Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Nội quy kỳ họp (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội bắt buộc phải hát quốc ca
Dự thảo nội quy bổ sung quy định lễ chào cờ để khẳng định đây là thủ tục trọng thể được Quốc hội tiến hành trước khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc và sau khi bế mạc kỳ họp, trong đó quy định rõ Đại biểu Quốc hội hát Quốc ca.
Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định đại biểu Quốc hội hát Quốc ca khiến ông lo lắng, vì mỗi người một giọng, người giọng kim, người giọng thổ.
“Trước đây, tôi làm bí thư Tỉnh ủy tôi thấy rồi, hát không ổn lắm”, ông Giàu băn khoăn.
Tuy nhiên, băn khoăn của ông Giàu đã được ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ ra “lối thoát” rằng, việc hát Quốc ca vẫn tiến hành, nếu người nào hát không hay thì hát bé hơn một chút thì vẫn không vấn đề gì.
Nhiều Đại biểu Quốc hội không hát Quốc ca ở cả phiên khai mạc và bế mạc đã trở thành một câu chuyện buồn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Quả thực, người Việt Nam mà không hát quốc ca Việt Nam, nhìn ở góc độ nào thì cũng là điều không thể chấp nhận được.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói thẳng: “Đấy là ý thức, là trách nhiệm của mỗi Đại biểu Quốc hội khi được đại diện cho nhân dân cả đất nước này. Không hát quốc ca thì đúng là không thể chấp nhận được”.
Còn ông Dương Trung Quốc thì nói rằng: "Mọi người phải ý thức, lãnh đạo càng to thì phải hát càng to, chứ đừng nghĩ mình có đặc quyền gì ở đây cả".
Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) nói rõ Đại biểu Quốc hội hát Quốc ca tại lễ khai mạc và bế mạc. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, vấn đề được nhiều Đại biểu quan tâm là ý thức và trách nhiệm của mỗi Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp. Theo đó, ngay tại điều 1 của Nội quy nói rõ Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.
Danh sách đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội được ghi vào Biên bản kỳ họp Quốc hội; danh sách các đại biểu Quốc hội vắng mặt phiên họp được ghi vào biên bản phiên họp.
Khi nào Quốc hội họp kín? Theo Điều 22 của dự thảo: Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết định họp kín. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp nhận đề nghị họp kín và trình Quốc hội quyết định theo trình tự sau: Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo về đề nghị Quốc hội họp kín; Quốc hội thảo luận, biểu quyết về việc họp kín. Thành phần được mời dự; việc ghi âm, lập biên bản phiên họp kín của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng thư ký Quốc hội. Trình tự, thủ tục của phiên họp kín như các phiên họp tại kỳ họp Quốc hội. |
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết: “Vừa qua, cử tri cũng như ngay trong nội bộ các đoàn không bằng lòng việc có đại biểu lợi dụng bận việc riêng để vắng mặt. Trách nhiệm quan trọng số 1 của người đại biểu Quốc hội là phải tham dự đầy đủ các ngày họp. Bởi Quốc hội làm việc tập thể”.
Từ đó, ông Ksor Phước đề nghị quy định Đại biểu Quốc hội không được vắng mặt quá 1/5 thời gian trong cả kỳ họp nếu không có lý do chính đáng; căn cứ vào số ngày nghỉ các đại biểu vắng có thể không báo cáo Chủ tịch Quốc hội nhưng phải báo cáo trưởng đoàn, Tổng Thư ký.
Cho ý kiến vào quy định này, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định như vậy hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt hiện nay.
“Theo tôi cần đưa ra quy định cụ thể, ví dụ nghỉ bao nhiêu ngày thì báo cáo trưởng đoàn, nghỉ bao nhiêu ngày thì báo cáo Tổng thư ký kỳ họp và nghỉ bao nhiêu ngày thì phải báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Quy định đại biểu Quốc hội không được vắng mặt khi không có sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội thì căng quá, chả nhẽ Đại biểu Quốc hội nghỉ một ngày cũng phải xin phép Chủ tịch Quốc hội, trong khi đó Chủ tịch Quốc hội lại quá nhiều việc”, bà Mai nói.
Ngoài ra, dự thảo cũng nói rõ, Đại biểu tham dự phiên họp không sử dụng các ngôn ngữ hoặc cử chỉ xúc phạm các cá nhân khác; không biểu quyết thay đại biểu Quốc hội khác… Trong trường hợp trật tự phiên họp không được đảm bảo, Chủ tọa phiên họp tại kỳ họp Quốc hội có thể tạm hoãn phiên họp.
Đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu, tự ứng cử nhiều chức danh
Theo dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi), quy trình bầu Chủ tịch nước thực hiện như sau:
Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Có hội rất tốt, nhưng cũng có hội phản động, chống phá chế độ |
Ngoài danh sách do Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.
Quốc hội thảo luận, thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước; thành lập Ban kiểm phiếu.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết. Quốc hội thảo luận, thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Cuối cùng, Chủ tịch nước tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Trình tự bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được đặt ra như sau:
Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, mời Chủ tịch nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch nước báo cáo trước Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.
Quốc hội thảo luận, thông qua danh sách để bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu; bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.
Quốc hội thảo luận và thông qua nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.