Dự án đường sắt triệu USD: Không dễ “cạch mặt” nhà thầu Trung Quốc

03/01/2015 07:59
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Theo chuyên gia giao thông, cái khó của Bộ trưởng Thăng ở dự án đường sắt trên cao Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông là không dễ “cạch mặt” nhà thầu Trung Quốc.

Chưa đầy 2 tháng, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông đã xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng khiến ít nhất 1 người tử vong và nhiều người khác bị thương.

Cụ thể, ngày 6/11/2014, tại khu vực thi công xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi, trong quá trình cẩu thép, đơn vị thi công đã “cẩu thả” khiến thanh thép rơi dẫn tới cái chết thương tâm của anh Nguyễn Như Ngọc (Học viện Học viện An ninh) và làm bị thương 2 người khác là vợ chồng ông Nguyễn Trọng Nhân.

Không lâu sau đó, ngày 28/12 vừa qua lại tiếp tục xảy ra sự cố sập hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ của trụ H7 tại vị trí gần ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú (Hà Nội).

Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định do Tổng thầu (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (EPC), tư vấn giám sát, nhà thầu phụ không thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT.

Dù sự cố này không gây thiệt hại về người, nhưng nó làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Và người ta lại “mổ xẻ” trách nhiệm của tư lệnh ngành giao thông – Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Hẳn Bộ trưởng Thăng cũng đang “đau đầu” trước búa rìu dư luận khi dự án “rùa bò” đội vốn 339 triệu USD liên tục gặp sự cố còn ông có những cái khó không thể giãi bày.

Dự án “rùa bò”, đội vốn hàng trăm triệu USD…

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng

Được khởi công từ 10/10/2011, sau gần 4 năm triển khai xây dựng, đến nay tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được biết đến như một trong những công trình “điển hình” về khả năng “đội” vốn và chậm tiến độ.

Năm 2012, sau gần 1 năm thi công, tiến độ triển khai của nhà thầu - Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã chậm gần 1 quý so với kế hoạch. Lý giải cho việc này, ở hầu hết các cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội với Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị, họ trình bày rằng do nhà thầu Trung Quốc chưa hoàn thiện hợp đồng với các nhà thầu phụ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà thầu thi công tại nhiều điểm thi công đã có giấy phép, làm chậm tiến độ.

Dự án đường sắt triệu USD: Không dễ “cạch mặt” nhà thầu Trung Quốc ảnh 2Bộ trưởng tiêu nhiều tiền của dân nhất trả lời chất vấn chưa đầy đủ

(GDVN) - TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng Bộ trưởng Thăng trả lời chất vấn còn ngắn gọn, đại biểu còn mong muốn nhiều hơn thế.

Thế nhưng, Tư lệnh ngành giao thông vận tải lại cho rằng, nguyên nhân chậm tiến độ là do năng lực của Tổng thầu EPC quá yếu kém, thiết kế chậm, máy móc con người kém, không có biện pháp thúc đẩy tiến độ dự án, Tư vấn giám sát lơ là. Cuối năm 2014, ông Thăng đồng thời khẳng định dự án đang quá chậm, gây phiền hà cho người dân trong việc đi lại.

Có lẽ đó cũng là những lý do chính khiến dự án “rùa bò” này đội vốn hàng trăm triệu USD. Nếu như cuối 2011 khi khởi công dự án, số vốn được tính toán là 552 triệu USD, thì nay đã “đội” lên thành 891 triệu USD (tăng thêm khoảng 60% - 339,06 triệu USD so với số vốn ban đầu).

Lý giải nguyên nhân về việc đội vốn, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho hay, việc xây dựng nhà ga từ 2 tầng lên 3 tầng; bổ sung hạng mục depot; mở rộng đường tránh Quốc lộ 6, thay đổi vỏ tàu sang inox để không phải sơn, đào tạo chuyển giao công nghệ, thay đổi phương án lắp dầm, dự án triển khai chậm chi phí mặt bằng tăng, trượt giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD…Ngoài ra, giá thành chế tạo đoàn tàu cao hơn 30% so với giá trong hợp đồng xây lắp EPC.

