Nợ công của nước ta đang có xu hướng tăng nhanh. Việt Nam vẫn đang phải “muối mặt” vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm.
Thế nhưng, đáng nói ở hầu hết các dự án lớn đều vắng bóng nhà thầu Việt hoặc nếu có, chúng ta cũng chỉ “đóng vai phụ” thay vì thế thượng phong của nước chủ nhà. Có thể kể ra các dự án mà các nhà thầu nội chỉ làm thầu phụ cho nhà thầu ngoại như dự án Nội Bài- Lào Cai, dự án Hà Nội- Hải Phòng, Dự án TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Nhật Tân, Cần Thơ, Thanh Trì, dự án đường sắt Hà Nội- TP.Hồ Chí Minh, vành đai III giai đoạn 2…
Thi công kết cấu thép cầu Nhật Tân. (Ảnh: Tất Sơn) |
Nhiều người băn khoăn, do năng lực tài chính kém hay do thiếu kinh nghiệm, năng lực chuyên môn mà chúng ta buộc phải đứng ngoài hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của nước nhà?
Không chỉ các chuyên gia về giao thông, ngay đến lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng trăn trở về điều này.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, khi chúng ta vay vốn của nước ngoài, ta không thuê nhà thầu ngoại mà cho đấu thầu quốc tế. Sau khi trúng thầu, các nhà thầu quốc tế thuê lại nhà thầu Việt làm. Nói cách khác, đơn vị trúng thầu sẽ đưa công nghệ, thiết bị và tư vấn sang Việt Nam còn chịu trách nhiệm thi công chính vẫn là nhà thầu Việt.
Về nguyên nhân khiến nhà thầu Việt chỉ đóng vai phụ trong các dự án trọng điểm, ông Trường phân tích: “Ở Việt Nam cũng có nhiều nhà thầu có thể trúng thầu chẳng hạn Vinaconex…, nhưng theo quy định, khi ta vay vốn của nước ngoài như vốn ODA, vốn của World Bank… thì các doanh nghiệp nhà nước của ta không được tham gia đấu thầu. Nguyên nhân là bởi họ cho rằng làm thế sẽ không minh bạch, ta sẽ có sự ưu tiên cho doanh nghiệp của mình.
Điều này tạo thuận lợi hơn cho các nhà thầu ngoại bởi các nhà thầu không thuộc khối doanh nghiệp nhà nước của ta thường năng lực rất yếu kém nên khó có thể cạnh tranh với nhà thầu ngoại. Hơn nữa, sở dĩ nhà thầu ngoại dễ trúng thầu hơn là do họ có sẵn công nghệ, thiết bị nên giá thành thi công rẻ hơn mức giá mà nhà thầu Việt đưa ra”.
Lối đi nào cho nhà thầu Việt?
Kinh ngạc với cách lấy ý kiến của lãnh đạo Hà Nội
(GDVN) - Những tiết lộ bất ngờ từ người trong cuộc về cách lấy ý kiến chuyên gia trong việc xây cầu đường sắt vượt sông Hồng của UBND TP Hà Nội có thể sẽ gây sốc.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho hay, Bộ đã đề xuất 2 giải pháp để tạo cơ hội thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt trong việc đấu thầu thi công các dự án lớn có vốn vay nước ngoài.
“Thứ nhất, chúng tôi đã đề nghị cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để chúng ta có thể tham gia đấu thầu thoải mái. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm việc với Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Châu Á và các tổ chức tín dụng thế giới, bàn về việc thay đổi cơ chế, chính sách nhằm tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Chúng tôi đã nói với họ rằng trên thực tế, doanh nghiệp Việt trên danh nghĩa thuộc nhà nước, nhưng vẫn hoạt động theo quy định chung nên rất dân chủ, minh bạch. Đại diện các đơn vị trên cho biết họ ghi nhận ý kiến đó và sẽ xin ý kiến từ phía trụ sở chính về việc này”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 96 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 75 doanh nghiệp, riêng tháng 10 đã cổ phần hóa đươc 4 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
Còn theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, chưa kể số doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới. Như vậy, dự kiến cả năm 2014, chúng ta sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp.
Đánh giá chung về kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này là điều không phải dễ dàng gì.
Tuy nhiên, với những động thái tích cực trên từ phía Bộ Giao thông vận tải, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hi vọng một ngày không xa, nhà thầu Việt sẽ có cơ hội để thể hiện năng lực của mình, ghi dấu ấn ở các công trình giao thông trọng điểm trong nước trước khi mang chuông đi đánh xứ người.