Đại biểu nêu ba điều kiện để giám sát kê khai tài sản cấp cao

30/05/2017 06:37
Trinh Phúc
(GDVN) - “Ủy ban Kiểm tra Trung ương được giao nhiệm vụ, làm đúng quy định và sẽ không có vùng cấm, đồng nghĩa với việc không né tránh”.

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Trong đó, chủ thể của công việc kiểm tra, giám sát là Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ủy ban kiểm tra Trung ương.

Đối tượng kiểm tra gồm, các chức vụ do Bộ Chính trị trực tiếp quản lý: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; lãnh đạo các ban của Đảng; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy…

Các chức vụ do Ban bí thư trực tiếp quản lý gồm: Phó trưởng ban của Trung ương; Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng; Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy…Số lượng cán bộ chịu tác động của Quy định này khoảng 1.000 người.

Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh nguồn dangcongsan.vn).
Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh nguồn dangcongsan.vn).

Xung quanh quy định này, bên hành lang Quốc hội ngày 29/5, trao đổi với báo chí bà Lê Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết:

“Đây là quy định của Bộ Chính trị, mà đã là quy định của Bộ Chính trị thì phải thực hiện hết sức nghiêm túc.

Các cán bộ thuộc diện đối tượng quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ cần có một trong ba căn cứ sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh.

Các căn cứ trên gồm: Thứ nhất, khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ này vì lý do nào đó thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành làm.

Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực.

Thứ ba, khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương được giao nhiệm vụ sẽ căn cứ vào quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm đúng quy định và sẽ không có vùng cấm, đồng nghĩa với việc không né tránh.

Chỉ cần một trong 3 căn cứ trên, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra.

Ví dụ khi kế hoạch, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, hoặc khi có đơn thư phản ánh tố cáo có căn cứ rằng có việc kê khai tài sản không trung thực thì sẽ tiến hành kiểm tra xác minh và có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về việc kê khai tài sản không trung thực”.

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh nguồn media.quochoi.vn).
Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh nguồn media.quochoi.vn).

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) có ý kiến: “Mọi chủ trương được thực hiện nghiêm túc bắt nguồn từ sự gương mẫu mà sự gương mẫu bắt nguồn từ trên xuống dưới.

Chủ trương kiểm kê, kiểm tra 1000 cán bộ cấp cao chắc chắn được nhân dân đồng tình ủng hộ.   

Như vậy, công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta, việc chúng ta xây dựng Chính phủ liêm chính là đang đi đúng hướng.

Vấn đề kiểm kê, kiểm soát nhưng phải có kiểm tra, chúng ta trước hết kiểm tra kiểm soát thông tin khai báo tài sản có thực không, rồi kiểm tra tài sản đó là tài sản hợp pháp hay không hợp pháp.

Việc kiểm tra phải trả lời cho được đâu là những tài sản hợp pháp, còn những tài sản nào không hợp pháp, bất minh”.

Liên quan đến có ý kiến cho rằng, thông tin về tài sản cán bộ cấp cao thuộc diện bí mật, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng: “Không thể có chuyện thông tin tài sản của cán bộ cấp cao là bí mật.

Cán bộ cấp cao hay cấp thấp đều là công dân nên mọi thứ đều được mình bạch. Đã nói đến tài sản cá nhân thì tất cả tài sản cá nhân đều bình đẳng, hợp pháp, công khai.

Tại nhiều Quốc gia càng làm to thì nghĩa vụ quốc gia càng lớn. Nên Tổng thống thì nghĩa vụ công khai tài sản phải cao nhất. Do đó, không có chuyện tài sản cá nhân cán bộ cấp cao là bí mật”.

Trinh Phúc