Hiệp hội gửi kiến nghị 10 điểm về giáo dục đại học lên Thủ tướng

02/03/2017 07:30
Linh Hương
(GDVN) - Ngày 23/2, GS.Trần Hồng Quân ký văn bản số 15/HH-VP để kiến nghị một số giải pháp cho các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, văn bản nêu rõ, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một số vấn đề sau:

Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2016, ngày 22/12/2016, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo với tiêu đề “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” nhằm tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Buổi hội thảo có đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng - Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tới dự và phát biểu ý kiến. 

Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình cũng quan tâm, gửi tới hội thảo bản báo cáo tham luận. 

Đồng thời, lãnh đạo và chuyên viên các vụ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham dự. 

Hội thảo thu hút hơn 50 phóng viên các báo đài Trung ương, địa phương tới tham dự và đưa tin cùng với gần 40 đại biểu là Lãnh đạo của trên 30 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã về dự với một số báo cáo tham luận.

Quang cảnh buổi Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” (Ảnh: Thùy Linh)
Quang cảnh buổi Hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” (Ảnh: Thùy Linh)

Tại hội thảo, các ý kiến trao đổi của các đại biểu chủ yếu tập trung vào 4 vấn đề mà ngày 13/12/2016, khi đến thăm và phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói riêng, hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nói chung. 

Ngoài ra, một số nội dung quan trọng khác có liên quan cũng được các đại biểu trao đổi thẳng thắn và trách nhiệm. 

Bốn vấn đề cụ thể mà Thủ tướng đã đặt ra cho trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập như sau: 

Thứ nhất, về vấn đề tuyển sinh của các trường đại học ngoài công lập: 

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đặt mục tiêu đến năm 2020 tỉ lệ sinh viên hệ đại học ngoài công lập đạt 40%. 

Tuy nhiên, cho tới nay khối trường ngoài công lập mới đạt được khoảng 13%, phần lớn các trường đại học ngoài công lập đã không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh. 

Theo dự báo của các chuyên gia giáo dục nếu tình hình vẫn tiếp tục như vậy thì chỉ vài năm nữa sẽ có hàng loạt trường ngoài công lập buộc phải tự giải thể do cạn kiệt nguồn tuyển. 

Có nhiều lý do nhưng chủ yếu tập trung vào 2 lý do chính:

Một là, từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hệ đại học công lập chính quy đã đạt con số kỷ lục trên 500.000, vượt xa tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành (cả công lập lẫn ngoài công lập) ở những năm trước đó. 

Việc tăng thoải mái chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập (mà loại trường này lại luôn được xã hội ưu tiên lựa chọn) đã làm hẹp cửa tuyển sinh của các trường thuộc khu vực ngoài công lập.

Hai là, quy định “điểm sàn” theo sáng kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm vừa qua, đã làm cho nhiều trường ngoài công lập và cả các trường công lập ở địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh, do nguồn tuyển từ “điểm sàn” trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi các trường đại học công lập “tốp trên” xác định điểm chuẩn vào trường áp sát “điểm sàn” của Bộ.

Hiệp hội gửi kiến nghị 10 điểm về giáo dục đại học lên Thủ tướng ảnh 2

Hiệu trưởng xấu hổ vì trường đại học bị coi như một...món hàng

(GDVN) - GS.Trần Phương giãi bày: “Người ta chỉ cần bỏ ra vài tỷ là mua được cái trường. Mà mua gì? Chỉ là một cái giấy, trường lúc ấy đã be bét rồi”.

Để tháo gỡ các vướng mắc về nguồn tuyển sinh, cùng với việc các trường ngoài công lập phải nâng cao không ngừng năng lực đào tạo của mình là đương nhiên, về mặt các chính sách ở tầm vĩ mô, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam kiến nghị:

- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh giám sát chỉ tiêu tuyển sinh của các trường dựa trên năng lực đào tạo (theo các quy định tại Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ GD&ĐT), kết quả điều tra tình trạng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, cũng như dựa trên sứ mạng của trường (do Nhà nước giao). 

