Đảng đã nghiêm khắc không lý gì chính quyền lại lỏng tay

17/02/2019 06:28
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Lê Như Tiến: “Kéo dài thời hiệu kỷ luật là để truy suất nguồn gốc thời đầu của cán bộ, tránh tình trạng mất phẩm chất đạo đức nhưng chui sâu leo cao”.

Nhiều ý kiến cho rằng, chống tham nhũng mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng tình trạng tham nhũng vặt thì vẫn còn nhức nhối. Vấn nạn này rất nguy hiểm vì nó liên quan với đời sống hàng ngày của mỗi người dân và bào mòn đạo đức người cán bộ.

Thực trạng này tồn tại lâu dài là có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ các quy định trong các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Một trong những điểm hạn chế chính là thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, quy định quá ngắn. Trong Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Chính vì thời hiệu xử lý kỷ luật ngắn như vậy nên có tình trạng khi phát hiện sai phạm thì đã quá thời gian nên không xem xét.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Cũng vì điểm này nên tồn tại việc cố tình bao che, dung túng cho sai phạm, chây ì việc kiểm tra, xem xét nhằm mục đích đợi hết thời hiệu xem xét kỷ luật.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể chấm dứt khi Bộ Nôi vụ đang đưa ra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trong đó đề xuất tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức viên chức từ 24 tháng lên 60 tháng.

Ngoài ra dự thảo còn quy định, đối với các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức đang công tác hoặc cán bộ, công chức sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ việc có hành vi vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng;

Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;  Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.

Đảng đã nghiêm khắc không lý gì chính quyền lại lỏng tay ảnh 2Chây ì xử lý đơn thư của thầy cô có chấm dứt khi tăng thời hiệu kỷ luật cán bộ?

Xung quanh đề xuất tăng thời hiệu kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức lần này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Việc sửa đổi tăng thời hiệu như trong dự thảo là rất tốt.

Bởi cứ duy trì thời hiệu ngắn như hiện nay thì sau thời gian 24 tháng là coi như xong, nhiều người vi phạm sẽ không bị xử lý”.

Cũng theo ông Lê Như Tiến, việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật lên 60 tháng là để cán bộ, công chức, viên chức thấy rằng nếu như vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn.

Vừa rồi Đảng ta đã xử lý một loạt cán bộ, cựu cán bộ vi phạm. Thậm chí, có những vụ việc sai phạm đã lên đến 5 năm, thậm chí 7 năm về trước nhưng vẫn bị xử lý. Do đó, trong Đảng nghiêm khắc như vậy thì không có lý do nào về chính quyền lại không.

Việc tăng thời hiệu xử lý cán bộ, công chức, viên chức cho thấy được tinh thần chống tham nhũng không có vùng cấm. Người đương chức hay về hưu nếu như có vi phạm thì vẫn bị tiếp tục xử lý nghiêm.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Việc kéo dài thời hiệu thì tính răn đe sẽ mạnh hơn.

Việc này để truy suất nguồn gốc thời đầu của cán bộ, tránh tình trạng yếu kém năng lực, mất phẩm chất đạo đức nhưng vẫn chui sâu leo cao. Hay cán bộ chạy tội”.

Ông Lê Như Tiến lấy ví dụ, từng có đồng chí Bộ trưởng trước đây có vi phạm dù đã về hưu 5 năm nhưng vẫn bị đưa ra xem xét.

Đảng đã nghiêm khắc không lý gì chính quyền lại lỏng tay ảnh 3Lò đã nóng rực, tại sao tội phạm tham nhũng vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng?

Hay như vụ ông Đinh La Thăng, sai phạm khi còn là Tổng Giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Mặc dù, sau 5 năm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, rồi sau đó làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mà vẫn bị đem ra xử lý.

Do đó, khi thời hiệu xử lý kỷ luật được kéo dài thì sẽ càng tạo điều kiện cho việc xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức cố tình sai phạm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Với quy định như trong dự thảo thì cá nhân nào còn tư duy về nghỉ hưu hay lên các chức vụ quan trọng là coi như thoát hiểm xong thì cần phải từ bỏ sớm.

Việc thời hiệu kỷ luật được quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không chỉ tăng tính răn đe mà còn tạo thuận lợi cho các hoạt động tư pháp.

Còn nếu thời hiệu quá ngắn thì vẫn còn tình trạng xử lý đơn thư cố tình kéo dài đến khi sang tháng thứ  25, 26 mới đưa ra xem xét. Sau đó, do quá thời hiệu nên không được xem xét nữa.

Việc này dễ bị lợi dụng để bỏ lọt người vi phạm, khuyết điểm”.

Trinh Phúc