Đề án GD nghìn tỷ: Chương trình không mới, tiền đầu tư thì gấp đôi!

17/06/2011 07:52
“Những nội dung đổi mới của đề án chỉ là những nội dung cũ và cũng được làm theo cách cũ nên chắc chắn không thể đổi mới được".

(GDVN) - “Những nội dung đổi mới của đề án chỉ là những nội dung cũ và cũng được làm theo cách cũ nên chắc chắn không thể đổi mới được. Tôi chỉ thấy điểm mới là số tiền tiêu tốn lần này là mới, vì nó sẽ... gấp đôi lần trước!”.

Bài 1: "Cách làm sách giáo khoa của Việt Nam sai từ gốc!"

Một chương trình thống nhất, có nhiều bộ SGK?

Một trong những định hướng căn bản trong dự thảo đề án là sẽ tiếp tục duy trì mô hình một chương trinh, một bộ SGK. Cụ thể, dự thảo nêu rõ: "Chương trình bảo đảm sự thống nhất về chuẩn kiến thức và kỹ năng, có phương án vận dụng chương trình, SGK phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các địa bàn khác nhau”. Chương trình với một chuẩn kiến thức nhưng được vận dụng phù hợp với từng vùng miền đã được triển khai hiện hành chứ không phải lần này mới được đổi mới.

Mỗi một quyển SGK có một cấu trúc, cách trình bầy theo tư duy nhất quán. Số lượng các bộ SGK khác nhau, nhưng không phải là vô hạn? Về mặt khoa học, hai người khác nhau chưa hẳn viết được hai cuốn SGK khác nhau.

Ví dụ, ở Nga, một chương trình thống nhất, về Sinh học chỉ có 3 bộ SGK khác nhau: 1 bộ SGK viết theo kiểu mô tả, 1bộ SGK viết theo tiến trình thực nghiệm, còn 1 bộ SGK viết theo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp.

Khi còn chế độ thi cử quốc gia, cần có một bộ SGK chính thức của Nhà nước (phổ thông, có chất lượng, và chuẩn mực quốc tế). Chữ phổ thông - đã quy định: kiến thức phổ thông, cách trình bầy phổ thông, dễ học dễ nhớ.

Có ý kiến cho rằng: "Ai muốn viết SGK cũng được, miễn là Bộ công nhận sử dụng trong trường là đuợc! Chắc mọi nguời còn nhớ phong trào “toàn dân nấu thép, nhưng kết quả ta chỉ thu được gang” vào cuối những năm năm mươi thế kỷ trước.

Đề án khẳng định chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực của người học. So sánh những nội dung này với mục tiêu đổi mới của 10 năm trước đây không có gì khác. Tại các văn bản về đổi mới chương trình GD phổ thông lần trước (triển khai từ năm 2002 đến nay), Bộ GD-ĐT đã đề cập: “Mục tiêu của việc đổi mới CT và SGK THPT là nâng cao chất lượng GD toàn diện…; đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự học của học sinh...”.

“Những nội dung đổi mới của đề án chỉ là những nội dung cũ và cũng được làm theo cách cũ nên chắc chắn không thể đổi mới được”.

Bộ GD-ĐT có trách nhiệm tổ chức, xây dựng và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, quyết định chọn SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở GD phổ thông trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia. Như vậy, nơi được gửi gắm vẫn là Bộ Giáo duc - Đào tọa và Nhà xuất bản Quốc gia. Trong khi đáng lẽ ra, người chịu trách nhiệm về việc in ấn, cải cách SGK phải là ở cấp cao hơn, như chúng ta lần đầu tiên chúng ta làm SGK.

Tôi chỉ thấy điểm mới là số tiền tiêu tốn lần này là mới, vì nó sẽ... gấp đôi lần trước!”.

 

Tại sao chưa có chương trình và sách giáo khoa chuẩn?

Trong giáo dục thế giới tồn tại một mặt bằng chung kiến thức, các HS học lớp 5 ở nuớc này có thể sang nước khác cũng học lớp 5 , hay HS tốt nghiệp phổ thông của nước mình vẫn vào các nước tiên tiến như Nga, Mỹ , Đức để học đại học. Điều đó khẳng định, chương trình giáo dục cơ bản phải giống nhau.

