trung Quốc mua chuộc lôi kéo, kích động, đe dọa gây sức ép.
Thứ 2, cần tỉnh táo và cảnh giác với chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc.
Muốn thực hiện giải pháp tạm thời “cùng phát triển” (joint-development) theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhất thiết phải lưu ý đền việc xác định rõ phạm vi vùng chồng lấn (overlapping area).
Không chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong phạm vi vùng chồng lấn được hình thành bởi yêu sách “lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc;
Họ đang tính toán để hợp thức hóa, theo chủ trương “giành sự công nhận trên thực tế”, với rất nhiều cạm bẫy mà họ giăng ra hết sức tinh vi, nguy hiểm...
Thứ 3, Trung Quốc đồng ý đàm phán với 10 thành viên ASEAN trong năm 2018 về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cho dù vẫn chưa thống nhất được bản chất của COC là văn kiện chính trị hay pháp lý và nội bộ ASEAN vẫn chưa có tiếng nói chung.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Roberto Romulo cho rằng:
"Thực ra ASEAN cũng chưa hoàn toàn thống nhất, do 2-3 nước bị Trung Quốc mua chuộc, lôi kéo.”
Ông Gregory Poling, ảnh: Youtube. |
Chuyên gia Đông Nam Á, Gregory Poling, nhận định rằng:
“Khuôn khổ COC còn mập mờ hơn DOC 15 năm trước và chẳng đưa ra được điều gì mới".
Ông Gregory Poling cho rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận một COC có tính ràng buộc pháp lý, trong ít nhất 10 năm tới.
Chúng tôi cũng chia sẻ với những đánh giá nói trên, mặc dù trong thâm tâm, tôi rất mong muốn COC sẽ được sớm hoàn thiện và ký kết.
Bởi vì, nếu COC được xây dựng như là một bộ “luật biển khu vực” có hiệu lực thì sẽ là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng và thiết thực để điều chỉnh mọi mối quan hệ xẩy ra hết sức phức tạp trong Biển Đông;
Nó sẽ là một trong những công cụ pháp lý được sử dụng để giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù, hợp với chủ trương đúng đắn của Việt Nam, Philippines, cũng như các thành viên ASEAN và một số các quốc gia khác trên thế giới.
Chúng tôi hy vọng COC sẽ sớm được hoàn thành cả về nội dung và hình thức đúng như các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 đã nhấn mạnh:
Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh sự tăng cường hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, khởi đầu cho việc đàm phán về lộ trình cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và các biện pháp thiết thực nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai.
Trong số này có việc thử nghiệm thành công đường dây nóng bộ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cũng như Bộ quy tắc chống va chạm bất ngờ trên biển (CUES)./.