Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Biển Đông: "Việt Nam cần bình tĩnh, tránh sa vào bẫy của Trung Quốc"

14/08/2012 06:47
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Sự xuất hiện các nước lớn tại khu vực Đông Nam Á dẫn đến thế ràng buộc nên dù có căng thẳng đến đâu nhưng cũng không thể xảy ra chiến tranh tại đây”.
Là người nhiều năm nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á nên ông biết rất rõ những tác động của Trung Quốc tới khu vực này. Hơn thế nữa, ông còn rất am hiểu Trung Quốc. Ông là Phạm Nguyên Long – nguyên là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á – Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Ông Phạm Nguyên Long
Ông Phạm Nguyên Long

Đông Nam Á – một khu vực đa cực đang hình thành

PV: Thưa ông, trước những hành động gây hấn và leo thang căng thẳng vừa qua của Trung Quốc, Việt Nam nên xử sự như thế nào để vừa giữ được chủ quyền đất nước, vừa giữ được hòa khí với Trung Quốc để có thời gian phát triển đất nước?

Ông Phạm Nguyên Long: Việt Nam đang cố gắng thể hiện thiện chí với Trung Quốc. Một điều hết sức quan trọng ở Đông Nam Á là các cường quốc đều xuất hiện tại đây. 

Từ năm 2009 đến nay, sự gây hấn của Trung Quốc đã tạo nên một tình hình mới đó là các cường quốc như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Úc… đều hiện diện trong khu vực này có thể từng bước hình thành đa cực. Thế giới trong giai đoạn hiện nay, khi chủ nghĩa thực dân cũ giải thể, chủ nghĩa thực dân mới đã suy tàn, ngay Mỹ cũng không thể trụ lại lâu dài tại Iraq, Afghanistan. 

Thời đại này không cho phép các nước lớn “uy hiếp các nước nhỏ” như vậy nhưng Trung Quốc đã làm một việc ngược lại với thời đại.
Thời đại này không cho phép các nước lớn “uy hiếp các nước nhỏ” như vậy nhưng Trung Quốc đã làm một việc ngược lại với thời đại.

Thời đại này không cho phép các nước lớn “uy hiếp các nước nhỏ” như vậy nhưng Trung Quốc đã làm một việc ngược lại với thời đại. Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rồi dựng lên ở đó một chính quyền, thực chất xung quanh đảo Phú Lâm chỉ có những đảo chìm, khiến thế giới “thấy lạ”. 

Chúng ta thể hiện chính nghĩa. Mình đúng, mình chính nghĩa trong khi đó Trung Quốc là kẻ đi gây hấn một cách ngang ngược. Và chính vì thế, ta mới có được sự ủng hộ của những lực lượng tiến bộ và không chỉ các nước bất đồng với Trung Quốc về Biển Đông như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… mà ngay cả những học giả chân chính của Trung Quốc khi nghiên cứu về Biển Đông cũng phê phán những hành động “vô lý” của Trung Quốc.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về sự tác động tới cục diện khu vực Biển Đông từ sự xuất hiện của các cường quốc trên thế giới tại đây?

Ông Phạm Nguyên Long: Thời gian vừa qua liên kết giữa Ấn Độ và Nhật là rất chặt chẽ. Tại sao lại có chuyện như vậy? Ở đây, Mỹ đang cố gắng biến khu vực châu Á – Thái Bình Dương thành khu vực đa cực với vai trò là nước cân bằng các đa cực đó để rồi vượt lên trên đa cực ấy. Dư luận các nước cũng đã nói lên điều này.

Chính điều ấy đã khiến Trung Quốc rất lúng túng và thấy rằng một số nước trong khu vực dù có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế song ngày càng thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ. Nhất là hiện nay, Mỹ đang củng cố liên kết với các đồng minh của mình như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Philippin… 

Sức mạnh của Mỹ được thể hiện không chỉ sự liên kết chặt chẽ với các nước đồng minh mà còn từng bước tập hợp các đối tác ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đó là sức mạnh tập hợp đa số, đa phương và linh hoạt của Mỹ. Trong khi đó Trung Quốc không có đồng minh nào vững chãi tại khu vực này, kể cả Triều Tiên, còn Pakistan thì cũng rất thân với Mỹ… Do đó, Trung Quốc một mặt uy hiếp các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc song lại rất ngại các nước này ngả dần về phía Mỹ.

