LTS: Tiếp tục đọc giùm bạn những kiến thức bổ ích, trong tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tới độc giả những ghi chép của mình từ cuốn sách "Máy định vị tấm lòng" - của Tiến sĩ Park Ock Soo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nguyên bản tiếng Anh đầu đề cuốn sách "Máy định vị tấm lòng" là Mind Navigation theo bản dịch từ tiếng Hàn của Park Lina, Nam Joo Young, Lê Thị Thu Thanh và do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2015.
Cuốn sách Máy định vị tấm lòng (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Tác giả cuốn sách là Tiến sĩ Park Ock Soo, ông sinh năm 1944 và là nhà sáng lập ra Hội Liên hiệp thanh niên quốc tế (IYF- International Youth Fellowship), một Hiệp hội hiện có trên 100 nước tham gia, trong đó có Việt Nam.
Gần đây Tiến sĩ Park còn viết tiếp hai cuốn, nhưng chưa có bản dịch tiếng Việt (“Bách hóa bán tấm lòng” và “Ai đó trong tôi mà không phải tôi”).
Sách của Tiến sĩ Park được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ và được phát hành rộng rãi trên khắp thế giới.
Tiến sĩ Park Ock Soo (Ảnh nguồn: IYF). |
Đánh giá về cuốn sách này Nguyên Thủ tướng Hàn Quốc Lee Soo Sung viết: “Đây là quyển sách được xuất bản dựa trên kinh nghiệm và nhiệt huyết đã dẫn dắt tấm lòng con người trong hàng chục năm”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Choung Gug viết:“Quyển sách nêu những vấn đề và các nỗi lo của giới trẻ theo các chủ đề như tấm lòng, nhu cầu, khả năng tự chủ… đồng thời vẽ nên quá trình họ mở lòng và thay đổi một cách sinh động”.
- Nhiều bạn trẻ sống mà đánh mất chính mình. Họ đang sống nhờ vào sức mạnh khác không phải là chính mình.
- Con người học rất nhiều điều từ khi sinh ra cho đến khi chết… Nhưng con người chưa bao giờ học và cũng không nơi nào dạy về thế giới tấm lòng - điều quan trọng nhất và cần thiết nhất trong cuộc sống.
- Sự thay đổi trong cuộc đời không phải được thực hiện bởi sự quyết tâm hay nỗ lực mà chính tấm lòng phải thay đổi trước.
- Nếu biết thế giới tấm lòng thì sẽ không nghĩ “mình phải cố gắng học, phải chăm chỉ học” mà sẽ học rất vui vẻ và thích thú.
- Nếu tin là mình giỏi thì lòng sẽ cao ngạo. Cao ngạo sẽ không nghe người khác, sẽ sống phóng đãng theo suy nghĩ của mình và rồi sẽ bị thất bại. Cuối cùng, sau khi thất bại, sự đau khổ sẽ tìm đến.
- Nhu cầu của con người là vô hạn nhưng năng lực phát triển lại có giới hạn. Vấn đề phát sinh khi nhu cầu của bản thân vượt qua năng lực. Bất mãn vì nhu cầu không được đáp ứng trong thời gian dài sẽ làm hỏng cuộc đời và làm cho mọi người đều bất hạnh. Vì vậy từ nhỏ chúng ta cần phải được đào tạo để có khả năng tự kiềm chế.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (23) - Hạnh phúc do bạn lựa chọn |
- Nếu con người hạ thấp lòng mình mà sống thì có thể sống một cuộc sống vui vẻ và đầy lòng biết ơn…Nếu lòng trở nên cao ngạo, ta sẽ bất mãn và tức tối khi người khác đánh giá thấp về mình.
- Phải học cách kiềm chế nhu cầu thì chúng ta mới có thể trở nên hạnh phúc thật sự.
- Chúng ta phải tăng khả năng tự chủ, tức là cần được đào tạo để điều khiển tấm lòng khi cố kìm nén việc mình muốn làm và cố làm hết sức mình việc không muốn làm.
- Đời sống càng khá giả càng không có thời gian chia sẻ tấm lòng với nhau. Càng sống giàu có con người càng mất đi sự thanh thản.
- Con người chỉ lo điều trị bệnh lý nhưng để mặc căn bệnh của tấm lòng.
