"Siêu hạm" TQ rẽ sóng, chuyên gia ngoại giao nói về cuộc cờ biển Đông

12/08/2011 04:15
(GDVN) - Nhật, Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng tàu sân bay giải quyết tranh chấp lãnh thổ, chuyên gia ngoại giao Việt Nam, Indonesia phân tích tình hình biển Đông...

(GDVN) - Nhật, Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng tàu sân bay giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đại sứ Indonesia tại Việt Nam, chuyên gia ngoại giao Việt Nam phân tích tình hình biển Đông, Việt Nam mua thêm hệ thống tên lửa bờ biển... là những thông tin mới nhất được các báo phản ánh trong ngày hôm nay.

"Dùng tàu sân bay giải quyết tranh chấp lãnh thổ"

Một trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay nói rằng tàu sân bay của nước này “sẽ được dùng để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”, bất chấp những tuyên bố ngay trước đó của chính phủ rằng con tàu “không phải là mối đe dọa với các nước láng giềng”.

a
Theo báo chí tại Đại lục, hiện nay Trung Quốc đang tiến hành huấn luyện phi công máy bay trên tàu sân bay.

Trong phần bình luận đăng trên jz.chinamil.com.cn, Guo Jianyue, một phóng viên cấp cao của trang mạng thuộc từ PLA Daily (Nhật báo Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc) do Bộ Quốc phòng nước này điều hành, đặt câu hỏi:“Tại sao chúng ta đóng tàu sân bay nếu chúng ta không có can đảm và mong muốn dùng nó để giải quyết tranh chấp lãnh thổ”.

Sau đó, Guo Jianyue tự trả lời: “Dùng tàu sân bay này hoặc các tàu chiến khác để giải quyết các tranh chấp sẽ rất hợp lý nếu cần… Chúng ta sẽ có thêm sự tự tin và quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ khi sở hữu các tàu sân bay”.

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi hãng tin chính thức Xinhua đưa tin một đoạn ngắn về chuyến ra khơi thử nghiệm của tàu sân bay đầu tiên.  

Tuyên bố này cũng xuất hiện không lâu sau khi Trung Quốc một lần nữa nhắc lại rằng con tàu sân bay “được tân trang lại từ tàu cũ của Ukraine” sẽ được dùng chủ yếu cho huấn luyện, tìm kiếm, và rằng tàu sẽ không làm thay đổi chính sách quân sự phòng vệ của Bắc Kinh.

Mỹ, Nhật lo ngại tàu sân bay Trung Quốc


Trước thông tin Trung Quốc có thể sử dụng tàu sân bay Thi Lang để giải quyết các tranh chấp trên biển, đại diện phía Mỹ, Nhật đều bộc lộ sự lo ngại. Tờ Tuổi trẻ đưa tin.

Trước động thái của phía Trung Quốc, theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Trung Quốc giải thích lý do vì sao nước này cần tàu sân bay. “Washington sẽ chào đón bất kỳ lời giải thích nào mà Trung Quốc có thể đưa ra về loại khí tài này. Chúng tôi lo ngại về việc Trung Quốc không minh bạch quân sự. Bắc Kinh không minh bạch như Mỹ về việc hiện đại hóa quân sự cũng như về ngân sách quốc phòng” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố.

Báo Mainichi dẫn lời chánh văn phòng Quốc hội Nhật Yukio Edano nhấn mạnh Nhật vẫn quan tâm sát sao đến việc hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc và Tokyo luôn nghi vấn về sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong chính sách quốc phòng. Nhật và các nước khác yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn, bởi như chánh VP Edano nhấn mạnh, Bắc Kinh cần phải có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về các hoạt động quân sự của mình.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam: Biển Đông - Leo thang căng thẳng không phải là lợi ích

Ông Pitono Purnomo, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam trả lời phỏng vấn báo VietNamnet: "Indonesia không đồng tình việc sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp. Bất kể sự leo thang căng thẳng nào dẫn đến xung đột cũng không phải là lợi ích của chúng ta".

a
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Pitono Purnomo: "bất kể sự leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột không phải là lợi ích của chúng ta. Không ai muốn điều đó xảy ra". Ảnh: Vietnamnet

Trước những diễn biến căng thẳng trên biển Đông thời gian qua, với tư cách chủ tịch ASEAN, ông Purnomo khẳng định việc nhất quán khuyến khích và ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tranh chấp giữa các bên cùng tuyên bố chủ quyền trong vấn đề Biển Đông: “ Chúng tôi khuyến khích tất cả các bên liên quan cam kết đảm bảo lòng tin và ổn định, hòa bình trên Biển Đông để tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển LHQ 1982 cũng như các nguyên tắc và biện pháp khác đề ra trong Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC)”, ông Purnomo cho biết.

Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định: "Chúng ta đã thiết lập một diễn đàn khu vực về chính trị - an ninh để trao đổi quan điểm, cố gắng giải quyết những khác biệt để hướng tới quan điểm chung, đóng góp cho việc giải quyết vấn đề một cách tích cực. Như tôi đã nhấn mạnh, bất kể sự leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột nào cũng không phải là lợi ích của chúng ta. Chúng ta đã luôn tránh điều đó. Chúng ta cần một khu vực hòa bình, thịnh vượng, phát triển kinh tế hài hòa giữa các quốc gia trong khu vực".

Cuộc cờ Biển Đông dưới cái nhìn địa – chiến lược

Tờ Sài gòn tiếp thị đăng tải bài viết của Chuyên gia ngoại giao, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường. Theo đó, ông đi sâu phân tích vị thế địa – chiến lược của Việt Nam trong mối tương quan của các nước lớn trong khu vực và thế giới.

Từ địa – chiến lược

Địa – chiến lược là một mô hình chính sách đối ngoại được định hình dựa trên các nhân tố địa lý ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách quân sự, chính trị của một quốc gia.  Địa – chiến lược, nói nôm na, là “định phận tại thiên thư” của mỗi nước, không thể thay đổi, không thể thoái thác, chỉ làm sao vận dụng nó một cách tối ưu để quốc gia sinh tồn, phát triển và phú cường.

Nằm ở sườn phía nam của Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200km hướng ra Biển Đông. Vị trí địa lý này quyết định chiến lược dựng nước và giữ nước của người Việt và cũng chi phối quan hệ giữa nước ta với nước láng giềng lớn ở phương Bắc. Từ thời kỳ phương Tây chinh phục phương Đông, hàng loạt nước lớn dùng khu vực Đông Nam Á làm bàn đạp xâm nhập vào phía nam Trung Quốc mà sự hiện diện của Pháp, Mỹ, vai trò của Nga trong lịch sử cận đại là những minh chứng cụ thể.

Hai năm trở lại đây, từ khi công bố đường lưỡi bò chín đoạn, trong đó nhấn mạnh Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, Bắc Kinh gia tăng binh lực, áp đặt đòi hỏi biển đảo và quyền khai thác trong một vùng biển rộng lớn ranh giới mơ hồ, thì các nước lớn bắt đầu can dự vào Biển Đông. Vùng biển này bỗng chốc thành nơi “ngoạ hổ tàng long”, với thế “chiến quốc tranh hùng”. Đầu tiên là Mỹ tập trận chung, Trung Quốc tập trận riêng, rồi đến tập trận tam cường Mỹ – Nhật – Úc. Thời báo Quốc phòng Trung Quốc mới đây đưa tin Ấn Độ sắp tới sẽ đưa biên đội tàu khu trục tên lửa vào Biển Đông, hơn nữa theo tin của New Delhi hồi cuối tháng 6.2011, hải quân Ấn Độ chuẩn bị bố trí lực lượng hùng hậu về lâu dài tại vùng biển phía đông của Ấn Độ Dương này. Nga cách này hay cách khác sẽ vào cuộc.

Đến cuộc cờ Biển Đông

Không ai muốn xung đột nổ ra trước cửa nhà mình, nhưng một khi không tránh được, thì phải có đối sách thích hợp.  

Trung Quốc rất nhạy cảm với mọi động thái từ phía các nước lớn và luôn dè chừng mọi sự thâm nhập của nước lớn từ phía nam. Nhưng Trung Quốc quá tự tin và tham vọng khi chơi ván cờ này. Các yêu sách biển đảo cùng các hành động gây hấn có hệ thống của họ có thể cuối cùng sẽ đẩy các nước láng giềng vốn mong muốn hoà hiếu với Trung Quốc vào tuyệt lộ. Cái khó của Trung Quốc là chủ nghĩa dân tộc được kích hoạt và các phe phái quyền lực tranh chấp nội bộ đang hạn chế sự linh hoạt đối sách. Nhưng Trung Quốc cần tranh thủ dư luận thế giới nên phần nào cũng e dè trước sức ép của dư luận thế giới. Giải pháp Biển Đông căn bản chờ đợi Trung Quốc. Tuy vậy, trước Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, giới quan sát cho rằng khó có thoả hiệp thực chất.