PV: Nhiều chuyên gia, thậm chí ngay trong chính giới nước ngoài cũng đang "chuẩn bị" cho một kịch bản xung đột quân sự tại khu vực. Ông có lo ngại cho khả năng này xảy ra không thưa ông?

Ông Phạm Nguyên Long: Sự xuất hiện các nước lớn tại khu vực Đông Nam Á dẫn đến thế đan xen lợi ích và bất đồng giữa các nước lớn. Cũng như ASEAN muốn xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập nên dù có căng thẳng đến đâu nhưng cũng khó xảy ra chiến tranh vì Biển Đông có đường lãnh hải quốc tế.

Một khi xảy ra chiến tranh sẽ dẫn đến tác hại to lớn cho nền kinh tế của các nước Châu Á -  Thái Bình Dương. Vì vậy tất cả đều “gầm gè” nhau nhưng nước nào nổ súng trước thì sẽ bị lên án mạnh mẽ và sẽ trở thành đối đầu với nhiều nước. 

Những hành động vừa qua tại Biển Đông chỉ là giễu võ giương oai.
Những hành động vừa qua tại Biển Đông chỉ là giễu võ giương oai. 

Trung Quốc cũng hiểu điều đó và những hành động vừa qua tại Biển Đông chỉ là giễu võ giương oai. Việt Nam tán thành hòa bình, Trung Quốc có những hành động gây hấn nhưng chúng ta vẫn phải giữ bình tĩnh, phải tránh sa vào cái bẫy của họ. Nếu chúng ta không biết giương cao ngọn cờ hòa bình, hữu nghị, giải quyết bất đồng bằng phương pháp hòa bình trước sự gây hấn của Trung Quốc mà nổ súng trước thì họ sẽ có cớ đem quân đội ra uy hiếp ta ngay.

Trung Quốc liệu có chia rẽ được ASEAN?
PV: Là người đã nhiều năm nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á, ông có thể phân tích một chút tương tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay?

Ông Phạm Nguyên Long: Những động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này đang muốn tách ASEAN thành hai khối: những nước có tranh chấp về biển đảo với Trung Quốc và những nước không có tranh chấp. Vì Trung Quốc muốn thực hiện chính sách chia để trị và chỉ muốn “thương lượng song phương” nhờ đó có thể “ép” từng nước phải thuận theo ý đồ của Trung Quốc trong tranh chấp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng chính sách chia để trị của Trung Quốc quá lộ liễu.

Ngược lại, ý đồ chia để trị cũng bất lợi cho Trung Quốc vì Trung Quốc luôn nói rằng ủng hộ ASEAN xây dựng 3 cộng đồng (chính trị - an ninh – kinh tế - văn hóa xã hội). Do đó nhân dân Đông Nam Á không thể tin vào những gì mà Trung Quốc nói. Trong khi đó các cường quốc có liên quan tại khu vực này lại ủng hộ ASEAN thành một khối thống nhất. Chính vì Đông Nam Á một khi không còn niềm tin vào những hoạt động của Trung Quốc thì sức mạnh mềm của Trung Quốc sẽ mất tác dụng. 

Các quốc gia Đông Nam Á đã trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Song chính nhờ đó mà ASEAN đã nhận rõ được giá trị sức mạnh đoàn kết. Do đó không một thế lực nào có thể chia cắt được ASEAN. Dù có một “phút” nào đó hay nước nào đó “lơ là” với tinh thần đoàn kết ASEAN thì đó chỉ là nhất thời.

Chính vì thế nên trong thời gian vừa qua, khi các nước không ra được tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông thì ngoại trưởng Indonesia đã đi tới các nước Campuchia, Philippin và Việt Nam để thống nhất 6 nguyên tắc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. 
(Còn nữa)


* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang