Cần xử lý cán bộ trước khi xử lý Phủ Thành Chương, nhà ca sĩ Mỹ Linh

09/05/2013 13:03
Lê Thanh Xuân
(GDVN) - "Việc xử lý sai phạm ở Việt phủ Thành Chương và công trình xây dựng của gia đình ca sĩ Mỹ Linh cũng đồng nghĩa với việc phải xử lý, kiểm điểm rõ trách nhiệm của các cán bộ, kể cả lãnh đạo đơn vị làm công tác quản lý ở địa phương có liên quan..."
Việt Phủ Thành Chương
Việt Phủ Thành Chương
Những ngày qua, thông tin xung quanh kết luận của Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội về việc sai phạm trong xây dựng của phủ Thành Chương tại xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn nhưng không có giấy phép xây dựng và gia đình nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh tại xã Minh Phú (Sóc Sơn) cũng không có phép đã khiến dư luận rất quan tâm. Quay trở lại câu chuyện, vào năm 2006, theo kết luận 754/TTCP ngày 17/4/2006, trong đó, riêng phủ Thành Chương thuộc địa bàn xã Hiền Ninh, diện tích khoảng 3.000m2-8.000m2 đất sử dụng, mà nguồn gốc là đất rừng đặc dụng. Sau khi mua lại của ông Lưu Văn Sỹ, ông Nguyễn Thành Chương đã xây dựng công trình kiên cố có kiến trúc khác nhau. Suốt quá trình xây chỉ một lần UBND xã ra Quyết định xử phạt với số tiền 10 triệu đồng, nhưng sau đó, ông Nguyễn Thành Chương vẫn tiếp tục xây dựng cho đến nay. Hiện nay, công trình đang kinh doanh dịch vụ du lịch, tham quan và ăn uống. UBND xã Hiền Ninh đã nhiều lần báo cáo UBND huyện Sóc Sơn để có phương hướng xử lý, nhưng đến nay chưa có kết quả cụ thể. Tương tự vậy, với gia đình nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh năm 2001 đã nhận chuyển nhượng diện tích 12.691m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên công nhân lâm trường Sóc Sơn). Việc chuyển nhượng được UBND xã Minh Phú xác nhận. UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy sử dụng đất ở là 600m2 trên tổng 12.691m2 đất rừng phòng hộ. Nhưng, theo kiểm tra thực tế của Đoàn Thanh tra, năm 2009, gia đình ca sĩ Mỹ Linh xây dựng 1 ngôi nhà (1 tầng) diện tích khoảng 300m2; 1 nhà thu âm diện tích khoảng 90m2; 1 bể bơi khoảng 60m2; diện tích trồng cỏ khoảng 300m2. Gia đình ca sĩ Mỹ Linh cho hay, việc xây dựng các công trình được UBND huyện Sóc Sơn cấp phép nhưng không cung cấp được giấy phép xây dựng các công trình cho Đoàn Thanh tra. Như vậy, ở đây, việc đúng sai, sai phạm của ai đến đâu… chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, có vấn đề được đặt ra, đó là những công trình đó, đâu có nhỏ như hòn đá, gốc cây mà đều được xây dựng với quy mô, diện tích lớn, nếu không nói theo cách dân dã là “hoành tráng” trong thời gian lâu như vậy, tại sao các cơ quan chức năng từ cấp xã đến huyện và cao hơn là thành phố vẫn không có biện pháp xử lý triệt để ngay? Thậm chí, như công trình Việt phủ Thành Chương đã từng nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2006 nhưng suốt quá trình xây dựng xã cũng chỉ lập biên bản xử phạt 10 triệu đồng có một lần… Và cũng như chính lãnh đạo địa phương, vẫn còn không ít trường hợp tương tự như hai trường hợp này. Đến bây giờ, khi các công trình đã hoàn thiện, các hộ gia đình đã sinh sống ổn định tới cả chục năm nay thì thanh tra Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội lại đưa ra, đòi xử lý và ngoài ra có nhiều ý kiến còn đề nghị đập bỏ… Như vậy, liệu có thực sự hợp lý, hợp tình, công bằng với người dân? Một câu hỏi cũng được đặt ra đó là, hiệu lực quản lý, điều hành trong suốt thời gian qua của chính quyền các cấp ở địa phương trong vấn đề này ở đâu? Hay, đây chính là một minh chứng rõ ràng cho sự quan liêu, thờ ơ, buông lỏng quản lý mà chúng ta đang đấu tranh mạnh mẽ để xoá bỏ. Ông bà ta xưa vẫn có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi trách, xử lý các công dân trong việc thiếu hiểu biết pháp luật, làm sai…, chính tất cả các cán bộ công quyền các cấp ở địa phương có trách nhiệm trong sự việc này cần phải bị xử lý kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Như vậy thì mới giữ nghiêm được kỷ cương, phép nước
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: trong khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thì đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã làm rõ một trong những nguyên nhân dẫn tới sai phạm là do quy định chưa chặt chẽ, thiếu sâu sát trong quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Các xã Phù Linh, Nam Sơn, Quang Tiến, Minh Phú, Hiền Ninh, Tiên Dược, Hồng Kỳ đã để cho các hộ gia đình, cá nhân nhận giao đất lâm nghiệp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm nhà tạm. Cán bộ địa chính và thanh tra xây dựng xã cũng buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở, kinh doanh ăn uống trên đất rừng, thậm chí có những trường hợp xây dựng với diện tích lớn mà không có phép.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Lê Thanh Xuân