Riêng đối với các trường công lập trọng điểm, chỉ tiêu tuyển sinh ở trình độ đại học phải được giảm thiểu đáng kể để tập trung năng lực cho đào tạo sau đại học và cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. 

Ngoài ra, các trường này cũng cần được quy định về chất lượng nguồn tuyển, như nhiều nước đã làm, để duy trì ổn định thương hiệu của chúng.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo phải kiên định quan điểm bỏ “điểm sàn”, trao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh để vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học, vừa phù hợp với xu thế của giáo dục thế giới. 

Bỏ “điểm sàn” kết hợp với siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giúp cho từng trường lựa chọn được nguồn tuyển thích hợp, không lo rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển.

- Nhà nước cần tiếp tục ban hành các chính sách phù hợp để từng bước xóa dần sự bất bình đẳng giữa các trường công lập và trường ngoài công lập, giữa sinh viên công lập và sinh viên ngoài công lập. 

Thí dụ như, học bổng không cấp cho trường mà chỉ cho các đối tượng chính sách, không phân biệt đối tượng đó học ở trường công hay trường tư. Nhà nước cũng cần nghiêm cấm “tệ phân biệt công tư” trong tuyển dụng lao động... 

Nhà nước cũng nên nghiên cứu để miễn, hoãn thuế thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các trường ngoài công lập.

Bởi cho tới thời gian gần đây, phần lớn trường đại học ngoài công lập vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế 25% thu nhập của trường, giống như các doanh nghiệp khác.

Thứ hai, vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường đại học: 


Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam ủng hộ chủ trương này của Chính phủ. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này Hiệp hội có một số ý kiến như sau:

Một là, Không phải tất cả các trường đại học đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau về các phương diện: học thuật, tổ chức – nhân sự và tài chính.

Điều này phụ thuộc vào loại hình trường (nghiên cứu hay nghề nghiệp - ứng dụng), loại hình sở hữu của trường (công lập tự chủ, công lập, tư thục, tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, dân lập) và kết quả xếp hạng kiểm định chất lượng.

Hai là, Quyền tự chủ càng lớn thì trách nhiệm giải trình của trường phải càng cao.

Ba là, Quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân (Hiệu trưởng) mà phải trao cho một Hội đồng trường. 
Hội đồng trường phải là một hội đồng quyền lực thực sự, quyết định mọi đường hướng phát triển của nhà trường, chọn lựa hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập mọi hoạt động của nhà trường. 

Thành phần của hội đồng trường phụ thuộc loại hình sở hữu của trường.

Đối với các trường công lập để bảo đảm cho hội đồng trường hoạt động hữu hiệu cần phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản. 

Đối với các trường ngoài công lập cần xóa bỏ ngay quan niệm sai lầm lâu nay xem chính quyền địa phương như là “cơ quan chủ quản” của những trường loại này.

Thứ ba, vấn đề huy động nguồn lực cho giáo dục

Thực tế là ngay cả ở những nước giàu có Nhà nước cũng không thể đầu tư tối đa vào giáo dục, ở mọi cấp độ, để thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân. 

Do đó, cần có sự chia sẻ chi phí từ phía xã hội, trong đó có giải pháp phát triển hệ thống giáo dục, trước hết là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, ở khu vực ngoài công lập. 

Để có thể huy động được sự tham gia rộng rãi của mọi người dân trong việc phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam kiến nghị:

Một là, cho tới nay, các chủ trương về xã hội hóa giáo dục thể hiện qua Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ và Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI đều rất chính xác. 

Hiệp hội gửi kiến nghị 10 điểm về giáo dục đại học lên Thủ tướng ảnh 3

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

(GDVN) - "Sẽ phải rà soát lại toàn bộ chất lượng các trường đại học, trường nào không đảm bảo sẽ chính thức khai tử, không thể kéo dài tình trạng tiền lâm sàng".

Tuy nhiên, các chính sách ban hành nói chung còn thiếu, xôi đỗ, thậm chí còn mâu thuẫn.

