Cần xét động cơ, mục đích vi phạm của ông Cang vì cá nhân hay nhóm lợi ích?

09/06/2018 06:55
MINH CHÍ
(GDVN) - Luật sư Phan Xuân Xiểm cho rằng để đưa ra hình thức xử lý xác đáng những vi phạm của ông Tất Thành Cang thì cần xét đến động cơ, mục đích của vị cán bộ này.

Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa bị Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đề xuất kỷ luật vì vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước về kinh doanh bất động sản...

Bình luận về vấn đề trên, hôm 05/06 trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá cao về sự vào cuộc quyết liệt của cấp chính quyền, ông Cang có vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định. 

“Sự vào cuộc của cấp chính quyền địa phương thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng không có vùng cấm của Đảng và Nhà nước đã có sức lan tỏa.

Luật sư Phan Xuân Xiểm cho rằng, cần phải làm rõ động cơ, mục đích của cán bộ vi phạm để xử lý kỷ luật một cách xác đáng hơn. Ảnh: Bạch Đằng.
Luật sư Phan Xuân Xiểm cho rằng, cần phải làm rõ động cơ, mục đích của cán bộ vi phạm để xử lý kỷ luật một cách xác đáng hơn. Ảnh: Bạch Đằng. 

Việc xử lý vi phạm như thế nào còn phải căn cứ vào mức độ sai phạm của cá nhân, đã để lại hậu quả nghiêm trọng hay chưa?

Sau khi đã có kết luận thanh tra và phát hiện sai phạm có cơ sở thì ông Cang sẽ bị xử lý theo quy định Đảng”, Luật sư Xiểm nói.

Nguyên Vụ trưởng Vụ trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, để việc xử lý vi phạm của ông Cang một cách thỏa đáng thì cần phải làm rõ được động cơ của cán bộ này.

"Để đưa ra được hình thức kỷ luật còn phải căn cứ vào sự giải trình, tự nhận lỗi của cá nhân có vi phạm, bên cạnh đó còn phải căn cứ vào những kết quả thanh tra của cấp chính quyền để có hình thức xử lý.

Trường hợp ông Cang cũng phải theo một quy trình để xử lý đúng mức độ sai phạm.

Hình thức kỷ luật trong Đảng có 4 hình thức, một là khiển trách, hai là cảnh cáo, ba là cách chức và bốn là khai trừ khỏi hàng ngũ của Đảng.

Căn cứ vào tính chất, lỗi vi phạm để có thể sẽ phải bỏ phiếu để lấy ý kiến. Đến mức độ như thế nào thì xử lý ở mức độ đó.

Cần xét động cơ, mục đích vi phạm của ông Cang vì cá nhân hay nhóm lợi ích? ảnh 2Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc vụ vi phạm của ông Tất Thành Cang

Thứ nhất về thiệt hại kinh tế như thế nào, trách nhiệm của những cá nhân có liên quan, động cơ, mục đích sai phạm ra sao, vì mục đích cá nhân hay vì nhóm lợi ích?

Sai phạm do vấn đề chủ quan hay thiếu trách nhiệm thì cần phải xem xét kỹ trước khi đưa ra hình thức kỷ luật xác đáng", Luật sư Xiểm bày tỏ quan điểm. 

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương thì cho rằng, ông Cang phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm đã được kết luận.

Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, làm rõ những người có liên quan (nếu có) xung quanh câu chuyện vi phạm của vị cán bộ trên.

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương thì cho rằng, ông Cang phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm đã được kết luận.
Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương thì cho rằng, ông Cang phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm đã được kết luận.

“Cần làm rõ người gợi ý, chống lưng, ủng hộ, đồng tình trước quyết định vi phạm của ông Cang. Một mình ông Cang "đơn thương độc mã" thì sẽ không làm được gì đâu. Vụ việc có khi còn có liên quan tới cấp trên của ông ấy nữa.

Do đó, phải xem xét cụ thể những việc làm (sai trái) đó của ông Cang có xin ý kiến ai không? Có được người đó (cấp trên ông Cang) đồng ý không? Phải làm dần từng bước một. Từ ông Cang có thể sẽ ra người khác nữa”, ông Hương nêu quan điểm.

