"Chủ nhà hàng Cát Vàng kỳ thị dân tộc đi ngược lại với giống nòi"

06/03/2013 13:06
Nguyễn Huệ
(GDVN) - “Hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ bị bóp méo trong mắt bạn bè quốc tế chính bởi những hành động, suy nghĩ của những con người như chủ cửa hàng Cát Vàng ở Phan Thiết, Bình Thuận. Chỉ vì lợi nhuận kinh doanh trước mắt mà họ có thể làm tổn thương chính người dân mình”, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết.

Hành vi chà đạp lên nét đẹp văn hóa của cộng đồng Việt

Tôi là người Việt Nam, tôi có quyền đến tất cả những cửa hàng không chỉ của người Việt Nam mà cả của người nước ngoài mở. Việc chủ cửa hàng ở đây 2 – 3 năm nay không phục vụ người Việt Nam chỉ vì lý do: “sợ người Việt Nam giả dạng Việt kiều vào ăn cắp hàng... sợ “gián điệp” của các tiệm khác dò giá cả...”, trong cuộc đời làm tư vấn tâm lý của mình, đây là trường hợp hi hữu chuyên gia Trịnh Trung Hòa gặp phải. Vì vậy, ông rất bức xúc. Bức xúc trước hết ở chính thái độ kinh doanh của chủ cửa hàng này.

“Điều khiến tôi rất tò mò và quan tâm đó là giá cả những mặt hàng lưu niệm mà cửa hàng bán cho khách hàng nước ngoài. Có thể khách hàng Việt họ nhìn rõ sự chặt chém ở nơi đây nên cũng có những người có một đôi lời vào ra. Một đôi lời đó vô tình đã đụng chạm tới lòng tự trọng và lợi nhuận trong kinh doanh của họ, vì vậy họ “tẩy chay” chính người Việt.

Nếu làm ăn chính đáng, giá cả hợp lý, theo tôi nghĩ họ sẽ không phải có những hành động cấm đoán nhằm bưng bít thông tin như vậy. Đưa ra hành động nhưng những tiểu thương này lại không lường hết được những hậu quả mà chính hành động đó mang lại”, ông Trịnh Trung Hòa chia sẻ.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa.

Đứng trên lập trường của một chuyên gia tâm lý, ông Trịnh Trung Hòa phân tích: “Đây là cách làm ăn chộp giật của một bộ phận rất nhỏ trong xã hội đang phát triển với tốc độ nhanh chóng như hiện nay nhưng lại tạo ra hiệu ứng mạnh, làm mất uy tín của du lịch Việt Nam, kỳ thị dân tộc đi ngược lại với giống nòi làm xấu hình ảnh người Việt.

Đồng thời gây thiệt hại cho du lịch, hạ tầm của mình trước khách quốc tế. Vô hình trung qua việc làm của chủ cửa hàng này mà mỗi khi nhắc tới Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ nói Việt Nam bán hàng giá cả cao hơn các nước khác. Vì có ai dám khẳng định người nước ngoài họ không biết những hành vi trên của chủ cửa hàng Cát Vàng”.

Với chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa, những người đó chỉ vì lợi ích cá nhân trước mắt mà sẵn sàng làm những việc gây tổn thương tới cả một cộng đồng dân tộc anh em. Điều đó đã tạo ra một hình ảnh xấu cho đất nước. Ông khẳng định: “Việc chủ hàng ở Bắc kinh treo biển “Không tiếp khách người Nhật Bản, Philippine, Việt Nam và chó” đã bị lên án nghiêm khắc không chỉ trong cộng đồng người Việt mà cả cộng đồng quốc tế.

Hành vi của ông chủ cửa hàng Cát Vàng là miệt thị người Việt Nam, tội đó còn nặng hơn người chủ cửa hàng Trung Quốc kia vì chính người nước mình lại phỉ báng dân tộc mình. Cũng chỉ xuất phát từ sự buôn bán không minh bạch. Hành động đó nhằm để lừa bịp khách du lịch là người nước ngoài.

Muốn được khách nước ngoài tôn trọng thì trước tiên chính chúng ta phải tôn trọng chúng ta chứ mình lại đi khinh rẻ mình thì làm sao người khác tôn trọng mình được. Hơn nữa, chủ cửa hàng còn dành cho phóng viên những lời lẽ thô tục. Ngôn ngữ của một tiểu thương trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước rồi hành động miệt thị đó chúng ta cần lên án”.

“Nhà hàng Việt không tiếp… người Việt”, câu chuyện đã khơi dậy trong tiềm thức của chuyên gia cảnh những người buôn bán trước đây vì lợi nhuận trước mắt họ có thể làm những việc không hay thậm chí hạ thấp cả nhân phẩm của mình. Ví dụ, có 1 thời “cơm quây” đã trở thành đề tài “nóng” ở dọc tuyến đường Bắc – Nam. Khi ô tô dừng xe, hành khách bước xuống để nghỉ ngơi, người từ các cửa hàng bắt đầu túa ra rồi quây khách hàng lại, bắt phải ăn ở quán của mình.

Nhà hàng Cát Vàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt Nam.
Nhà hàng Cát Vàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt Nam.

Không chỉ thế, hiện tượng đánh, chửi để tranh giành hành khách rồi lấy cả dây thép gai khoanh khu vực để khách hàng chỉ là của riêng mình, khiến nhiều người ngán ngẩm. Những việc làm như thế là vì cái lợi nhuận mà chà đạp, giày xéo lên tất cả những nét đẹp văn hóa mà cả cộng đồng người Việt đã kì công gây dựng nên.