- Đa số các tù nhân đều là những người chưa từng được học cách điều khiển nhu cầu của bản thân mình từ khi còn nhỏ. Sống cần mẫn một đời nhưng rồi không thể tự chủ lòng mình trong chốc lát với phụ nữ, tiền bạc, danh vọng, nên có nhiều trường hợp ngọn tháp mà họ xây dựng trong suốt cuộc đời bị sụp đổ chỉ trong một ngày.
- Cái phanh phải thắng động cơ thì mới là xe an toàn. Động cơ và cái phanh chính là nhu cầu và khả năng tự chủ. Không phải mình cứ chạy theo những gì mình muốn làm mà cũng phải biết ngừng lại đúng lúc. Nhất thiết phải có cái phanh của tấm lòng để có thể dừng lại đúng lúc và làm việc khác có ích hơn.
- Chìm vào ma tuý một lần là không thể thoát khỏi. Cuối cùng suốt đời bị trói buộc bởi ma tuý với đời sống đau khổ, tăm tối.
- Vì không biết chức năng điều chỉnh lòng mình mà những người không nên ly dị lại ly dị, những người không nên cãi nhau lại cãi nhau, những người không nên vào tù lại vào tù.
- Đọc một quyển sách khó, nếu có phần không hiểu phải đọc đi đọc lại hai, ba lần mới có thể hiểu được. Nếu chỉ tiếp xúc trong những phạm trù có thể hiểu thì khả năng tư duy sẽ ngày càng trở nên suy yếu đi.
- Ở Mỹ, đại đa số đời sống của những người trở thành tỷ phú trong một ngày do trúng số độc đắc đều trở nên bất hạnh hơn so với trước đây.
- Nếu học được cách suy nghĩ và kiềm chế từ khi còn nhỏ thì sau này làm bất cứ việc gì cũng có thể trở thành người xuất sắc trong lĩnh vực đó.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (22) - Đời ngắn đừng ngủ dài |
- Khi suy nghĩ cho rằng mình tài giỏi hơn người khác mình sẽ sống vô tâm và xa cách mọi người.
- Suy nghĩ lần thứ hai sẽ phát hiện ra có những phần không đúng ở suy nghĩ lần thứ nhất. Những người khinh thường người khác vì cho rằng mình giỏi là do chưa gặp được người giỏi hơn mình.
- Con người làm sai rồi thất bại và biết được mình là người tệ hơn mình nghĩ thì sẽ trở nên khiêm tốn, nghiêm túc và thật thà.
- Bất hạnh là khi lòng bị khép kín và không cùng trôi chảy với người khác.
- Giống như nước đọng lại sẽ bốc mùi hôi thối, tấm lòng khi bị cô lập cũng sẽ mắc bệnh. Đa số sự việc bất hạnh xảy ra là vì những tấm lòng không cùng dòng chảy
- Ai cũng cần phải có đối tượng để chia sẻ tấm lòng mỗi khi khó khăn, sợ hãi, buồn rầu và cả khi vui mừng.
- Nếu không có khả năng tự giải quyết vấn đề của mình thì không cần phải giữ âm ỉ một mình mà chỉ cần nhận tấm lòng của người khác là được.
- Bất cứ ai nếu ở trong sự cô lập cũng sẽ chìm vào trong suy nghĩ cực đoan và không thể thoát ra được.
- Mọi vấn đề đều có thể giải quyết khi đối thoại bằng tấm lòng. Bất cứ ai đều có thể thoát khỏi suy nghĩ cô lập bằng việc chấp nhận những điều người khác nói.
- Vì tư duy nên đời sống mới phát triển. Càng tư duy thì càng có được những suy nghĩ đúng đắn.
- Chỉ thay đổi thật sự từ khi tấm lòng được mở ra.
- Những khó khăn do con cái gặp phải trong quá trình trưởng thành là điều tất yếu để chúng mạnh mẽ và khôn ngoan hơn.
- Khi con cái cảm nhận được tấm lòng của cha mẹ, cảm nhận được lòng yêu thương và sự hy sinh đó, lòng của các con sẽ thay đổi. Khi tấm lòng của cha mẹ bắt đầu tuôn chảy trong lòng con thì tấm lòng con sẽ dễ dàng thay đổi.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (20) - Tuổi trẻ không hối tiếc |
- Không ai khờ dại hơn những người sống mà đóng cửa tấm lòng mình lại.
- Chúng ta phải biết suy nghĩ sâu sắc xem mình là người như thế nào, phải biết mở lòng và lắng nghe lời của người khác.