Để huy động được đông đảo người dân tham gia, người dân mong đợi một hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định và minh bạch. Tuy nhiên, mong đợi đó còn chưa được đáp ứng. 

Có thể lấy một vài ví dụ như sau:

- Khái niệm về trường dân lập đã bị thay đổi đến 3 lần (ở các Quyết định 196/TCCB của Bộ giáo dục và Đào tạo, Quy chế 86/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng và ở Luật Giáo dục 2005); tính chất sở hữu của trường dân lập khi thành lập được xác lập theo văn bản này nhưng khi chuyển loại hình sau đó lại phải xác lập lại theo một văn bản khác. 

- Nghị quyết 05/2005/NQ-CP khẳng định Nhà nước chấp nhận cả 2 loại hình trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trong đó khuyến khích trường không vì lợi nhuận.
 
Tuy nhiên, trong hơn 10 năm Nhà nước chỉ ban hành quy chế cho loại trường vì lợi nhuận, đến nỗi cho tới nay ở Việt Nam vẫn chưa hề có một trường tư thục không vì lợi nhuận nào. 

- Chỉ trong vòng 8 năm (từ 2005 đến 2013) với điều lệ tối thiểu đã tăng liên tục từ 15 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng rồi lên 250 tỷ đồng làm cho các nhà đầu tư bị choáng váng... 

Ngoài ra các trường ngoài công lập cũng rất lo ngại về “chính sách mở trên khép dưới” dẫn tới kết cục là chỉ cần một câu trong văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đã vô hiệu hoàn toàn quyền tự chủ của các trường đã được định chế ở những văn bản cấp cao hơn.

Hai là, các yêu cầu cho việc hình thành trường đại học ngoài công lập quá ngặt nghèo, rất không thực tế, vượt xa những yêu cầu như vậy đối với chính các trường công lập.
 
Thí dụ: vốn điều lệ tối thiểu 250 tỉ đồng; diện tích đất xây dựng trụ sở chính không dưới 5ha, đạt bình quân ít nhất 25m2/sinh viên; quy mô sinh viên tối đa 15.000;... (Quyết định 64/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng)... 

Với yêu cầu này, Hiệp hội cho rằng để khuyến khích sự tham gia của người dân vào việc phát triển giáo dục ngoài công lập, Nhà nước cần đưa ra những tiêu chí thực tế hơn, chí ít là cũng giống với các trường công lập mới được thành lập. 

Những tiêu chí đáng lẽ cần ưu tiên quan tâm ngay từ đầu là chất lượng đào tạo (thông qua kết quả giám sát, kiểm định) và sự minh bạch về tài chính.

Thứ tư, vấn đề đất đai và cơ sở hạ tầng

Đây là vấn đề khó nhưng để có sự tham gia tích cực của người dân (góp tiền bạc, của cải) thì nhà nước cũng nên có phần góp của mình (dưới dạng cho mượn đất hoặc cho thuê đất với giá ưu đãi). 

Nếu công việc này không thể thực hiện cho tất cả các trường ngoài công lập thì trước hết Nhà nước nên áp dụng ngay cho các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Những kiến nghị của Hiệp hội:

Từ những bất cập trong bức tranh giáo dục đại học, cao đẳng ngoài công lập, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có một số kiến nghị bổ sung như sau: 

Thứ nhất, về một số vấn đề chung:

Một là, Nhà nước chưa nên giảm quy mô đào tạo đại học như kiến nghị của một số chuyên gia và tổ chức.

Tình trạng hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm chỉ là trước mắt. Trong những năm tới, khi kinh tế phát triển, nhu cầu nhân lực bậc cao lại tiếp xuất hiện trở lại. 

Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có liên quan tới chính sách phát triển kinh tế - đầu tư của đất nước, chính sách công nghệ, chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực... chứ không phải chỉ do chất lượng đào tạo tại các trường đại học, lại càng không phải do nước ta đã thừa nguồn nhân lực có trình độ đại học. 

Hiệp hội gửi kiến nghị 10 điểm về giáo dục đại học lên Thủ tướng ảnh 4

10 sự kiện nổi bật của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam năm 2016

(GDVN) - Năm 2016, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã triển khai khá nhiều hoạt động gây ấn tượng tích cực trong ngành giáo dục cũng như đối với xã hội.

