Ông Bùi Danh Liên:

"Dự án làm bến xe tạm 74 tỷ ở Hà Nội không khéo là có tội với dân"

30/07/2013 06:58
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã đưa ra nhận định này trong cuộc trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam về việc Sở GTVT lập dự án làm bến xe tạm "ngốn" hết 74 tỷ đồng.

Hai ngày qua, việc Sở GTVT Hà Nội có đề xuất làm “bến xe tạm” tại khu vực đầu cao tốc Pháp Vân với số tiền vào khoảng 74 tỷ đồng (chưa tính tiền làm đường vào bến, và chưa tính khả năng bị đội giá) khiến dư luận Thủ đô và nhiều tỉnh thành khác dành sự quan tâm đặc biệt.

Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, để làm rõ hơn về vấn đề này.

“Kế hoạch này vô lý và lãng phí”

Thưa ông Bùi Danh Liên, được biết Sở GTVT Hà Nội đã mời ông tới dự cuộc họp công bố đề xuất làm bến xe tạm tại đầu đường cao tốc Pháp Vân. Ông có ủng hộ việc làm bến tạm tại đây không?

Ông Bùi Danh Liên: Sự việc bắt đầu từ sức ép giảm tải ở bến Mỹ Đình. Hơn 300 xe bị chuyển khỏi bến Mỹ Đình và phần lớn bị đưa về bến Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tuy nhiên, doanh nghiệp vận tải các tỉnh đã kịch liệt phản đối chủ trương này, vì nếu bị đưa về bến Yên Nghĩa thì rất nhiều doanh nghiệp bị lao đao, vì đó không phải là tuyến thuận lợi với nhiều tỉnh phía Nam và phía Bắc. Mà đã không thuận lợi thì chẳng người dân nào muốn đi, vậy là doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán phá sản.

Cuộc “vi hành” của ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào ngày 9/7 là hết sức cần thiết để giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân sử dụng dịch vụ vận tải và của chính các doanh nghiệp vận tải.

Tôi được biết đầu tiên người ta có ý định đề xuất với Chủ tịch TP lấy khu vực Hải Bối (thuộc địa phận huyện Đông Anh) làm bến xe tạm, nhưng Chủ tịch TP không đồng ý, vì địa điểm này không thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Sau đó, sở GTVT lại đề xuất địa điểm mới là ở đầu cao tốc Pháp Vân, với phương án đã được trình bày có kinh phí đầu tư lên tới 74 tỷ đồng. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, là không cần thiết làm bến tạm trong hoàn cảnh hiện tại.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quang
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quang

Thưa ông, theo nhu cầu phát triển thì việc xây dựng thêm bến xe mới có lẽ không phải là chuyện bất bình thường, vậy ông có thể nói rõ hơn lý do vì sao ông phản đối việc làm bến tạm này?

Ông Bùi Danh Liên: Đúng là theo nhu cầu phát triển thì trong tương lai có thể Hà Nội cần thêm bến xe mới, nhưng hiện tại và tương lai gần trong vài năm tới thì chưa cần thiết. Tại sao như vậy? Tôi được biết là trong công tác quy hoạch của Thủ đô Hà Nội có nhắc tới việc duy trì 5 bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên, Nước Ngầm, Gia Lâm (bến xe Yên Nghĩa là bến thứ 6 khi Hà Tây nhập về Hà Nội).

Với số lượng hơn 300 xe cần giảm tải từ bến Mỹ Đình không nhất thiết phải đẩy người ta về Yên Nghĩa, vì thực ra bến này chỉ phù hợp với các xe chạy đường 6. Còn các xe chạy tuyến phía Bắc, như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên… thì chắc chắn là bến Mỹ Đình hợp lý nhất.

Đối với các xe chạy tuyến phía Nam như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… thì bến Giáp Bát, Lương Yên, Nước Ngầm là các vị trí phù hợp.

Trong suốt hai ngày qua, tôi đã khảo sát toàn bộ các bến xe này và tôi khẳng định rằng với hơn 300 xe di chuyển khỏi bến Mỹ Đình, chỉ cần chia về Lương Yên, Giáp Bát và Nước Ngầm là được. Hiện nay, bến Nước Ngầm và Lương Yên đều có thể tiếp nhận tới gần 200 xe nữa, vậy thì hà cớ gì lại đổ ra 74 tỷ đồng làm bến tạm? Tôi thấy kế hoạch này vô lý và lãng phí.

