Thầy Bùi Nam giải thích rõ chế độ nghỉ hàng năm của thầy cô

16/01/2019 06:54
Bùi Nam
(GDVN) - Giáo viên là một nghề đặc thù về thời gian, tính chất nghề nghiệp, chế độ làm việc, nghỉ ngơi…nên đa số giáo viên sẽ không có ngày nghỉ phép năm.

LTS: Đưa ra những chia sẻ về vấn đề nghỉ phép để các giáo viên tham khảo và có thể áp dụng vào từng trường hợp cụ thể, thầy Bùi Nam đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Theo điều 111 Luật Lao động 2012 quy định về ngày nghỉ phép hàng năm được hưởng 100% lương dành cho mọi đối tượng người lao động bao gồm cả công chức, viên chức và công nhân…có tham gia đóng bảo hiểm xã hội như sau:

“Người lao động có đủ 12 tháng làm việc trở lên thì được nghỉ phép hàng năm hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a. 12 ngày làm việc đối với người làm việc trong điều kiện bình thường… Số ngày nghỉ phép được tăng theo thâm niên cứ mỗi 05 năm tăng thêm một ngày”.

Như vậy, căn cứ Luật Lao động thì mọi đối tượng gồm công chức, viên chức, công nhân… sẽ được nghỉ phép năm nếu làm việc từ đủ 12 tháng trở lên.

Chính vì quy định trên giáo viên là viên chức thuộc đối tượng quy định của Luật lao động 2012 trên, nên rất nhiều giáo viên thắc mắc rằng tại sao không có bất kỳ cơ sở giáo dục nào giải quyết cho giáo viên được nghỉ phép ít nhất 12 ngày trong 1 năm?

Quy định chế độ nghỉ phép của giáo viên (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Quy định chế độ nghỉ phép của giáo viên (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Điều đó có trái Luật lao động không?

Có giáo viên nào được hưởng chế độ nghỉ phép năm hay không?

Giáo viên nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được giải quyết như thế nào?

Đây chính là những câu hỏi về chế độ chính sách dành cho giáo viên, nhận được sự quan tâm rất lớn từ lực lượng giáo viên trong cả nước. 

Chỉ có hiệu trưởng, hiệu phó, nhân viên mới được hưởng phép năm

Tại sao Luật Lao động quy định cho mọi đối tượng người lao động được nghỉ phép năm nhưng giáo viên lại không được nghỉ theo quy định trên?

Nhiều giáo viên căn cứ điều 111 của Luật Lao động trên yêu cầu các cơ sở giáo dục giải quyết chế độ nghỉ phép hàng năm dành cho giáo viên.

Nhưng, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật thì giáo viên là một nghề đặc thù về thời gian, tính chất nghề nghiệp, chế độ làm việc, nghỉ ngơi…nên đa số giáo viên sẽ không có ngày nghỉ phép năm như Luật Lao động 2012.

Cụ thể, theo Thông tư 15/2017/BGDĐT ở Điểm a, khoản 3, Điều 5 như sau: “Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (đã bao gồm cả nghỉ phép hàng năm theo quy định của Luật Lao động) được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có)”.

Như vậy đã rõ, Thông tư 15/2017/BGDĐT là thông tư dưới Luật, theo đặc thù, tính chất nghề giáo thì giáo viên chỉ được nghỉ phép trong thời gian hè là 02 tháng không được nghỉ phép 12 ngày làm việc trong năm như mọi công chức, viên chức khác.

Chỉ những cán bộ giáo viên được xếp lương theo Nghị định 204/NĐ – CP làm việc theo giờ hành chính không có thời gian nghỉ hè như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, nhân viên chuyên trách (thư viện, thiết bị, văn thư…) thì sẽ được bố trí nghỉ phép 12 ngày trong năm.

Việc sắp xếp thời gian nghỉ phép dựa trên thời gian phù hợp, thỏa thuận giữa người sử dụng nhân viên, công chức, viên chức, khi nghỉ phép thì các thành phần trên hưởng nguyên lương theo quy định.