Những nghiên cứu toàn cầu mới đây của UNESCO cho thấy, nếu như trong thập kỷ 50 và 60 phần lớn người lao động không cần có trình độ đại học vẫn dễ dàng kiếm được việc làm thì ngày nay, 70% việc làm đòi hỏi người lao động phải có trình độ đại học, 30% lao động còn lại có trình độ dưới đại học chủ yếu chỉ làm các công việc đơn giản và phải chấp nhận mức lương thấp. 

Các công ty toàn cầu coi lao động có trình độ đại học là lực lượng dễ thích nghi nhất với nền kinh tế và thị trường việc làm thay đổi. 

Do đó ở các nền kinh tế phát triển, 72% lao động không có kỹ năng thường được khoán ngoài cho các nước có chi phí thấp và buộc lực lượng lao động trình độ thấp rơi vào tình trạng thất nghiệp (xem sách “Giáo dục trong thời đại tri thức” của tác giả John Vũ, NXB Lao động – 2016). 

Theo thống kê của UNESCO, tỷ lệ nhập học đại học của Việt Nam hiện nay là 24% trong khi trung bình của thế giới là 30%. 

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2011) tỷ lệ lao động đang làm việc không có trình độ chuyên môn-kỹ thuật của Việt Nam là 84,6%. 

Nếu Việt Nam chủ động giảm quy mô đào tạo đại học ngay từ bây giờ (vì cho rằng thừa lao động trình độ đại học) thì vô tình chúng ta đã từ bỏ mục tiêu đưa đất nước sớm trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hai là, kinh nghiệm thế giới cũng như thực tế Việt Nam hiện nay đòi hỏi Nhà nước phải kiên trì chủ trương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, thông qua hai giải pháp:

+ Tự chủ hóa tối đa về mặt tài chính đối với hệ thống trường công lập hiện tại; 

+ Mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập.

Theo thống kế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ sinh viên ngoài công lập trong nhiều năm qua khoảng trên 13%, trong khi tỉ lệ trung bình của thế giới là 31,3% (năm 2010). 

Ở nhiều quốc gia, tỉ lệ này có thể đạt 70, 80%, ngay cả ở những nước giàu có (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ...). 

Điều này chứng tỏ phát triển hệ thống trường đại học ngoài công lập không chỉ vì nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục bị hạn hẹp mà chủ yếu vì xét về mặt kinh tế, hệ thống trường ngoài công lập hoạt động hiệu quả hơn. 

Do đó trong điều kiện cụ thể nước ta, Nhà nước nên có quan điểm xem giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của hệ thống giáo dục quốc dân; cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì Giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, bay xa.

Thứ hai, về một số vấn đề cụ thể:

Một là, các văn bản qui phạm pháp quy về giáo dục ngoài công lập nói chung và giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, đều cần được Nhà nước nghiên cứu, xem xét  điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI. 

Những quan điểm chỉ đạo từ nghị quyết này trước đó cũng đã được trình bày cụ thể  ở Nghị quyết  05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. 

Hai là, nội dung “bản chất” sở hữu  của các loại hình trường đại học ngoài công lập, là vấn đề “chủ” của các loại hình trường, cần căn Bộ Luật Dân sự để qui định rất rõ ràng, cụ thể trong tất cả các các văn bản có liên quan. 

Hiệp hội gửi kiến nghị 10 điểm về giáo dục đại học lên Thủ tướng ảnh 5

Sáu vấn đề cần tháo gỡ để cứu hệ thống trường ngoài công lập

(GDVN) - Nhà nước nên hủy Quyết định 122 về chuyển các trường đại học dân lập qua đại học tư thục để phục hồi tư cách hợp pháp cho loại trường đại học dân lập này.

Chính sự không rõ ràng hiện nay trong các văn bản nhà nước về giáo dục đại học ngoài công lập là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất đoàn kết liên miên ở nhiều trường ngoài công lập, mà chế tài phổ biến của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở những trường hợp đó là “ngừng tuyển sinh” - đồng nghĩa với “cắt nguồn sống”. 