Thành phố chỉ nên làm thêm bến xe khi tất cả các bến khác đã quá tải, chứ không thể đổ ra vài chục tỷ dễ dàng được, đó là tiền ngân sách, làm không khéo là có tội với dân.

Quyết định vội vàng, người dân còn tin vào cấp quản lý?

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành vận tải, theo ông phương án nào là hợp lý nhất để gỡ rối cho “sự cố” này?

Ông Bùi Danh Liên: Qua tìm hiểu, tôi được biết hiện nay phía sau bến Mỹ Đình còn một khu đất trống (đất lưu không) hoàn toàn có thể sử dụng để mở rộng bến này. Bến Mỹ Đình cũng nằm ngoài vành đai 3, vì vậy nếu mở rộng ra được thì rất thuận lợi.

Trường hợp thứ hai, nếu buộc phải giảm tải thì có thể giảm lượt xe chạy/tháng chứ không nên cắt hẳn một số lượng lớn xe như vậy đẩy về bến Yên Nghĩa. Qua nhiều năm làm công tác vận tải, tôi nắm tình hình rất rõ, vào cuối tuần thì nhiều khách nhưng ngày thường rất thưa thớt, nên có thể áp dụng cách này.

Trường hợp thứ ba là đưa 300 xe này rải đều về các bến khác của Hà Nội, xe chạy tuyến nào thì đưa về khu vực bến ấy. Tôi vẫn đang thắc mắc không hiểu vì sao bến Lương Yên, bến Nước Ngầm còn nhiều chỗ như vậy mà họ không sử dụng, lại ép xe về bến Yên Nghĩa – một bến xe nằm trong lòng phố, sẽ gây ách tắc trầm trọng và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Bến Yên Nghĩa là nơi không thể thuận tiện như bến Mỹ Đình, vì một bến nằm trong phố và một bến nằm ngoài vành đai 3.

Và có lẽ, vì dồn hết xe về Yên Nghĩa vấp phải sự phản đối, nên Sở GTVT lại tư vấn với lãnh đạo thành phố phải xây ngay bến xe tạm, đó là lý do con số 74 tỷ đồng được đặt ra?

Địa điểm Sở GTVT Hà Nội đề xuất làm bến xe tạm ngốn hết 74 tỷ đồng đang bị phản đối với lý do chưa sử dụng hết công xuất của các bến mà đã làm bến mới sẽ dẫn tới lãng phí ngân sách.
Địa điểm Sở GTVT Hà Nội đề xuất làm bến xe tạm ngốn hết 74 tỷ đồng đang bị phản đối với lý do chưa sử dụng hết công xuất của các bến mà đã làm bến mới sẽ dẫn tới lãng phí ngân sách.

Được biết, hàng loạt doanh nghiệp của các tỉnh đã có văn bản phản đối việc điều chuyển xe về bến Yên Nghĩa. Giả sử nếu ông là một trong những xe bị điều chuyển ra khỏi bến Mỹ Đình để về bến Yên Nghĩa, ông sẽ nói gì?

Ông Bùi Danh Liên: Tôi xin nói thế này, để có được một nốt chạy ổn định, nhà xe rất vất vả, họ phải chạy thử 6 tháng để xem có khách đi không, sau đó mới thu xếp tài chính để nâng cấp xe. Hiện nay, tôi được biết có đến 70% xe khách vào các bến Hà Nội là sử dụng tiền vay ngân hàng. Vì vậy, trong vòng 2 tháng, Sở GTVT Hà Nội đẩy họ ra khỏi bến Mỹ Đình là rất quan liêu.

Tôi tin rằng với những nhà quản lý thực sự có kiến thức về vận tải, hiểu được khó khăn của doanh nghiệp thì sẽ không làm vậy. Thử nghĩ xem, sẽ có hàng trăm gia đình, vài trăm đứa trẻ bị ảnh hưởng như thế nào với một quyết định vội vàng như vậy?

Nhiều anh em nói với tôi, bị đưa về bến Yên Nghĩa chẳng khác nào phá sản. Hàng trăm gia đình lao đao trong vòng nợ nần, hàng chục doanh nghiệp phá sản vì một quyết định vội vàng, vậy thì người dân còn tin vào các nhà quản lý nữa không?

Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng, lãnh đạo thành phố sẽ nghĩ tới các giải pháp hợp lý hơn, vừa thuận tiện cho nhân dân đi lại, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp và cũng tiết kiệm được ngân sách, nhất là trong lúc kinh tế trong nước còn vô vàn khó khăn.

Trân trọng cảm ơn chia sẻ của ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)