Vụ nhà hàng Việt không tiếp… người Việt:

ĐBQH "đặt" chủ nhà hàng Việt và chủ nhà hàng Trung Quốc lên “bàn cân"

06/03/2013 12:52
Hồng Chính Quang
(GDVN) - ĐBQH Nguyễn Thị Khá nói: “Ông chủ cửa hàng người Việt còn tệ hơn ông chủ cửa hàng ở Trung Quốc. Nếu tôi là khách ngoại quốc thì tôi sẽ không đến cửa hàng này vì đến đồng bào của ông ấy còn chẳng được coi trọng nữa là mình”.
Ông chủ cửa hàng người Việt còn tệ hơn ông chủ cửa hàng ở Trung Quốc.

Sự việc chủ nhà hàng Cát Vàng (Golden Sand) ở thiên đường du lịch Mũi Né, Bình Thuận quyết liệt từ chối bán hàng cho chính đồng bào Việt Nam của mình với lý do cho rằng người Việt Nam vừa ít mua hàng lại vừa xấu tính, đã hay ăn cắp lại còn hay làm "gián điệp" cho các cửa hàng khác để dò la giá cả đã gây bất bình trong dư luận.

Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Hoàng Hà)
Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Hoàng Hà)


Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Khá – Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên trước cách cư xử như vậy của ông chủ cửa hàng Cát Vàng người Việt như báo chí đã đưa. 
Chắc là ông ấy cho rằng bán cho người nước ngoài thì được nhiều tiền hơn. Việc bán giá cao hay thấp thì dù người trong nước hay người nước ngoài mà có đủ tiền để mua vẫn cứ bán thôi, tại sao lại làm như thế được?”

Khi được hỏi về lý do mà người chủ cửa hàng ngày đưa ra, bà Khá cho rằng: “Người Việt xấu tính hay người nước ngoài xấu tính thì phải có một tỷ lệ nào đó. Chẳng có ai xấu hết mà cũng chẳng ai tốt hết, “nhân vô thập toàn” mà. Kẻ xấu ở đâu cũng có mà ở đâu cũng có người tốt. Như vậy, lý do dẫn đến sự kỳ thị người Việt của ông chủ cửa hàng người Việt như vậy là không chính đáng”.

“Theo tôi, kể cả người nước ngoài ở Việt Nam thì một người dân Việt cũng còn không được làm thế huống hồ còn kỳ thị chính đồng bào của mình. Chúng ta đang phát động phong trào “người Việt dùng hàng Việt”, vậy mà...

Ông chủ cửa hàng người Việt còn tệ hơn ông chủ cửa hàng ở Trung Quốc (đã từng treo biển kỳ thị người Nhật bản, Philippin và Việt Nam). Nếu tôi là khách ngoại quốc thì tôi sẽ không đến cửa hàng này vì đến đồng bào của ông ấy còn chẳng được coi trọng nữa là mình”, vị đại biểu QH này tỏ rõ sự thất vọng.

Đó là sự phân biệt không khôn ngoan của người kinh doanh.

Cũng so sánh với chủ nhà hàng ở Bắc Kinh (Trung Quốc), GS. Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng: “Tôi nghĩ rằng bất cứ một sự kỳ thị nào trên một cơ sở không chính đáng thì đều không tốt và tôi cho rằng trong hai trường hợp này đều không tốt như nhau. Không phải vì chủ cửa hàng ở Bắc Kinh kỳ thị người nước ngoài thì hay còn chủ cửa hàng người Việt kỳ thị chính người Việt là không hay. Cứ kỳ thị con người là dở rồi”.

Nhà hàng Cát Vàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt. (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Nhà hàng Cát Vàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Khi được hỏi đánh giá về vị chủ cửa hàng người Việt trong TP. Phan Thiết (Bình Thuận) này, ông Đào Trọng Thi cho biết: “Tôi nghe không hết sự việc nên tôi chỉ có ý kiến khái quát việc phân biệt đối xử trong việc phục vụ người dân Việt Nam và người nước ngoài thôi mà không bình luận vào trường hợp cụ thể của chủ cửa hàng như báo chí đã nêu”.

Theo ông Thi, đúng là có những dịch vụ chỉ dành riêng cho người nước ngoài với những lý do dịch vụ đó không phù hợp với người Việt và đặc biệt là có những dịch vụ đối với người Việt là không được phép. Ví dụ như đánh bạc là hành vi bị cấm ở Việt Nam, nên việc mở các casino (sòng bạc) nhưng không cho phép người Việt vào đó mà chỉ phục vụ khách nước ngoài hoặc trẻ em không được xem những phim có nội dung không phù hợp… Đó là sự phân biệt đối tượng thường thấy.

Ông Đào Trọng Thi phân tích: “Ở trường hợp này, tôi cho rằng chủ nhà hàng đánh giá hiệu quả kinh doanh đối với người Việt không hiệu quả bằng người nước ngoài dẫn đến việc phân biệt người Việt và người nước ngoài. Đó là sự phân biệt không khôn ngoan của người kinh doanh.

Thứ nhất, về văn hoá, chủ cửa hàng kỳ thị người Việt thì chứng tỏ ông ấy đã không tôn trọng mình. Nếu ông ấy ở trong vị trí của một người đi mua hàng bị một chủ cửa hàng khác kỳ thị như vậy thì sao?

Thứ hai, về mặt kinh tế, sự không khôn ngoan thể hiện ở việc làm như vậy thì khác gì ông ta xua đuổi các khách hàng của mình đi. Trong việc bán hàng, “thuận mua vừa bán”, ai không mua thì thôi. Có thể người nước ngoài mua nhiều hơn nhưng không có nghĩa là không có người Việt mua, làm sao mà có thể “vơ đũa cả nắm” là người Việt không mua? Ngay cả những người nước ngoài biết chủ cửa hàng này như vậy chắc chắn cũng không đến cửa hàng này mua nữa”. 

“Còn về vấn đề pháp luật thì phải do các nhà chức trách xem xét. Tuy nhiên dưới góc độ văn hoá đối xử, sự phê phán của dư luận là một “hình phạt”, ông Thi nhận định.
Hồng Chính Quang