Việc đổi mới chương trình và biên soạn SGK ở nuớc ta chẳng giống ai, vẫn theo tư duy “du kích”, có nguồn gốc từ văn hoá làng xã và cát cứ. Việc cắt khúc chương trình giáo dục cho nhiều nguời làm sách, triển khai theo kiểu cuốn chiếu, vừa chạy vừa xếp hàng, vô tình phá vỡ sự thống nhất trong dạy và học, lãng phí thời gian và của cải xã hội.

GS Nguyễn Xuân Hãn
GS Nguyễn Xuân Hãn

Trên thế giới tồn tại CT-SGK Tú tài Quốc tế, được trên 70 nước chấp nhận là thành tựu của mình để sử dụng. Tại Việt Nam chương trình này đã được GS Hồ Ngọc Đại sử dụng rất tốt cho trường Quốc tế Hà Nội nhiều năm nay. Ông Đỗ Ngọc Thống khoe là “một trong những tác giả SGK viết nhiều nhất môn Ngữ Văn theo chương trình mới từ lớp 6 đến lớp 12”. Vậy hẳn ông đã đuọc các tài liệu trên trước khi biên soạn? Mong ông sớm phát biểu những điểm giống nhau và khác nhau giữa các sản phẩm SGK của ông với CT-SGK của Tú Tài Quốc tế, và Hội Ngôn ngữ TP.HCM?

Xin thưa với ông, văn chương là món ăn tinh thần, tôi chả thấy ai “ví văn Nguyễn Tuân là loại cao sang với món thịt chó”!!! (Văn Nghệ Trẻ số 23 ngày 7-6-2003).

Việt Nam là bộ phận của nhân loại. Vậy đâu là cái chung từ kho tàng trí tuệ của nhân loại, đâu là cái riêng của dân tộc mình?

Ví dụ, Cuốn sách cơ sở hình học Euclide - nội dung đã chiếm già nửa chuong trình toán ở bậc phổ thông, được sử dụng ổn định 2.300 năm nay, là tài sản chung của nhân loại. Cuốn sách này trong giới khoa học được ví là Kinh thánh.

Nó có 4 điều “chẳng cần” là chẳng cần nghi ngờ, chẳng cần đắn đo suy nghĩ, chẳng cần thử, chẳng cần sửa đổi. Có 4 điều “không được” là muốn thoát ra mà không được, muốn bác bỏ mà không được, muốn giảm bớt mà không được, muốn xáo trộn trước sau mà không được.

Einstein đã nói: không nắm chắc được hình học Euclide sẽ không thể trở thành nhà khoa học. Vậy mà từ 1981 đến nay, cuốn Euclide được chia nhỏ theo kiểu “cắt khúc” cho nhiều người làm. Nhóm nọ không biết nhóm kia. Kết quả, định lý Thales đưa xuống phần Bài tập (Hình lớp 11, NXBGD năm 2000, trang 37 bài tập 6).Cách làm này liệu có được coi là khoa học. Liệu có đảo ngược trí tuệ của nhân loại?

Người ta nói biên soạn SGK, chứ không nói là sáng tác SGK.Chữ biên soạn - có nghĩa là thu thập tài liệu, sắp xếp, cấu trúc lại thành sách. Các tác giả, nhiều người rất giỏi, nhưng không được cung cấp đầy đủ các tài liệu tham khảo. Về mặt khoa học, khi nghiên cứu, mà không biết người khác đã làm gì, thì kết quả không thể gọi là thành phẩm khoa học. Về việc này, Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội đã yêu cầu lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mang sách đến so sánh và đối chiếu. Rất tiếc, chưa rõ lý do, mà hàng năm nay lãnh đạo Bộ chưa thấy mang sách sang.

So với các nước, chương trình giáo dục của ta nặng hơn từ 1 đến 3 năm. Sử dụng ngôn ngữ trừu tượng, xa với cuộc sống, thật khó cho học và dạy. Nếu chương trình giáo dục vẫn tiếp tục sử dụng, thật bất lợi cho các thế hệ tương lai.

GS Nguyễn Xuân Hãn

Tiếp theo: Làm Sách giáo khoa. Ai được lợi nhất?