“Hôm nay, lại là hành vi cho rằng người Việt xấu tính nên không tiếp người Việt trong quán của mình. Tất nhiên những việc của họ chưa có gì phạm pháp nhưng ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, danh dự người Việt và cơ quan chức năng cần có những biện pháp can thiệp kịp thời”, vẫn giữ thái độ rất kiên quyết lên án sự kì thị dân tộc của chủ cửa hàng Cát Vàng, chuyên gia Trịnh Trung Hòa cho biết.

Ủng hộ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc răn đe cửa hàng này nhưng chuyên gia cũng chia sẻ: Nếu đóng cửa vĩnh viễn thì quá nặng vì đây là nguồn sinh sống của họ. Nhưng chúng ta phải có biện pháp xử phạt thích đáng như đóng cửa có thời hạn một vài tháng, với mức phạt thật tương xứng với hành vi của họ. Nếu sau đó họ tiếp tục tái diễn hành vi trên, lúc đó chúng ta mới nên bàn tới biện pháp đóng cửa vĩnh viễn”.

Sức mạnh truyền thông sẽ buộc cửa hàng phải nhìn nhận lại mình

Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, trường Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội cũng rất ngạc nhiên trước những lời biện minh cho câu chuyện “Nhà hàng Việt không tiếp… người Việt” của chủ cửa hàng Cát Vàng (số 81 Nguyễn Đình Chiểu, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận). Theo Tiến sĩ thì “Lý do mà họ đưa ra hoàn toàn vô lý, không đúng thực chất”.

Tiến sĩ Minh cũng cho biết, ở đâu cũng có người này người kia, nhưng cái tính xấu của người Việt được chủ cửa hàng này nêu ra làm căn cứ không tiếp người Việt, đó chỉ là thiểu số. Chúng ta nên xem xét lại nguyên căn dẫn tới hành động này. Vì vô tình từ một hành động rất nhỏ nhưng lại tạo cơ hội cho những đối tượng chống phá cách mạng, gây thù hằn dân tộc. Điều đó rất nguy hiểm.

Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, trường Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội
Tiến sĩ Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, trường Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội

Tiến sĩ cũng đặt ra câu hỏi: “Chủ cửa hàng này có phải người Việt Nam hay không? Tuổi thơ của họ lớn lên ở đâu? Dòng nước mà họ uống xuất phát từ đâu?... mà họ lại có những biểu hiện như vậy? Thật đáng lên án. Và chắc chắn họ sẽ nhận về những phản ứng bất lợi cho mình, mà trước tiên là chính sự phản ứng gay gắt của cộng đồng người Việt. Qua hành động của họ thì chính họ sẽ tự tẩy chay việc buôn bán của mình”.

Tiến sĩ khẳng định thêm: Những lời lẽ tục tĩu của chủ nhà hàng với phóng viên càng thể hiện đó là những người thiếu hiểu biết về văn hóa. Và ông tin chắc, những ngày tới họ sẽ còn nhận được nhiều nữa sự phản ứng gay gắt từ dư luận.

Tuy nhiên, khi bàn về vấn đề có nên đóng cửa vĩnh viễn cửa hàng này hay không, Tiến sĩ Lưu Hồng Minh cho biết: Để luận tội một ai đó chúng ta phải xem hành vi của họ có vi phạm pháp luật hay không. Tôi nghĩ việc đóng cửa vĩnh viễn cửa hàng này hay không nằm ở sức mạnh của truyền thông, bằng chính dư luận, chính cộng đồng những người kinh doanh. Chủ cửa hàng sẽ tự nhận ra những thiếu sót của mình trước những luồng dư luận để đi tới quyết định có nên đóng cửa hay không.

Làm rõ việc quầy lưu niệm từ chối bán cho người Việt
Tờ Pháp luật TP HCM đưa tin: Chiều 4-3, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu UBND TP Phan Thiết phối hợp với Sở VH-TT&DL làm rõ vấn đề quầy bán hàng lưu niệm da cá sấu và ngọc trai của nhà hàng Cát Vàng (81 Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến) từ chối phục vụ khách hàng Việt.

Cùng ngày, Công an phường Hàm Tiến và Thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận đã có cuộc làm việc với ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng.

Trước đó, do nhận được phản ảnh quầy bán hàng lưu niệm của Cát Vàng không phục vụ người Việt nên chiều 4-3, PV Quế Hà (báo Thanh Niên) đến đây để tìm hiểu. Theo biên bản của Công an phường Hàm Tiến, khi PV Quế Hà ra ngoài chụp ảnh nhà hàng, ông Phúc đã sai bảo vệ dọa thu máy ảnh. Về việc từ chối bán hàng cho người Việt, ông Phúc khẳng định chủ trương này có từ hai năm nay. Lý do gian hàng lưu niệm chủ yếu là khách Nga, khách Việt chỉ chiếm tỉ lệ 1% nhưng gây phiền phức do các cơ sở kinh doanh cùng một mặt hàng luôn cử người đi nắm thông tin để cạnh tranh. Cũng theo ông Phúc, nhà hàng chỉ phục vụ khách Việt đặt món trước. “Nhà hàng sắp xếp phục vụ khách nước ngoài, khi khách gọi mới bắt đầu làm. Đối với khách Việt không đặt trước, nhà hàng không chuẩn bị được nên từ chối” - ông Phúc lý giải.

Nguyễn Huệ