Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch là khâu mở đầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua không ít vụ án tham nhũng lớn liên quan đến một số cán bộ, trong đó có người nắm giữ vị trí quan trọng của đất nước phải hầu tòa. Bởi vậy, chưa bao giờ công tác cán bộ được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo từ sớm và đã được đề cập ở nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng như giai đoạn hiện nay.
Hướng tới Đại hội Đảng lần thứ 13, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh việc chọn người tài, đức phụng sự đất nước, ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Công tác cán bộ là khâu rất quan trọng của đất nước và của Đảng, quyết định đến sự thắng lợi, hiệu quả trong mọi thời điểm, giai đoạn của đất nước".
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, trong giai đoạn hiện nay công tác cán bộ lại càng quan trọng hơn bao giờ hết: “Một thời gian dài công tác cán bộ chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Bởi vậy đã để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng chui sâu, leo cao.
Đội ngũ cán bộ mà có những người như thế sẽ làm hỏng, kém hiệu quả trong công tác điều hành đất nước. Nguy hại hơn là làm giảm lòng tin của nhân dân. Vấn đề này đã được Đảng ta nhận định và từ Đại hội 11 đã nhìn thấy.
Trong giai đoạn tới, vai trò của đội ngũ cán bộ rất quan trọng, mang tính quyết định khi chúng ta hội nhập quốc tế một cách sâu, rộng.
Khi đó, những tiến bộ khoa học kỹ thuật, hội nhập kinh tế quốc tế, thế giới nhiều biến động đòi hỏi đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất rất cao.
Bởi vậy, việc sắp xếp bố trí lại cán bộ để khắc phục những tồn tại, phát huy mặt mạnh, đáp ứng được yêu cầu trước mắt trong giai đoạn mới rất quan trọng và cần thiết”.
Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, quy hoạch, bố trí cán bộ vào những vị trí quan trọng mà không nắm được họ đã suy thoái là vô cùng nguy hiểm. Ảnh: Vũ Phương. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đâu là tiêu chí chọn những cán bộ đủ tâm, đủ tầm để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước trước mắt và lâu dài?
Ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ: “Trước hết phải đánh giá lại những ưu điểm, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ trong suốt quá trình làm việc và xa hơn nữa là đánh giá về khả năng đóng góp của cán bộ này như thế nào.
Sau khi đánh giá cán bộ xong phải có quy hoạch, bố trí một cách hệ thống, bài bản trước mắt cũng như lâu dài, một lĩnh vực cũng như nhiều lĩnh vực để có cán bộ toàn diện, phát triển bền vững cả phẩm chất năng lực, trách nhiệm.
Chọn xong chưa phải là đủ, bố trí vào những chỗ hợp lý để phát huy điểm tốt, khắc phục điểm yếu”.
Đồng thời, ông Cao Sỹ Kiêm góp ý: “Cần phải theo dõi, giám sát thường xuyên để khắc phục những vấn đề phát sinh, xử lý nghiêm minh cán bộ suy thoái, biến chất để đảm bảo bộ máy luôn trong sạch, đảm bảo chất lượng cán bộ, tạo được lòng tin với nhân dân.
Như vậy chúng ta mới có đội ngũ cán bộ chất lượng đảm bảo được yêu cầu mới, nhiệm vụ mới cũng như khắc phục được những tồn tại đang mắc phải”.
Nếu cứng nhắc lựa chọn cán bộ theo độ tuổi, sẽ bỏ lọt người tài |
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá rất cao việc xử lý cán bộ sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn này được đánh giá là đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên được tăng cường; được người dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
“Về giải quyết những tồn tại trong cán bộ đặc biệt trong việc chống tham nhũng, Đảng ta đã nói từ rất lâu, rất nhiều, nhưng kết quả chưa được tương xứng và chưa được như ý muốn.
Việc tồn tại những cán bộ tha hóa, biến chất vẫn còn ở nhiều cấp độ, nhiều cấp”, ông Kiêm nói.
Ông Cao Sỹ Kiêm cho biết: “Từ Nghị quyết số 12, chúng ta đã tập trung giải quyết vấn đề tham nhũng, nâng cao, cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ. Cụ thể là một số vụ án lớn đã đưa ra xét xử.
Có thể nói những sai phạm lớn đó đã tích lũy, tăng lên mà chúng ta làm chưa xuể, chưa hết. Chính điều đó ít nhiều làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.
Việc xử lý tham nhũng không có vùng cấm là rất đúng đắn, quyết liệt, chậm một tý nhưng rất kịp thời. Chúng ta dỡ ra được những vấn đề rất lớn, cơ bản”.
Tuy nhiên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, giải quyết vấn đề tham nhũng trong toàn hệ thống thì vẫn chưa làm được toàn diện, chỉ mới xử lý được một số vụ án lớn, còn rất nhiều tham nhũng nhỏ xảy ra hàng ngày trong đời sống của nhân dân thì chưa có biện pháp nào ngăn chặn triệt để.
"Hướng đi của chúng ta đã rất rõ và đúng đắn, nhưng làm sao có cơ chế vừa giải quyết triệt để vấn đề tồn tại hiện nay, nhưng phải tạo ra những yếu tố ngăn chặn sự phát triển của tham nhũng trong tương lai.
Điều đó có nghĩa là phải thực hiện trên nhiều mặt, cả ở thể chế, bố trí đội ngũ cán bộ, sử dụng, quản lý, giám sát đội ngũ cán bộ", ông Kiêm nói.
Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng bị cáo buộc đã vi phạm các quy định, gây thiệt hại kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, hoặc lập khống hợp đồng để ăn chia, chiếm đoạt tài sản Nhà nước...Ảnh: TTXVN. |
Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, phòng chống tham nhũng phải làm đồng bộ, triệt để và phải làm từ cơ sở mới giải quyết được vấn đề một cách bền vững.
Thực tế, trên nóng, trung và dưới vẫn lạnh, bởi phía dưới vẫn cho là chưa động chạm đến họ. Bởi vậy, phải có chế tài quản lý, sử dụng, giải quyết về mặt bố trí, quy hoạch cán bộ, xử lý cán bộ một cách đầy đủ, thường xuyên kịp thời.
Làm được như vậy sẽ có tác động hiệu quả đến toàn hệ thống từ cơ sở đến trung ương, chứ chỉ làm ở trên mà cơ sở vẫn không biến chuyển sẽ rất nguy hiểm.
Ông Cao Sỹ Kiêm nhận định: “Đại hội Đảng 13 này cũng sẽ có những cơ chế, chính sách, đường lối giải quyết vấn đề cán bộ một cách căn cơ hơn.
Những vụ án tham nhũng lớn, cán bộ từng giữ những trọng trách cao bị xử lý như thời gian vừa qua là thắng lợi to lớn, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, nhưng cần phải làm thêm 2 việc nữa.
Thứ nhất, cần có cơ chế để làm triệt để toàn hệ thống từ quy hoạch, đánh giá, sử dụng, bồi dưỡng, xử lý kỷ luật cán bộ. Từ đó tạo ra được đội ngũ cán bộ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm với dân, với nước.
Thứ hai, ngoài việc lựa chọn cán bộ đủ tâm, tầm vẫn phải bồi dưỡng, theo dõi, đánh giá. Nếu đánh giá cán bộ không đúng, bố trí cán bộ vào sẽ lại nảy sinh những vấn đề khác. Hoặc đánh giá, bố trí cán bộ đúng, nhưng cơ chế không có cũng sẽ không ổn”.