Ba là, đối với loại hình trường đại học dân lập

Luật Giáo dục (Điều 67) khẳng định tài sản của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở.  

Nghị định số 75 (2/8/2006) quy định không thành lập các cơ sở dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. 

Đến Nghị quyết 29-NQ/TW lại xuất hiện khái niệm cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư. 

Rõ ràng các khái niệm trường do cộng đồng đầu tư và trường dân lập đều giống nhau vì cùng “bản chất” sở hữu. 

Vì thế, nên chăng Nhà nước hủy Quyết định 122 về chuyển các trường đại học dân lập qua đại học tư thục để phục hồi tư cách hợp pháp cho loại trường đại học dân lập này.

Khác với loại hình trường đại học dân lập đã có, do trường đại học tư thục không vì lợi nhuận mang bản chất sở hữu chung của cộng đồng xã hội (rộng hơn nhiều so với sở hữu tập thể của các thành viên trong trường dân lập) nên linh hồn của Hội đồng quản trị của trường đại học tư thục không vì lợi nhuận phải là nhóm đại diện ưu tú cho cộng đồng xã hội từ phía ngoài nhà trường (bao gồm các cựu lãnh đạo nhà nước uy tín, các nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt,…). 

Số lượng các thành viên thuộc nhóm này phải chiếm đa số trong Hội đồng quản trị và họ sẽ không nhận bất kể một đặc lợi gì từ phía nhà trường, kể cả lương bổng. 

Theo kinh nghiệm của thế giới, việc chọn lựa và phê chuẩn nhân sự nghiêm túc (bao gồm cả năng lực và nhân cách) của các thành viên nhóm này giữ vai trò quyết định đảm bảo cho trường đại học không đi chệch khỏi mục tiêu không vì lợi nhuận, không xảy ra các xung đột đáng tiếc trong nội bộ.

Ở các quốc gia phát triển những đóng góp của các “Mạnh Thường Quân” cho trường tư thục không vì lợi nhuận thường dưới dạng hiến tặng; họ chỉ cần nhận sự tôn vinh của xã hội và nhà trường. Cách làm đó không hoàn toàn thực tế ở Việt Nam. 

Kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển (như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, …) cho thấy ở các nước này các nhà góp vốn vẫn được đền đáp vật chất hợp lý, dưới dạng phần thưởng hàng năm. 

Để ghi nhận công lao đóng góp xây dựng trường của các thành viên góp vốn, ngoài việc được nhà trường và cộng đồng xã hội vinh danh, họ còn được hưởng các quyền lợi như: 

Được cử đại diện vào Hội đồng quản trị, được ứng cử vào các chức danh quản lý trong trường; Được nhận tiền thưởng hàng năm hợp lý (không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ); Được định đoạt phần vốn góp của mình, được bảo toàn nguồn vốn góp và được ưu tiên hoàn trả vốn khi giải thể trường,… 

Như vậy vốn huy động cho trường tư thục không vì lợi nhuận sẽ không tập trung vào một vài cổ đông chiến lược mà sẽ mở ra cho mọi thành viên của cộng đồng (như kiểu huy động tiền tiết kiệm của các ngân hàng). 

Cũng như trường hợp ngân hàng lượng vốn mà trường không vì lợi nhuận thu được sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tín nhiệm của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu nhà trường, nên họ cần phải là những đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.

Bốn là,
đối với loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận):

Thể chế mới nhất về loại hình trường đại học tư thục đã được quy định tại Mục 3 Chương 2 Điều lệ trường đại học.

Theo ý kiến của các chuyên gia, các nội dung ở Mục 3 Điều lệ này (cũng như tại các văn bản tương đương khác) cần được điều chỉnh theo các hướng:

+ Đưa vào khái niệm góp vốn bằng trí tuệ. Có qui định tỷ lệ cân đối thỏa đáng giữa phần góp vốn của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý (về trí tuệ) và phần góp vốn của các nhà đầu tư (về tiền bạc, tài sản) để hạn chế xung đột giữa hai nhóm này.