Thầy Bùi Nam giải thích rõ chế độ nghỉ hàng năm của thầy cô ảnh 2Chế độ nghỉ phép hằng năm đối với giáo viên

Thật ra, do trong thời gian hè hầu hết giáo viên và học sinh nghỉ nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các bộ phận thiết bị, thư viện, y tế học đường…làm việc cũng nhẹ nhàng nên có thể bố trí thời gian nghỉ phép trong hè, nhưng phải thực hiện đầy đủ hồ sơ để các thành phần trên có thể nghỉ phép dài ngày đi tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng xa nhà…

Nếu không thực hiện hồ sơ đầy đủ nếu trong thời gian nghỉ hè, nhà trường cần có các vấn đề liên quan đến bộ phận nào mà bộ phận đó không có mặt là vi phạm Luật Lao động, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các bộ phận xin chú ý điều này.

Giáo viên còn được nghỉ phép những ngày nào hưởng nguyên lương

Như vậy, giáo viên được nghỉ phép 02 tháng trong dịp hè hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

Bên cạnh đó, người lao động trong đó có giáo viên sẽ được nghỉ việc và hưởng nguyên lương trong các ngày lễ, tết theo quy định như: Tết dương lịch, Tết âm lịch, ngày Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động 01/5, ngày Quốc khánh 02/9, ngày Giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3 âm lịch.

Giáo viên cũng sẽ được nghỉ việc hưởng nguyên lương trong các ngày sau: Kết hôn (nghỉ 03 ngày), Bố mẹ ruột hoặc bố mẹ vợ/chồng chết (nghỉ 03 ngày), vợ chết hoặc chồng chết (nghỉ 03 ngày), con chết (nghỉ 03 ngày), con kết hôn (nghỉ 01 ngày).

Bên cạnh đó, theo Luật Bảo hiểm xã hội – Luật số 58/2014/QH13, Nghị định 115/2015/NĐ – CP và Thông tư số 59/2015/TT BLĐTBXH về chế độ nghỉ thai sản dành cho vợ chồng có vợ sinh con thì số ngày nghỉ được hưởng nguyên lương như sau:

Đối với lao động nữ sinh con: được nghỉ trước và sau sinh là 06 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi người con được nghỉ thêm 01 tháng.

Khi vợ sinh con, chồng được nghỉ: 05 ngày trong trường hợp sinh thường, 07 ngày khi sinh mổ, sinh đôi thì nghỉ 10 ngày, sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc, sinh đôi trở lên có phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày. (Lưu ý: thời gian nghỉ của chồng được tính trong thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, quá 30 ngày kể từ thời điểm vợ sinh sẽ không giải quyết chế độ nghỉ trên).

Có trường hợp giáo viên được nghỉ phép năm không?

Như đã nói ở trên thì hầu hết giáo viên sẽ không được nghỉ phép năm theo Luật lao động mà giáo viên chỉ được nghỉ các ngày nghỉ hè, nghỉ lễ…theo quy định của Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Thầy Bùi Nam giải thích rõ chế độ nghỉ hàng năm của thầy cô ảnh 3Chế độ của giáo viên nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè

Nhưng đã nói nghề giáo có những đặc thù về ngày nghỉ, tính chất, thời gian công việc…nên sẽ có một số trường hợp sau giáo viên sẽ được nghỉ phép năm.

Đó là các trường hợp giáo viên có ngày nghỉ việc hưởng 100% lương theo quy định nhưng trùng với thời gian nghỉ hè thì được sắp xếp nghỉ phép trong thời gian dạy theo công văn 1125/NGCBQLGD – CSNGCB cụ thể như sau:

Nếu giáo viên nữ sinh con có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè (tức là không có thời gian nghỉ phép như hiệu trưởng, hiệu phó và các nhân viên như phân tích ở phần trên) thì sẽ được bố trí nghỉ phép năm ít nhất 12 ngày trong các tháng còn lại (nếu có thâm niên công tác từ đủ 05 năm trở lên thì 05 năm được thêm 01 ngày nghỉ).

Nếu giáo viên nam có vợ sinh con, nếu vợ sinh con trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 thì chồng sẽ không được hưởng chế độ nghỉ chăm sóc vợ do quá thời gian quy định nghỉ trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm vợ sinh.

Nếu vợ sinh vào cuối tháng 7 thì giáo viên nam có vợ sinh có thể bố trí nghỉ chăm sóc vợ đầu tháng 8 từ 05 đến 14 ngày tùy theo trường hợp sinh theo quy định ở trên, nhưng phải đảm bảo trong thời gian không quá 30 ngày kể từ thời điểm vợ sinh con.

Mọi chế độ, chính sách khác tham khảo thêm ở Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

Bùi Nam