LTS: Sự việc cô giáo yêu cầu các học sinh trong lớp tát 230 cái vào mặt bạn đã gây bức xúc cho rất nhiều người trong xã hội.
Tác giả Trương Khắc Trà chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình về việc bạo hành học sinh và bệnh thành tích.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 20/11, tôi xem mạng xã hội và bắt gặp một dòng trạng thái "hơi chát" của một người bạn, rằng “có những người thầy cần tôn vinh nhưng cũng có nhiều người thầy đáng khinh”.
Dòng trạng thái ngắn có thể làm tự ái những người có suy nghĩ phẳng phiu không góc cạnh. Nhưng nếu tĩnh lại và nhớ lại, nhận xét ấy không phải không đúng, đúng với những góc tối trong giáo dục lâu nay thỉnh thoảng được phơi sáng.
Nếu mọi thứ được đánh giá rõ ràng, công tội phân minh thì những lời chúc “toàn thể” sẽ đánh đồng tất cả, vô tình chúng ta đặt lên đầu cả những người đứng trên bục giảng để gieo vào lòng học trò nỗi ám ảnh suốt đời.
Ngày 20/11 mới qua được vài hôm, ngày mà những người thầy trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết trong xã hội.
Nhưng 231 cái tát tập thể nhằm vào một học sinh chưa trưởng thành về tâm, sinh lý, nó vượt qua tất cả những gì mà người ta nói về cái ác, cái xấu. Ai có thể đặt tên cho sự việc này?
Bạo lực học đường để lại nhiều hệ lụy. Ảnh: Plo.vn |
Giáo dục và nỗi đau - không chỉ làm nhức nhối tấm lòng của những người tâm huyết, mà còn trút nỗi đau thể xác lên học trò - nhân tố được xem là trung tâm của đổi mới giáo dục.
Kỳ họp quốc hội lần thứ 6 vừa khép lại, nếu ai theo dõi không thể không nhớ bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiền (Phú Yên) nội dung xoay quanh những vết hoen ố của ngành giáo dục.
Và tưởng chừng sau một số lượng rất cao phiếu “tín nhiệm thấp” gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, toàn ngành giáo dục phải thức tỉnh chính mình, trực tiếp và đầu tiên là đội ngũ giáo viên trực tiếp với học trò phải thay đổi cách nhìn về thành tích, áp lực được giao và vô số thứ thuộc về lương tâm đạo đức của “nghề cao quý”.
Hàng trăm cái tát phạt một học sinh được cho là “áp lực thành tích”. Vậy là đã rõ, nguồn cơn của sự việc được hé lộ.
Phải chăng giáo dục đòn roi tay chân mới có thể làm rạng rỡ những bản báo cáo màu hồng, nhào nặn ra những tấm bằng khen, giấy khen đau đớn?
Thái độ hành xử với vi phạm của học trò không khác gì bạo hành trẻ em, càng buồn hơn, điều đó không phải xảy ra nơi đầu đường xó chợ, mà diễn ra ngay chính trong lớp học - nơi mà mỗi buổi sáng vẫn cất lên lời hát “một ngày đến trường là một ngày vui”!
Những vụ bạo lực học đường lặt vặt, sự tha hóa đạo đức của một bộ phận người cầm phấn, học sinh gặp tai nạn thương tâm trước cổng trường…ngỡ rằng đó đã là tột đỉnh của cái xấu trong giáo dục.
Nhưng không, trần của nỗi đau liên tục bị phá vỡ, đến khi nào mới chịu chấm dứt?
Và rồi, tổn thương tâm lý suốt cuộc đời của học sinh - nạn nhân chắc chắn ám ảnh suốt cuộc đời, nhà trường, thầy cô, bè bạn trở thành thứ gì đó rất đáng sợ.
Sau này lớn lên, trưởng thành, nếu may mắn thành đạt đứa trẻ tội nghiệp ấy sẽ đối diện thế nào với ngày 20/11? Khi mà hàng trăm bài báo nói về vụ việc tày trời này sẽ tồn tại vĩnh cửu trên không gian mạng!
Cô giáo - chủ nhân của màn tra tấn tức tưởi là một người phụ nữ, cũng có gia đình, có con và hàng ngày vẫn nuôi nấng những đứa con của mình bằng tình thương, sự đùm bọc!?
Thành tích bỗng trở thành thứ gì đó thật đáng sợ, nó có thể làm xơ cứng lòng trắc ẩn của một người phụ nữ - một cô giáo. Và cuối cùng, ai ngồi hưởng thứ thành tích được xây dựng trên cách dạy học hung bạo như vậy?
Thành tích - là thứ mà bất cứ lĩnh vực nào cũng cần, cũng có để chứng minh sự nỗ lực, phấn đấu, làm hoa mỹ những buổi lễ tổng kết cuối năm, làm xuôi tai cấp trên. Những người chèo lái ngành giáo dục - Nhưng, Bộ trưởng không thể không biết chuyện thành tích - mặt trái của nó thật sự khủng khiếp như thế nào!
Tại sao người ta không chịu nhìn thấy giáo dục đào tạo con người rất cần có sự thật. Sự thật đó là có những học sinh chưa ngoan, chưa chịu nghe lời, và không thể làm hết những bài tập trong sách giáo khoa.
Tại sao người ta muốn nhào nặn gượng ép một con người phải tròn vo như cái dấu đỏ tròn hoàn hảo trên tấm giấy khen, mà quên rằng con người nhiều lắm góc cạnh, rất cần thông cảm chấp nhận để giáo dục bằng sự cảm hóa của tình thương?
Và cũng cần lắm cái lắc đầu gạt bỏ những “nhà giáo” thiếu nhân đức như cô giáo phạt học tro 231 cái tát vào mặt.