Vòng tranh luận thứ 3, Mitt Romney rơi vào thế bí?

22/10/2012 19:40
Bảo Thành (Nguồn: New York Daily News)
(GDVN) - Lựa chọn cuối cùng cho ông Romney có thể là tấn công vào điểm yếu của Obama trong chính sách đối với Trung Quốc.
Vòng thứ ba và là vòng tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney và ứng cử viên đảng Dân chủ Barack Obam sẽ được tổ chức ở Nam Florida vào tối ngày thứ Hai (giờ địa phương) với chủ đề là chính sách đối ngoại của nước Mỹ, một lĩnh vực mà đảng Cộng hòa có ưu thế rõ rệt.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ bước vào vòng đấu thứ ba mang tính quyết định
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ bước vào vòng đấu thứ ba mang tính quyết định

Sau hai vòng tranh luận đầu tiên với kết quả sít sao nhau, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ bước vào một trận “so găng” tiếp theo, một trận chiến thực sự, nơi thử thách những tố chất lãnh đạo vô hình của họ, đó là tính nguyên tắc, lòng yêu nước và khả năng cứng rắn.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama không phải là một kẻ ngây thơ dễ dàng bị Mitt Romney hạ gục. Hơn thế nữa, liên quan đến chính sách đối ngoại, giờ đây phô trương sức mạnh không phải là điều mà cử tri Mỹ mong chờ ở nước Mỹ trong một thế giới ngày càng phức tạp hơn. Điều đó khiến cho ông Romney càng có ít lựa chọn hơn để công kích Obama.

Tờ New York Daily News liệt kê một số vấn đề về chính sách đối ngoại mà ứng cử viên Mitt Romney có thể nhắm vào để công kích Tổng thống Obama trong vòng tranh luận này:

Đối với cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Obama đã kế thừa phần lớn những công cụ chống khủng bố được xây dựng từ thời Tổng thống Bush, và Romney không thể cũng như không muốn công kích vào lĩnh vực này.

Tổng thống Obama đã ra lệnh tiến hành hàng chục hàng trăm vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan, Yemen và các nơi khác, tiêu diệt ít nhất 1.600 nghi can khủng bố, trong đó có cả dân thường. Thế nhưng nếu chỉ trích chính sách này thì đó lại không phải là một Romney vốn nổi tiếng là diều hâu nữa. Nếu có người Mỹ nào phản đối việc sử dụng máy bay không người lái chống khủng bố thì người đó phải là ai khác, nhất quyết không phải là Romney.

Nếu có ai đó phản đối máy bay không người lái, người đó quyết không phải là Romney
Nếu có ai đó phản đối máy bay không người lái, người đó quyết không phải là Romney

Tiếp theo là cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden mà đảng Cộng hòa đang tìm mọi cách làm giảm bớt hiệu ứng mà nó mang lại cho Tổng thống Obama. Đông đảo cử tri biết rõ điều đó, thế nên Romney cũng không dại gì mà đụng chạm vào vấn đề này.

Chương trình hạt nhân của Iran cũng là một chủ đề nhạy cảm khác của Romney. Tổng thống Obama đã phối hợp với các đồng minh đưa ra những lệnh cấm vận khắc nghiệt hơn bao giờ hết khiến cho nền kinh tế Iran gần như tan vỡ và có khả năng buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán song phương với Mỹ. Nếu muốn phản đối chính sách cấm vận kinh tế này của ông Obama, Romney chỉ còn cách đề nghị sử dụng vũ lực, nhưng có vẻ như đây là điều mà ông Romney không hề muốn.

Một chủ đề nữa đó là xoáy sâu vào sự “yếu kém” của Tổng thống Obama ở Afghanistan hay Iraq, thế nhưng ở đây ông Romney lại vướng phải tình huống khó xử. Ông biết rõ rằng người Mỹ đang hài lòng với việc rút quân đội ra khỏi Iraq (trái ngược với tuyên bố của ông Romney rằng đợt rút quân năm 2011 là “một sai lầm khủng khiếp”, “một thất bại” và “thảm họa”), và đa số cử tri Mỹ cũng đang mong chờ con em mình trở về từ Afghanistan.

Người Mỹ chào đón những người lính trở về từ Iraq
Người Mỹ chào đón những người lính trở về từ Iraq

Trong một bài diễn văn hồi đầu tháng 10, Romney đã gọi việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014 là “sự rút lui định trước về chính sách và bỏ rơi người dân Afghanistan cho những kẻ cực đoan đã tàn phá đất nước này.” Thế rồi vài ngày sau, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Romney lại nói rằng sếp của mình “luôn luôn” cùng phe với Obama và rằng ông Romney “ủng hộ lập trường của Tổng thống.”

Về phần mình, Romney tuyên bố đó chỉ là sự bất đồng về việc liệu Mỹ có nên công khai về một thời gian biểu rút quân định trước hay không.

Tương tự, khả năng đảng Cộng hòa công kích quan điểm của Tổng thống Obama về Mùa xuân Arab cũng sẽ dẫn tới sự không đồng nhất về lập trường. Đảng Cộng hòa đã từng chỉ trích Tổng thống Obama tỏ ra quá thận trọng trước khi Mùa xuân Arab bùng lên và cho rằng Tổng thống nên nhiệt tình ủng hộ phe nổi dậy ở Ai Cập và các nơi khác. Thế nên giờ đây họ không thể lại kêu ca rằng các cuộc cách mạng này đã tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ Hồi giáo cực đoan và làm phức tạp hóa tình hình trong khu vực.

Mitt Romney: Trung Quốc là quốc gia "mánh mung tiền tệ"
Mitt Romney: Trung Quốc là quốc gia "mánh mung tiền tệ"

Lựa chọn cuối cùng cho ông Romney có thể là tấn công vào điểm yếu của Obama trong chính sách đối với Trung Quốc và Nga. Ông Romney đã gọi Nga là kẻ thù địa chính trị số 1 của Mỹ, và tuyên bố rằng sẽ liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia “mánh khóe tiền tệ” ngay trong ngày nhậm chức đầu tiên.

Đây chính là điểm yếu của ông Obama, đặc biệt là khi xét đến “sự linh hoạt” mà ông từng cam kết với người Nga và nỗi lo lắng của người Mỹ rằng Trung Quốc đang “tước đoạt việc làm của người Mỹ”.

Bảo Thành (Nguồn: New York Daily News)