Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải thấy rằng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay;
Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc.
Còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Sự phối hợp công tác giữa uỷ ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan như thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, tòa án… có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp.
Chính vì còn những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, nên tình hình vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống…
Trước thực trạng này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV nhận định, suốt từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cho tới Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng liên tục được đề ra và đã phát hiện rất nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, trong đó có những trường hợp đã bị xử lý nghiêm khắc.
“Nguy hiểm nhất không đơn thuần là họ tham ô tài sản của nhà nước, của nhân dân, mà là khi kết bè kết phái làm những việc xấu thì lý tưởng cách mạng cũng phai nhạt, không còn vì nước, vì dân nữa.
Khi cán bộ đã rơi vào vòng xoáy sống ích kỷ, vụ lợi, hám danh, quan liêu thì sẽ vô cảm với đời sống khó khăn của dân. Đó là nguy cơ rất lớn cho sự tồn vong của dân tộc”, Tướng thước chia sẻ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cảnh báo, cán bộ giàu lên bất thường trong khi dân thì nghèo là một nguy cơ gây ra sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong đời sống xã hội. ảnh: Ngọc Quang. |
Đồng thời, nguyên Tư lệnh Quân khu IV nêu ra một thí dụ hết sức thời sự mà báo chí đã đề cập về khối tài sản trăm tỷ của Thứ trưởng Bộ Công Thương – bà Hồ Thị Kim Thoa (cổ phần tại Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang).
Theo tướng Thước, mặc dù có thông tin rằng số tài sản này bà Hồ Thị Kim Thoa có từ trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, thì vẫn có những câu hỏi đặt ra xoay quanh nội dung cần phải làm rõ: Vì sao bà Thoa có được số tài sản ấy?
“Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải làm rõ, bởi vì nếu số tài sản ấy bà Thoa có được một cách hợp pháp thì chẳng có gì đáng bàn, nhưng ở chiều ngược lại thì đó là sự việc rất cần lưu ý trong công tác cán bộ”, Tướng Thước cảnh báo.
Ngay sau khi có thông tin về tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì phối hợp với một loạt các cơ quan khẩn trương kiểm tra, kết luận những nội dung mà các bài báo nêu cùng những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban bí thư.
Vì tiến bộ chung mà phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người |
Tổng bí thư cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quy định của pháp luật để hoàn thiện, khắc phục hạn chế trong công tác quản lý; phòng, chống thất thoát tài sản Nhà nước; ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Mới nhất, Thủ tướng cũng đã yêu cầu kiểm tra tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước;
Ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.
Tướng Thước chia sẻ: “Tôi rất mừng là ngay sau khi có thông tin về khối tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng của bà Thoa thì đồng chí Tổng Bí thư đã lập tức chỉ đạo phải làm rõ với sự vào cuộc đồng loạt của nhiều cơ quan Trung ương.
Việc cần thiết bây giờ là những cơ quan được giao nhiệm vụ phải khẩn trương làm rõ tài sản ấy từ đâu bà Thoa có, tiêu cực hay không tiêu cực. Dù chưa có kết luận nhưng tôi cho rằng việc này chắc chắn có vấn đề, bởi vì ngoài khối tài sản trăm tỷ của bà Thoa thì còn có những người thân khác cũng nắm giữ tài sản trăm tỷ ở doanh nghiệp này”.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản trị giá trăm tỷ tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. ảnh: TTXVN. |
Trước đó chiều 10/2, Bộ Công Thương thông tin về vấn đề tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Phản hồi này được đưa ra sau khi có nhiều thắc mắc trong dư luận về tài sản của cá nhân và gia đình bà Thoa tại doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ nói gì về việc kiểm tra tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa? |
Theo cơ quan quản lý, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa có 18 năm công tác tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang: Năm 2000-2005, bà Thoa là Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
"Số cổ phần Công ty Bóng đèn Điện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu có từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Công Thương", cơ quan này giải thích và cho biết tài sản đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm bà Thoa vào vị trí Thứ trưởng năm 2009, đồng thời báo cáo cơ quan thẩm quyền trước khi quyết định bổ nhiệm.
Năm 2016, các thành viên gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu gần 35% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (Mã CK: DQC), tương đương 700 tỷ đồng tính theo thị giá hiện tại. Trong đó, riêng bà Thoa nắm gần 1,7 triệu cổ phiếu, tương đương 100 tỷ đồng.
Đón nhận thông tin này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ: “Tôi rất tiếc là vụ việc này một lần nữa lại rơi vào cán bộ của Bộ Công thương. Sau những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng, sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, rồi hàng loạt dự án thua lỗ cả nghìn tỷ đồng… rõ ràng có quá nhiều tiêu cực cần phải nghiêm túc đánh giá lại và rút ra kinh nghiệm cho các ngành khác.
Ngay cả vấn đề Bộ Công Thương đã trả lời về tài sản của bà Thoa thì bây giờ cũng phải làm rõ xem trước khi bổ nhiệm làm Thứ trưởng, những cơ quan nào, cán bộ nào tham gia vào quy trình thẩm định hồ sợ, đánh giá bà Thoa.
Số tài sản bà Thoa kê khai lúc ấy có được kiểm tra không? Kiểm tra có đúng quy trình và có nghiêm túc không? Nếu nghiêm túc và minh bạch hết cả rồi thì bây giờ đưa ra báo cáo, công khai đi.
Còn nếu không nghiêm túc, làm qua loa, rồi bây giờ các cơ quan kiểm tra phải làm lại từ đầu thì cũng phải xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thẩm định hồ sơ để bổ nhiệm bà Thoa”.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nếu cán bộ giàu lên một cách chính đáng thì đó là điều đáng mừng, vì họ biết làm giàu cho chính mình, cho gia đình mình thì mới có thể làm cho xã hội.
“Nhưng điều bất thường là nhiều cán bộ giàu lên nhanh quá trong khi dân nghèo thì đó là điều rất đáng suy ngẫm vì nó là một nghịch lý sẽ khiến cho xã hội chậm phát triển. Đây là vấn đề Đảng ta phải đặc biệt quan tâm”, Tướng Thước chia sẻ.