Ngày 13/11, Quốc hội đã dành cả ngày tiến hành thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Quochoi.vn |
Chờ đợi sự chủ động của những người tay đã nhúng chàm
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – đoàn Thành phố Hà Nội nhấn mạnh báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho thấy vi phạm, tội phạm tranh chấp, khiếu kiện hành chính diễn biến phức tạp, hầu hết tăng nhưng riêng tham nhũng tăng 32,23%, tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng.
“Tôi có suy nghĩ tại sao Đảng, Chính phủ quyết liệt, lò đã nóng rực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm hết sức, công an rất tích cực, tòa án mở liên tục như vậy mà vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng.
Có lẽ, bên cạnh việc quyết liệt hơn, nghiêm khắc hơn, cần phải phát huy tính gương mẫu, tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi một cán bộ Đảng viên, nên thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị vừa qua, đó là chủ động từ chức.
Tôi thấy đây là một quy định rất hợp thời và nhân văn. Nếu có lỗi, không còn uy tín, nếu không đủ điều kiện, năng lực thì nên chủ động từ chức”, đại biểu nêu quan điểm.
Ông cho rằng, sắp hết năm 2018, nhân dân chờ đợi sự chủ động của những người tay đã nhúng chàm. Còn hơn một năm nữa, phải chuẩn bị cho được đội ngũ cán bộ chiến lược cho Trung ương khóa XIII sắp tới.
“Nhân dân mong người không còn uy tín, thiếu trách nhiệm hãy chủ động từ chức, đừng như con lươn, con trạch mà leo cao, trái với ý Đảng, lòng dân.
Bên cạnh đó, tôi xin đề nghị Quốc hội sớm cho xây dựng Luật Từ chức để luật hóa quy định của Đảng”, đại biểu Trí nêu.
Cũng liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, cần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với công tác cán bộ.
Nên chuyển dần sang hình thức thi tuyển các chức danh, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và chú trọng rèn luyện đạo đức công vụ cũng như trách nhiệm nghề nghiệp để mỗi cán bộ xứng đáng là công bộc của nhân dân.
“Theo tôi, đây là giải pháp thanh lọc bộ máy công quyền để tiến tới không còn "tham nhũng vặt"”, đại biểu nói.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Mai Sỹ Diến - đoàn Thanh Hóa cho rằng, việc công khai minh bạch trong xử lý thanh tra, kiểm tra, xử lý cán bộ không gây mất uy tín cho sự lãnh đạo, không bất lợi cho an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đây là quyền tiếp cận thông tin của người dân, đại biểu đề nghị các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo, quy định việc công khai thông tin cho truyền thông đại chúng được kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên, cử tri, đại biểu dân cử tiếp cận những thông tin về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Đại biểu Mai Sỹ Diến. Ảnh: Quochoi.vn |
Không sợ không còn cán bộ để làm việc
Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa đánh giá đã có sự ngăn chặn rõ hơn việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn sự sơ hở của cơ chế chính sách để làm trái, vụ lợi, phục vụ đời sống riêng tư trong công tác quản lý lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, xét ở tâm trạng, dư luận, thái độ và cả những phản ứng phê phán của nhân dân đối với cán bộ, công chức thì so với thời gian trước, tuy hình thức nhũng nhiễu một cách công khai, trắng trợn đã có chuyển biến giảm ở một số lĩnh vực nhưng chưa thực sự làm hài lòng doanh nghiệp, người dân.
Kinh phí không chính thức vẫn tồn tại như một thứ luật ngầm ai cũng hiểu.
Muốn được việc thì doanh nghiệp, người dân vẫn phải bôi trơn cùng với sự ấm ức và khó chịu.
“Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, sàng lọc đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm những vi phạm của các công chức, cán bộ vi phạm.
Nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra để kết luận rõ những cán bộ, công chức có biểu hiện vi phạm.
Qua thực tiễn, công cuộc phòng, chống tham nhũng với cường độ, nhịp độ, cung cách như hiện nay được toàn dân ủng hộ mạnh mẽ thì việc xử lý mạnh tay cũng sẽ không sợ không còn cán bộ để làm việc”, đại biểu nhận định.
Tiếp đó, đại biểu nêu thực tế, hiện nay có một số cán bộ công chức có biểu hiện quan hệ phức tạp với nhiều cá nhân trong tổ chức cũng như ngoài xã hội.
Có hiện tượng móc ngoặc với cán bộ có chức vụ để tạo "nhóm lợi ích" |
Đã có liên minh giữa những người có tiền với người có quyền.
Thậm chí tiền, quyền với xã hội đen hoạt động với phương châm giấu kín, khép mình, nhằm lẩn tránh dư luận xã hội, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Chúng hình thành 1 ekip tâm đầu ý hợp để chia sẻ việc công, tư liên quan đến lĩnh vực phụ trách, nhằm trục lợi, họ có nhiều tài sản lớn đứng tên người thân và có cuộc sống vương giả đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự lãnh đạo, uy tín của tổ chức, cá nhân lãnh đạo của đơn vị.
“Một loạt các vụ án đã và đang xét xử có liên quan đến cán bộ, công chức quản lý nhà nước đã minh chứng cho điều đó", đại biểu nhận định.
Theo đại biểu, nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng trong cán bộ, công chức, nhất là trong cán bộ lãnh đạo quản lý ở các vị trí tiềm ẩn tham nhũng, ông đề nghị các bộ, ngành chức năng xây dựng kế hoạch nhận diện rõ hơn các mối quan hệ bất thường nêu trên.
"Kể cả những lợi ích không quy giá trị thành tiền nhưng đã đem lại sự hài lòng, sự thỏa mãn cho những người nhận, gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.
Bảo đảm quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, không bị tha hóa”, đại biểu Mai Sỹ Diến nhấn mạnh.