+ Hạn chế tối đa việc vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường đại học tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư và thường dẫn tới nhiều tiêu cực (mất đoàn kết triền miên, tình trạng buôn bán trường,...).

Tốt hơn cả nên chuyển qua mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên của Luật Doanh nghiệp. Nên chăng cần có quy định hạn chế trần góp vốn của cổ đông và cổ đông nhóm (như ở Luật Ngân hàng) để tránh thao túng trường của các nhóm lợi ích.

+ Nếu đã xem trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) có đặc tính giống một “doanh nghiệp tư nhân” thì cần bám sát các qui định ở Luật doanh nghiệp. 

Do đó cần xóa bỏ các qui định cứng “... dành ít nhất 25% (phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi) để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học...” và “... giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động... là tài sản chung không chia...”  tại Điều 66 Luật Giáo dục đại học; qui định cứng về sự có mặt của “đại diện cơ quan quản lý địa phương” trong hội đồng quản trị tại Điều 17 Luật Giáo dục đại học.

Năm là, đối với loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận:

Dựa theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW Khóa XI và Nghị quyết 05 của Chính phủ Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. 

Theo tinh thần đó Nội dung ở Mục 4 Chương 2 Điều lệ trường đại học cần được điều chỉnh theo các định hướng như sau:

+ Cả hai loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận) đều do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân (gọi tắt là các thành phần góp vốn) đứng tên xin thành lập, cùng góp vốn xây dựng cơ sở vật chất, đều được đảm bảo kinh phí hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Hiệp hội gửi kiến nghị 10 điểm về giáo dục đại học lên Thủ tướng ảnh 6

Cơn “thoi thóp” của Đại học ngoài công lập, lỗi không chỉ do cơ chế!

(GDVN) - Việc “đại phẫu” hệ thống trường đại học như chủ trương Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố là không thể trì hoãn.

+ Sự khác biệt giữa hai loại hình trường này, không phải chỉ ở chỗ nhà đầu tư được hưởng lợi tức nhiều hay ít (như đã được giải thích tại Điều 4 Luật Giáo dục đại học) mà chủ yếu ở “bản chất” sở hữu của nhà trường. 

Ở các trường tư thục vì lợi nhuận, sau khi thành lập trường, các cổ đông lớn trực tiếp nắm quyền quản trị trường.

Còn ở các trường tư thục không vì lợi nhuận các nhà góp vốn sau khi hoàn thành nghĩa vụ đứng tên thành lập và xây dựng cơ sở vật chất của trường, phải tự nguyện chấp nhận chuyển quyền quản trị của mình cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội. 

Do đó, trong khi tài sản của trường tư thục vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân (theo Điều 211 Bộ Luật Dân sự), thì tài sản của trường tư thục không vì lợi nhuận thuộc sở hữu chung của cộng đồng xã hội (theo Điều 220 Bộ Luật Dân sự), chứ không phải của cộng đồng nhà trường (như tại Điều 29 Điều lệ trường đại học).

+ Ở trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường. 

Thông qua Đại hội đồng này các cổ đông sẽ phân chia quyền lực trong Hội đồng quản trị và bộ máy điều hành để thực hiện quyền quản trị và quản lý của mình đối với nhà trường. 

Trong khi đó ở trường đại học tư thục không vì lợi nhuận Hội đồng quản trị là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho quyền sở hữu chung của cộng đồng xã hội đối với tài sản của nhà trường.

Hội đồng quản trị chỉ giữ vai trò định hướng phát triển cho nhà trường, giám sát hoạt động của nhà trường, tuyển chọn Hiệu trưởng, chứ hoàn toàn không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường.

- Loại hình trường đại học dân lập:

- Về việc chuyển đổi các trường đại học dân lập qua loại hình tư thục:

Để tháo gỡ những bế tắc trong việc thực hiện chuyển đổi các trường đại học dân lập qua loại hình trường đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT cần được điều chỉnh theo 2 hướng:

Một là, chấp nhận quá trình chuyển đổi trường đại học dân lập (theo sở hữu tập thể) qua loại hình trường đại học tư thục nhất thiết phải qua khâu “giải thể trường” để xác lập minh bạch quyền lợi của từng thành viên thuộc trường dân lập,bảo đảm đúng “bản chất” sở hữu của loại hình trường này. 

Để xử lý tài sản và vốn của trường đại học dân lập sau “giải thể” có thể tham khảo Điều 36 Luật hợp tác xã 2003, theo đó công việc này thuộc thẩm quyền của Đại hội công nhân viên chức toàn trường.

Hai là, phải tôn trọng ý kiến của tập thể công nhân viên chức trường đại học dân lập bằng cách trả cho họ quyền được định đoạt hướng phát triển tương lai của nhà trường (để trở thành trường tư thục hoạt động có lợi nhuận hay trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận), thông qua kết quả bỏ phiếu bình đẳng tại Đại hội công nhân viên chức toàn trường. 

Sau bỏ phiếu người lao động của trường có trách nhiệm góp toàn bộ vốn được chia do trường dân lập “giải thể” vào vốn pháp định của trường đại học tư thục mới thành lập để được trở thành cổ đông (nếu trường đi theo hướng hoạt động có lợi nhuận) hoặc trở thành thành viên góp vốn (nếu trường đi theo hướng hoạt động không vì lợi nhuận).  

Từ những nội dung đã trình bày, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết kịp thời những kiến nghị sau:

1. Bỏ “điểm sàn”, trao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh kết hợp với siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giúp cho từng trường lựa chọn được nguồn tuyển thích hợp.

2. Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam ủng hộ chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường.

Tự chủ đại học có tác dụng tích cực, tiến tới xóa bỏ được sự không công bằng bấy lâu nay giữa trường công lập và ngoài công lập, do vậy cần được triển khai sớm, rộng rãi.

3. Để chủ trương lớn về xã hội hóa giáo dục (Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI ) đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả, Nhà nước cần khẳng định lại cho thật sự rõ ràng và ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định, minh bạch, nhất quán để đông đảo người dân tin tưởng tham gia góp vốn, trí tuệ, công sức đầu tư cho giáo dục. 

4. Mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập và xác định giáo 
dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của một con chim - hệ thống giáo dục quốc dân; cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì Giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, vươn xa được. 

5. Vấn đề đầu tư: Đây là vấn đề khó nhưng Nhà nước cũng nên đầu tư dưới dạng thức:

+ Cho mượn đất hoặc cho thuê đất với giá ưu đãi, trước hết nên áp dụng ngay cho các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

+ Có đánh thuế, nhưng dùng tiền thuế đầu tư lại cho Nhà trường 

6. Nhà nước chưa nên giảm quy mô đào tạo đại học như kiến nghị của một số chuyên gia và tổ chức. Trong những năm tới, khi kinh tế phát triển, nhu cầu nhân lực bậc cao lại tiếp xuất hiện trở lại.

7. Các văn bản qui phạm pháp quy về giáo dục nói chung và giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, cần được Nhà nước nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI.

8. Nội dung “bản chất” sở hữu của các loại hình trường đại học ngoài 
công lập là “chủ” của các loại hình trường, cần căn cứ Bộ Luật Dân sự để qui định  rõ ràng, cụ thể trong tất cả các các văn bản có liên quan. 

Chưa có sự rõ ràng này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất đoàn kết liên miên ở nhiều trường ngoài công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dùng đến chế tài “ngừng tuyển sinh” - đồng nghĩa với “cắt nguồn sống” đối với những trường này.

9. Thực hiện chuyển đổi các trường đại học dân lập qua loại hình trường đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 45/2014/TTBGDĐT cần được điều chỉnh theo 2 hướng đã trình bày ở trên.

10. Về đất đai, có chế tài đối với những cơ quan, địa phương có liên quan không, hoặc chưa thực hiện các quy định về cấp đất cho các trường thực hiện xã hội hóa giáo dục.

Linh Hương