- Những người 50 điểm mà tự chấm cho mình 30 điểm, người đó sẽ luôn có lòng biết ơn những người đối xử với mình như 50 điểm, khiến mối quan hệ càng tốt đẹp hơn.
- Có những vấn đề con người không thể tự giải quyết được cho dù người đó thông minh hay hiểu biết nhiều. Lúc đó nếu có một người ở bên cạnh giúp đỡ giải quyết được vấn đề thì mình dễ dàng thoát khỏi.
- Người nào sau khi phát hiện ra mình làm sai một việc gì đó và nghĩ rằng: “Mình làm điều này thật là sai lầm. Giá như mình làm thế này thì chắc là rất tốt nhưng sao lúc đó mình lại làm như vậy?” thì người đó có thể được thay đổi và trở nên mới mẻ.
- Con người ai cũng có tấm lòng. Tuỳ thuộc vào việc mình tiếp nhận điều gì vào trong tấm lòng ấy thì mỗi người sẽ có sự khác biệt trong cuộc sống. Nếu các bạn tiếp nhận tấm lòng trong sáng và lành mạnh thì các bạn sẽ sống trong sáng và lành mạnh.
- Khi hiểu nhau, tấm lòng sẽ hoà quyện, cùng trôi chảy và tình yêu thương trong tấm lòng sẽ tạo nên hạnh phúc.
- Niềm vui và hạnh phúc không phải do hoàn cảnh, mà chính là niềm hy vọng và tình yêu thương trong lòng tạo ra.
- Chỉ khi nào một người phát hiện thấy mình thật là yếu kém, nhu nhược và dại đột thì người đó mới tiếp nhận được lời của người khác nói, dù điều đó có hợp với lòng mình hay không.
- Chúng ta sống trong sự khó khăn và đau khổ là do thiếu sự khôn ngoan và suy nghĩ. Phải biết thoát khỏi suy nghĩ của mình và tiếp nhận sự suy nghĩ, sự khôn ngoan đến từ nơi khác. Nếu tiếp nhận những điều đó thì có thể thay đổi cuộc sống.
- Khi đối xử với một người, nên đối xử với họ bằng cả tấm lòng của mình chứ không phải theo hình thức bề ngoài một cách cứng nhắc. Cho dù người ấy là người như thế nào đi chăng nữa, chỉ khi nào cảm nhận được lòng của họ chúng ta mới biết được “vị” thật của người ấy. Có loại trái cây như sầu riêng, lúc đầu rất khó chịu nhưng càng ăn thì dần dần sẽ phát hiện ta được vị thật của nó.
- Khi con người đối xử với nhau bằng tấm lòng thì khi ấy con người sẽ thấy vui và hạnh phúc. Sống như vậy thì xung quanh mình sẽ đầy những người mà mình yêu thương. Những người xung quanh cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc theo.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (16) – Phải biết lắng nghe |
- Mâu thuẫn sẽ xảy ra khi chúng ta không thể chấp nhận suy nghĩ của người khác mà chỉ suy nghĩ cho riêng mình.
- Tấm lòng của một người nếu có lòng của người khác chảy vào một cách tự nhiên thì sẽ trở nên bình an và những sai lầm sẽ được cải thiện một cách tự nhiên.
- Một người dù cho khuôn mặt xinh đẹp đến đâu, dù có nhiều tiền đến mấy và thông minh đến dường nào nhưng lại có khiếm khuyết ở tấm lòng thì không những làm khổ mình mà còn làm cho những người xung quanh bị tổn thương.
- Khi con người nhận được tình thương yêu thì lòng biết ơn tự động tuôn trào và nếu cảm nhận được tình yêu thương đó thì lòng người sẽ nhận được sự bình an.
- Sống trên đời đôi lúc chúng ta vẫn phải làm những công việc mình thấy ngại, vẫn phải gặp những người mình không thích và cần phải biết kiềm chế làm những việc mình rất muốn làm.
- Chúng ta không nên chạy trốn những điều mình cảm thấy ngại mà phải học cách để vượt qua nó.
- Chỉ cần bạn mở lòng ra, bạn sẽ được thay đổi một cách tự nhiên. Sau khi cởi mở tấm lòng, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và suy nghĩ trở nên lành mạnh, dám nghĩ, dám làm và khôn ngoan hơn.