…nhưng không dễ “cạch mặt” nhà thầu Trung Quốc

Sự cố đường sắt Cát Linh - Hà Đông xảy ra hôm 28/12
Sự cố đường sắt Cát Linh - Hà Đông xảy ra hôm 28/12

Ai cũng biết dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đầu tư từ nguồn vốn vay của chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay: “Theo quy định, khi ta vay vốn của nước ngoài như vốn ODA, vốn của World Bank… thì các doanh nghiệp nhà nước của ta không được tham gia đấu thầu. Nguyên nhân là bởi họ cho rằng làm thế sẽ không minh bạch, ta sẽ có sự ưu tiên cho doanh nghiệp của mình. Điều này tạo thuận lợi hơn cho các nhà thầu ngoại”.

Do vậy, không có gì là khó hiểu khi Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc trở thành nhà thầu chính của dự án này trong khi các nhà thầu Việt chỉ đóng vai phụ.

Nhận xét về năng lực của Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải thẳng thắn: “Qua các sự cố trên có thể thấy nhà thầu Trung Quốc ở dự án này vừa yếu kém vừa vô trách nhiệm. Tất nhiên phải rút kinh nghiệm sau vụ việc này, nhưng không thể “cạch mặt” nhà thầu Trung Quốc trên để thuê nhà thầu quốc tế khác có năng lực hơn bởi…còn vướng luật”.

Dự án đường sắt triệu USD: Không dễ “cạch mặt” nhà thầu Trung Quốc ảnh 4Nhà thầu Việt chỉ đóng vai phụ dưới nhãn quan Bộ Giao thông vận tải

(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường lý giải nguyên nhân nhà thầu Việt chỉ đóng vai phụ ở các công trình trọng điểm.

Sau sự cố hôm 28/12 vừa qua, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại hợp đồng với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc và có Công hàm gửi Đại Sứ quán Trung Quốc để có biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT cấm nhà thầu phụ trực tiếp gây ra sự cố không được tham gia vào các dự án giao thông trong thời gian tới.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng kiến nghị thay thế đơn vị tư vấn giám sát của dự án đồng thời đề nghị Bộ GTVT nghiêm khắc cảnh cáo Trưởng tư vấn giám sát Diêm Chí Cương và đình chỉ vô thời hạn đối với  ông Tạ Trung Văn, tư vấn giám sát phụ trách nhà ga bến xe Hà Đông.

Nhưng có vẻ như để thực hiện được điều này không dễ bởi dự án này được thực hiện bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc. Hơn nữa, vào tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng có chỉ đạo: Ngày 31/12/2015 phải đưa vào khai thác thương mại Dự án này.

Theo tiến độ, vào cuối Quý I/2015, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp các trụ khu gian; hoàn thành thi công 11/12 nhà ga vào đầu Quý IV/2015, riêng nhà ga Cát Linh dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2015.

Năm 2015 đã đến tức là chỉ còn chưa đầy 12 tháng nữa, dự án này phải hoàn thành. Liệu ở vào thời điểm này, thay thế nhà thầu chính có được xem là nước cờ “đúng và trúng” của Bộ trưởng Thăng?

Nếu muốn thay thế EPC bằng một nhà thầu khác, Bộ Giao thông vận tải sẽ phải tốn thêm một khoảng thời gian đánh giá, lựa chọn nhà thầu mới có năng lực hơn. Chưa kể, sẽ mất thêm một khoảng thời gian để các nhà thầu bàn giao công việc. Khi đó, liệu dự án “rùa bò” này có thể cán đích đúng hẹn? Và quan trọng hơn cả, đúng như lời PGS. TS Nguyễn Văn Thụ: “Không dễ cạch mặt nhà thầu Trung Quốc này”.

Chưa bàn tới bài toán trên, có thể nói, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 1 trong 8 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội được hy vọng sẽ giảm tải tình trạng ách tắc giao thông trong nội đô, nhưng có lẽ ngay từ khi nó đang trong thời kỳ “thai nghén” như hiện nay, nhiều người dân ở thủ đô đã quá thất vọng về dự án này bởi hàng ngày, họ đang phải đối mặt với nỗi lo sợ những khối bê tông khổng lồ treo lơ lửng trên đầu có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Đó có lẽ cũng là những nỗi niềm mà Bộ trưởng Thăng khó có thể giãi bày trước công chúng, dư luận.

PHONG NGUYÊN