Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Đại biểu Đặng Thành Tâm: "Chị em tôi nợ không đến 500 triệu USD"

30/10/2012 12:09
Minh Anh
(GDVN) - “Đặc biệt lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài chẳng ai bằng tụi tôi, nếu tụi tôi chết thì chẳng còn ai sống", ông Đặng Thành Tâm nói tại hành lang Quốc hội
Sáng 30/10, bên lề Quốc hội, ông Đặng Thành Tâm đại biểu Quốc hội – Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn tỏ ra khá bình thản trước nhiều lời đồn tiêu cực về “nợ xấu” và khả năng trả nợ của doanh nghiệp gia đình mình.

Ông Đặng Thành Tâm trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội
Ông Đặng Thành Tâm trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội

“Tổng nợ của toàn bộ công ty trong gia đình, gồm Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tân Tạo của bà chị tôi (bà Đặng Thị Hoàng Yến - PV), tất cả các ngân hàng không tới 500 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng - PV), trong khi tổng vốn điều lệ là 20.000 tỷ đồng. Thống kê tất cả các DN trên sàn chứng khoán thì nợ vay trên vốn điều lệ là 2,2 lần, trong khi chúng tôi chưa bằng 1 lần. Nếu xét về cấu trúc nợ và vốn thì công ty của chúng tôi nợ an toàn hơn số đông còn lại”. 

Ông Tâm tiếp tục chia sẻ: “Dù có ai nói xấu gì thì nói, tôi cũng không muốn khoe khoang nhưng tôi có thể khẳng định, công ty của chúng tôi có thể kiểm soát được nợ và tình hình. Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) trên sàn chứng khoán vẫn nằm trong nhóm tốt nhất hiện nay và năm nào cũng được tặng cờ luân lưu của Chính phủ.

Đặc biệt lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài chẳng ai bằng tụi tôi, nếu tụi tôi chết thì chẳng còn ai sống. Quan điểm của tụi tôi là chẳng sợ chê xấu, không buồn phiền vì bị chê. Họ càng chê thì càng nhìn rõ mình. Vấn đề sợ nhất là nội tại của mình có yếu hay không”. 

"Tình hình kinh tế hiện nay đang khó khăn thì doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn. Nếu ai nói không khó khăn là che đậy. Vấn đề là phải nhìn nhận khó khăn đến đâu để có biện pháp phù hợp còn nếu che giấu thì lăn đùng ra chết lúc nào không hay". ông Đặng Thành Tâm nói.    
Dẫn chứng cho lời nói trên, ông Đặng Thành Tâm lý giải, doanh nghiệp của gia đình ông hoạt động trong lĩnh vực cho thuê khu công nghiệp (KCN). Khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài. Tổng dự nợ của nền kinh tế Việt Nam vào khoảng hơn 150 tỷ USD nhưng Tập đoàn Tân Tạo và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn đạt 0,5 tỷ USD và nếu 100 DN tương tự thì chỉ là 50 tỷ USD, bằng 1/3 tổng dư nợ vay của toàn nền kinh tế. Trong khi, thu hút đầu tư nước ngoài của các KCN chiếm 10% tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và xuất khẩu trung bình 5-7 tỷ USD/năm (chiếm gần 10% tổng xuất khẩu cả nước), tạo việc làm khoảng 70.000 người. Do vậy, không thể nói là chúng tôi không thành công. Đặc biệt, theo ông Tâm, doanh nghiệp của ông không mở rộng thêm, không đầu tư bất động sản (nhà ở) ở nội thị mà chỉ cho thuê nhà xưởng cho DN nước ngoài chứ không đổ tiền vào làm nhà ở “giá bong bóng” nên sự tác động của nền kinh tế trong nước là rất hạn chế. Tuy nhiên, hiện giá thuế đất vẫn giảm để thu hút và cố gắng lấp đầy các KCN đã mở. Với mức đầu tư KCN Kinh Bắc (Bắc Ninh) với giá 500.000 đồng/m2 vẫn đảm bảo lợi nhuận.  Phân tích về những khó khăn mà giới doanh nhân đang gặp phải trong giai đoạn kinh tế có nhiều thách thức hiện nay, vị ĐBQH này nhấn mạnh, Nhà nước và NHNN phải giữ được mức lãi suất dưới 15% thì mới lãi ít nhất 1-2% thì đủ sức cho DN hồi phục và trả nợ và như vậy không phải là nợ xấu. Còn nếu cứ giữ lãi suất cao thì nợ không có khả năng trả thì đúng là nợ xấu. "Con số nợ xấu hơn 300.000 tỷ đồng, thậm chí là 400.000-500.000 tỷ đồng là rất kinh khủng. Nhưng theo tôi không phải con số đến mức như vậy nếu lãi suất được cải thiện, dòng vốn được lưu thông và sản xuất phục hồi. Nợ xấu của DN sản xuất khác hẳn với DN làm dịch vụ, tài chính, bất động sản", ông Tâm nói. Ông Tâm tiếp tục phân tích, nợ xấu trên 10% của tổng dự nợ tín dụng thì kết cục xấu là khó tránh khỏi nhưng bản chất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay lại không phải như vậy. Bởi do lại suất cao, thị trường thu hẹp, DN không có lãi không trả được nợ và phải chuyển thành nợ xấu. Trong khi nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế non trẻ nên khi vấp phải lãi suất 22% thậm chí có nơi tới 30% trong năm 2011 thì rất khó khăn. "Chính phủ đề ra mức tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 5,2%, theo tôi là chưa phù hợp vì thế sẽ làm DN co cụm lại không đầu tư phát triển. Căn cứ vào mục tiêu này, chúng tôi cũng không dại gì mà đầu tư mở rộng sản xuất trong năm 2013”.
Minh Anh