Mỹ suy yếu hơn trước, nhưng vì yếu hơn mà can dự tích cực hơn. Nếu cầm trịch cuộc chơi với sự nhất quán, Mỹ vẫn có khả năng nhân lên sức mạnh hiện có về chính trị, kinh tế, quân sự, cùng với quyền lực mềm của họ. Mỹ vẫn nỗ lực duy trì độc quyền các lĩnh vực cơ bản của hạ tầng internet, lấy internet làm chiến trường mới trong cuộc chiến hình thái ý thức. Tại châu Á – Thái Bình Dương, những tập hợp lực lượng Mỹ tiến hành gần đây theo những tầng, lớp khác nhau nhằm thực hiện một loại kiềm chế phòng ngừa, có thể gọi là kiềm chế “mềm”. Nó sẽ tuỳ vào sự thách thức từ phía Trung Quốc đối với lợi ích quốc gia và vị trí chủ đạo của Mỹ, cũng như đối với lợi ích của các nước trong khu vực, mà được đẩy lên, có thể phát triển thành kiềm chế “cứng” để bao vây con rồng.

Nhật Bản và Ấn Độ hiện nay cảm nhận bị uy hiếp trước các hoạt động lấn sân của Trung Quốc trên các vùng cận biên của họ, đang từng bước can dự vào các vấn đề Biển Đông/Đông Nam Á. Họ đều lấy công làm thủ. Sự can dự sẽ biến hoá tuỳ tình hình.

Việt Nam, một bên của cuộc cờ Đông Nam Á, cần biết được mối quan tâm và lợi ích cơ bản của các nước lớn, hiểu bản chất của nền chính trị nước lớn và những giới hạn của nó. Quan trọng là tạo dựng được mối quan hệ thoả đáng, không vì quan hệ với nước lớn này mà gây đối kháng với nước lớn khác, quan hệ trước mắt tính đến hệ quả lâu dài; đồng thời biết đặt các quan hệ này trong tổng thể các liên kết khu vực và toàn cầu, mở rộng đa phương hoá, đa dạng hoá và tập hợp lực lượng quốc tế. Cũng không được chập chờn khi lợi ích cốt lõi của nước ta bị đe doạ. Theo TS.Trường đó chính là một trong những nước đi thích hợp trong cuộc cờ biển Đông còn dai dẳng và phức tạp này.

Việt Nam mua thêm hệ thống tên lửa bờ biển

Theo thông tin từ Đất Việt: Tập đoàn NPO Mashinostroenia bắt đầu chuẩn bị hợp đồng bán hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P cho Việt Nam.

Tờ báo này đưa tin: Tập đoàn NPO Mashinostroenia đã bắt đầu chuẩn bị hợp đồng xuất khẩu hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P với Việt Nam không thông qua công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronoexport. Kinh phí cho hợp đồng này được lấy từ tín dụng nhà nước do Nga cấp cho Việt Nam.

Hiện nay, hai bên đang xác định các điều kiện sơ bộ của hợp đồng xuất khẩu: số lượng chính xác trang bị mua bán, quy mô tín dụng nhà nước của Nga và thời hạn chuyển giao.

Theo một nguồn tin gần gũi với Bộ Tài chính Nga, Nga đang đàm phán với Việt Nam về việc cấp tín dụng mua vũ khí Nga. Quy mô tín dụng nhà nước này chưa được xác định vì “phụ thuộc trực tiếp vào số lượng vũ khí mua sắm, mà điều đó thì hiện đang được thảo luận”. “Một trong các bên của hợp đồng mới sẽ là NPO Mashinostroenia. Vai trò đó được xác định cho NPO và hãng này đang đàm phán với Việt Nam về việc cung cấp một số hệ thống Bastion”.

Nguồn tin này cũng cho biết, việc chuyển giao các hệ thống tên lửa cho Việt Nam có thể diễn ra không sớm hơn năm 2013-2014 do phía Nga cần chuẩn bị và có những bổ sung vào luật ngân sách để có thể cấp tín dụng xuất khẩu cho Việt Nam.

{iarelatednews articleid='10302,10299,10207,10182,10048,9931,9820,9761,9784,9713,9686'}

Hải Hà (tổng hợp)