Nêu quan điểm về việc vi phạm của ông Cang, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV đánh giá, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra quyết định hết sức đúng đắn, và đáng hoan nghênh.

“Điều này cũng cho thấy Đảng đã nói là làm, đồng thời khẳng định quyết tâm của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy bằng việc xử lý nghiêm minh các sai phạm của tập thể cá nhân không có vùng cấm”, Tướng Thước nói. 

Cần xét động cơ, mục đích vi phạm của ông Cang vì cá nhân hay nhóm lợi ích? ảnh 4Gửi hồ sơ sai phạm của ông Tất Thành Cang ra Trung ương xử lý

Nguyên Tư lệnh quân khu IV cho biết thêm: “Việc ông Cang có dính líu đến những vi phạm của công ty Tân Thuận trong một thời gian dài như vậy thì chắc không chỉ riêng ông Cang phải chịu trách nhiệm. 

Nếu đứng sau ông Cang mà còn cán bộ khác có liên quan thì phải làm rõ, làm triệt để.

Một vụ việc lớn như thế này thì không thể một mình ông Cang làm được. Nếu chỉ xử lý một mình ông Cang thì mới làm “nửa vời” chứ chưa giải quyết được tận gốc vấn đề”.

Cùng bình luận về vụ việc trên, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhấn mạnh, cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ những dấu hiệu bất trong vụ việc nói trên:

“Vụ việc thể hiện rõ dấu hiệu lợi ích nhóm “đè” lên lợi ích số đông. (Có thể) họ đã chia sẻ lợi ích với nhau trong bóng tối. Khi họ không dốt, không công tâm đó là dấu hiệu bất thường.

Do đó, cơ quan cảnh sát điều tra phải vào cuộc làm rõ chuyện này”, Tướng Cương nói.

Trước đó, ngày 4/6/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm, kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên liên quan đến việc chấp thuận cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu Dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã họp và thống nhất kết luận ông Tất Thành Cang - Phó Bi thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có những vi phạm như:

Quyết định không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, về kinh doanh bất động sản.

Ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: vov.vn
Ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: vov.vn

Không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ Thành phố và thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình.

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang và giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để gửi báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Cần xét động cơ, mục đích vi phạm của ông Cang vì cá nhân hay nhóm lợi ích? ảnh 6"Một mình ông Tất Thành Cang đơn thương độc mã thì không làm được gì đâu!"

Kết luận của Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ ông Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất đã đền bù của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) tại dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè và chấp thuận chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy trước khi quyết định.

Đồng thời, ông Cang thiếu kiểm tra việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của mình, việc chuyển nhượng có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ Thành phố.

Ngày 05/06, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho biết quy trình xử lý ông Cang còn phụ thuộc vào các vấn đề chung của công việc, do ông Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý thì Trung ương phải làm trước. 

Ông Tất Thành Cang sinh ngày 5/2/1971 (quê quán Xã Long An, huyện Cần Giuộc, Tỉnh Long An). Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Cang hiện cư ngụ tại số 142, đường Chợ Lớn, Phường 11, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 2/1990 - 1/1993, ông Cang đi bộ đội, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 7/9/1991.

Từ tháng 6/1993 - 9/1998, ông Cang học tại Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1999 - 2001, ông học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội).

Từ tháng 7/2001 - 3/2003, ông Cang là Ủy viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Đại học chuyên nghiệp.

Từ năm 2003 - 2004, ông Cang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Bí thư rồi Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố, Trưởng ban Mặt trận Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 12/2004 - 2009, ông Cang là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ông Cang còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII.

Từ năm 2009 - 2012: Ông là Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 2. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Cang được bầu giữ chức vụ Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ tháng 10/2012 - 6/2014, ông Tất Thành Cang giữ chức Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016.

Từ tháng 6/2014 - 12/2015, ông Cang là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Từ tháng 11/2015, ông Cang giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.

Tháng 12/2015, ông được miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ngày 26/1/2016, ông Cang được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII.

Tháng 2/2016, ông được Thành ủy phân công làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thay ông Võ Văn Thưởng nhận nhiệm vụ khác.

Tháng 5/2016, ông Cang trúng cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa IX với 68,1% số phiếu bầu hợp lệ.

MINH CHÍ