Hiệu trưởng xấu hổ vì trường đại học bị coi như một...món hàng

14/01/2017 07:04
Thùy Linh
(GDVN) - GS.Trần Phương giãi bày: “Người ta chỉ cần bỏ ra vài tỷ là mua được cái trường. Mà mua gì? Chỉ là một cái giấy, trường lúc ấy đã be bét rồi”.

GS. Trần Phương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định tại hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập” rằng, hiện các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập đang hầu hết phát triển theo 2 mô hình là trường của các nhà đầu tư và trường phi lợi nhuận. 

Trong mô hình trường của các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư bỏ vốn ra lập trường, xây dựng trường sở, thuê cán bộ nhân viên, tuyển sinh, thu học phí, lời ăn, lỗ chịu.

Đây là loại hình theo đuổi "mục tiêu lợi nhuận", tùy theo số người góp vốn mà trường có hình dạng như doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn.

Hiệu trưởng xấu hổ vì trường đại học bị coi như một...món hàng ảnh 1
Giữa năm 2015, Trường Đại học Hồng Bàng đã được bán cho chủ đầu tư mới (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Loại hình “trường lợi nhuận” do các nhà đầu tư lập ra. Vì có sẵn vốn, họ sớm xây dựng được trường sở khang trang. Đó là thế mạnh của loại hình này. 

Tuy nhiên, loại hình trường này có nhược điểm hiện rõ đó là, người đứng đầu là người có tiền, nhiều vốn. Họ chi phối mọi hoạt động của trường nên giữa nhà đầu tư và các nhà giáo luôn tiềm ẩn mâu thuẫn.

Nhà đầu tư thì muốn tiết giảm kinh phí đào tạo để tăng lợi nhuận, còn các nhà giáo thì muốn nâng cao chất lượng đào tạo, dù phải tăng kinh phí đào tạo.

Vì người có nhiều vốn giữ quyền chi phối trường cho nên hễ có sự biến động về vốn thì có sự biến động về quyền sở hữu trường. 

Hiệu trưởng xấu hổ vì trường đại học bị coi như một...món hàng ảnh 2

Quốc hội mong muốn xây dựng mô hình đại học không phân biệt công lập hay tư thục

(GDVN) - Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục Thanh Thiếu niên & Nhi đồng mong muốn xây dựng mô hình đại học, một mô hình đúng nghĩa chứ không phân biệt tư thục hay công lập.


Điều này dẫn đến thực trạng mua  - bán trường xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến sự ổn định của hoạt động giáo dục. Trường học được coi như một “món hàng”. 

Thậm chí còn có hiện tượng “lật nhau” để mua. Lắm lúc tôi cảm thấy xấu hổ lắm, các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập bây giờ mua qua bán lại rất dữ.

Người ta chỉ cần bỏ ra vài tỷ là mua được cái trường. Mà mua gì? Chỉ là một cái giấy, trường lúc ấy đã be bét, không còn gì nữa rồi” – GS. Phương nói. 

Khuyến khích mô hình trường tư thục phi lợi nhuận 

Trong khi đó, loại hình “trường phi lợi nhuận” có nhược điểm là không thu hút được nhà đầu tư, do đó không có nguồn vốn lớn ngay từ đầu. 

Tuy nhiên, “trường phi lợi nhuận” lại có 2 thế mạnh đó là vì không phải chia lợi nhuận cho ai và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nên quỹ tích lũy tập trung tích lũy được số tiền lớn, từ đó đầu tư cơ sở vật chất cho sự trường tồn của trường.

Bên cạnh đó, vì không phải là trường của các nhà đầu tư cho nên không có mâu thuẫn giữa các nhà giáo và các nhà đầu tư. Các nhà giáo cũng đồng thời là những người góp tiền làm vốn hoạt động cho trường xác định mục đích tối thượng là “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Hiệu trưởng xấu hổ vì trường đại học bị coi như một...món hàng ảnh 3

Bộ Giáo dục không phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư

(GDVN) - "Bộ luôn xem các trường đại học công lập và ngoài công lập bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào trong tất cả các cơ chế, chính sách".

Với những thế mạnh của trường tư thục phi lợi nhuận, tôi cho rằng chúng ta nên khuyến khích mô hình tư thục phi lợi nhuận

Sự thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào những người có nhiều vốn góp, mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài. 

Giáo dục cần phải chọn các nhà giáo có tâm, có tầm đứng đầu chứ không phải người có tiền chi phối. Theo tôi, những người đứng đầu các trường đại học phải là nhà giáo
”, GS Trần Phương nhấn mạnh.

Tháo gỡ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng,  Bộ GD&ĐT luôn nhất quán trong việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tức là tăng cường các trường Đại học ngoài công lập. 

Bộ chủ trương trong bối cảnh hiện nay không cho thành lập các trường Đại học công lập nhưng những trường đại học tư thục có đầu tư lớn, chất lượng cao và không vì lợi nhuận vẫn được trình Thủ tướng xem xét mở.

Bộ rất khuyến khích những nhà đầu tư chất lượng, không vì lợi nhuận. Bộ luôn xem các trường Đại học công lập và ngoài công lập bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào trong tất cả các cơ chế, chính sách” –Thứ trưởng Ga nói.

Một số vụ mua bán trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập từ năm 2012 – 2015: 

Năm 2013, sau một thời gian nội bộ lủng củng, suy thoái vốn, trường Đại học Văn Hiến chính thức được mua bởi Công ty cổ phần phát triển Hùng Hậu với giá 100 tỷ;

Đầu năm 2013, Trường Đại học Thái Bình Dương (Khánh Hòa) chính thức có hội đồng quản trị mới sau nhiều năm tuyển sinh thất bát.

Trong năm 2013, Trường Đại học Phan Thiết chính thức chuyển giao sang nhà đầu tư khác với giá 60 tỉ đồng.

Cũng trong năm này, Trường Cao đẳng công nghệ và kinh doanh Việt Tiến (Đà Nẵng) được sang tên đổi chủ với giá trên 30 tỉ đồng.

Cuối năm 2013 trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn cũng được bán cho chủ đầu tư mới với giá 30 tỷ đồng sau nhiều năm mâu thuẫn nội bộ kéo dài dẫn đến việc bị đình chỉ tuyển sinh trong hai năm 2012, 2013. 

Năm 2014 trường Đại học Kinh tế tài chính TP.Hồ Chí Minh cũng được mua bởi Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Hutech với giá khoảng 180 tỷ đồng;

Đầu năm 2015, Trường Đại học Quang Trung (Bình Định) chính thức có hội đồng quản trị mới với 5 nhà đầu tư.

Đến giữa năm 2015, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng đã chính thức được chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng. Mức giá mà nhà đầu tư chi ra để mua trường này là khoảng 500 tỉ đồng.
Thùy Linh