Viện sĩ, GS và TSKH Trần Ngọc Thêm đã thẳng thắn chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam về những tính cách của con người Việt Nam trong xã hội hiện đại.
- Mới đây, một du học sinh người Nhật có nói về những tính cách không tốt của người Việt Nam như: chỉ giữ sạch trong nhà, thời cơ, lừa lọc, không biết tự hào về người Việt thông qua trường hợp Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông…ông nghĩ sao?
Theo tôi về phương diện nào đó là khá chính xác đấy. Trường hợp của anh Nguyễn Hà Đông thì đã có cả một giai thoại nói về vấn đề này rồi. Người Việt Nam mình có một đặc tính kiểu ‘kém mình, mình thương, ngang với mình thì còn được nhưng hơn mình thì sẽ bị kéo xuống’. Đó là một tâm lý nông dân rất rõ nét và rất đáng buồn.
Định hướng xã hội bây giờ nó vụ lợi, những giá trị tinh thần ít được quan tâm đến. Mọi người chỉ quan tâm đến những giá trị vật chất miễn là kiếm được nhiều tiền thì người ta sẽ đổ xô vào.
Định hướng xã hội hiện nay như nhiều lần tôi cũng đã nói, nó đang thâm nhập cả vào đời sống tín ngưỡng tâm linh, cái nơi lẽ ra không có chỗ cho sự vụ lợi. Nhưng bây giờ, người ta đi đâu cũng thò tiền ra, thần linh với thần linh cũng đưa tiền.
Viện sĩ, GS và TSKH Trần Ngọc Thêm |
- Nhưng có người lại cho rằng việc du học sinh Nhật nói như vậy về con người Việt Nam là bới móc và phiến diện…?
Tôi thấy anh du học sinh nói như thế là rất đúng bởi vì xã hội Nhật Bản là xã hội rất phát triển, nó quí trọng giá trị tinh thần lắm. Cho nên khi sang Việt Nam học tập nhiều năm thì sẽ nhìn thấy rõ hơn. Hoặc người Việt Nam có điều kiện sang đó, khi nhìn lại chính bản thân mình cũng sẽ thấy những tính cách đó là rất nguy hiểm.
- Không chỉ có tâm thư của du học sinh Nhật gây xôn xao dư luận mà thời gian gần đây, trên mạng xã hội mọi người còn lan truyền thông tin ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào…đều gắn những biển cảnh báo, nhắc nhở người Việt không được ăn cắp, giữ gìn vệ sinh công cộng…ông có thấy chua xót khi đọc những thông tin này không?
Mấy hôm nay tôi có đọc báo, đặc biệt là việc tiếp tay hàng ăn cắp, ăn trộm của tiếp viên Vietnam Airlines tại Nhật. Tôi thấy rất nhục nhã đó là điều xấu xí mà xã hội cần phải lên án để mọi người thức tỉnh.
Trước, tôi cũng đã từng nói về vụ hôi bia ở Biên Hòa, đó là một hành động vô liêm sỉ của con người nhưng ở một khía cạnh nào đó thì nó chính là hồi chuông thức tỉnh mọi người.
Sự vụ được báo chí đưa tin, truyền thông đưa tin rất cụ thể. Điều đó không có gì xúc phạm đến dân tộc đâu mà cần phải như vậy để chúng ta có thể thức tỉnh không thì nguy hiểm lắm.
- Nhiều người cho rằng con người đang sống trong một thế giới phẳng, văn minh và hiện đại hơn. Vậy theo ông tại sao càng hiện đại, càng văn minh thì con người Việt Nam lại càng bộc lộ nhiều tính xấu hơn?
Nói là phẳng thế thôi nhưng thế giới không bao giờ phẳng lỳ đâu, nó vẫn có nhiều cái gồ ghề lắm. Theo tôi căn nguyên đều từ xã hội cả, mỗi con người phải tự chịu trách nhiệm hành vi của mình, cái đó thì ai cũng rõ rồi.
Nhưng tôi vẫn nghĩ, xã hội chúng ta hiện nay có vấn đề cho nên ngoài trách nhiệm cá nhân ra, xã hội Việt Nam bây giờ không có linh hồn. Có thể xưa kia chúng ta rất nghèo nhưng chúng ta có tâm hồn, linh hồn rất cao cả và thiêng liêng. Xã hội bây giờ so với trước kia mập mạp hơn, béo tốt hơn nhưng thật ra nó không còn tinh thần, không có linh hồn. Đó là xu hướng xã hội rất báo động.
- Vậy theo ông, vấn đề xã hội đó có phải nằm ở việc phát triển quá nhanh, con người chưa đủ kiến thức, tinh thần để tiếp nhận, để hòa nhập hay còn có lý do nào khác?
Không phải ở chỗ đó mà vấn đề ở đây là nhân cách, đạo đức xuống cấp. Một nền chính trị như thế này, một nền kinh thế như thế này thì con người phát triển thế nào?. Cho nên cái phần đó là lỗi của xã hội dù mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về cá nhân mình chứ không đổ lỗi cho xã hội hết được. Nhưng nói thật, sống trong một cái xã hội nhìn lên cũng thấy xấu, nhìn xuống cũng thấy xấu, nhìn sang phải, sang trái đều thấy xấu cả thì con người khó tránh được cái xấu.
- Như vậy làm thế nào để người Việt Nam mình bớt ‘xấu’ thưa ông?
Phải giải quyết những vấn đề xã hội, phải có một môi trường xã hội lành mạnh thì con người mới tốt được. Chứ bây giờ người ta cứ nói văn minh thanh lịch chứ Hà Nội như hiện nay sao còn văn minh, thanh lịch nữa.
Bây giờ phải giải quyết cái vĩ mô, hiện nay hỏng là hỏng cái vĩ mô đó. Còn làm thế nào thì mọi người ai cũng biết chẳng qua là không thích nói thôi, rồi cuối cùng toàn đổ do qui chế. Nói chung là không theo kiểu ‘kiến bò miệng chén’ được phải chữa từ những vấn đề vĩ mô nhưng bây giờ người ta rất ngại đụng đến cái đó.