Hiến pháp và nhiều luật quan trọng có hiệu lực từ hôm nay

01/01/2014 08:42
Ngọc Quang
(GDVN) - Bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua; Nghị định 171 và Nghị định 155... là những luật quan trọng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2014.

Hiến pháp (sửa đổi) chính thức có hiệu lực

Bản Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ hop thứ 6 Quốc hội khóa 13 vừa qua chính thức có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/1/2014), điều đó cũng có nghĩa là các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành ngay để các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp như: Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng; Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền…

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 đã thông qua bản Hiến pháp 2013.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 đã thông qua bản Hiến pháp 2013.

Theo đánh giá của GS.TS Trần Ngọc Đường – nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH thì bản Hiến pháp này có 9 ưu điểm: Thứ nhất, tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn, chủ trương phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Thứ hai, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; 

Thứ ba, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn bản chất, vị trí, vai trò trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội; Thứ tư, phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; Thứ năm, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; 

Thứ sáu, để bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN; Thứ bảy, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do dân và vì dân; Thứ tám, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; Thứ chín, coi trọng kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để đảm bảo hiệulực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.

Tăng lương tối thiểu với khối doanh nghiệp

Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 như sau: Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; vùng II: 2.400.000 đồng/tháng; vùng III: 2.100.000 đồng/tháng; vùng IV: 1.900.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay từ 250.000-350.000 đồng/tháng.

Và theo quy định tại Quyết định 1111/QĐ-BHXH thì mức đóng bảo hiểm xã hội trong năm tới cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 2%, cụ thể như sau: Người sử dụng lao động đóng 18%, nâng tổng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN lên 22%; Người lao động đóng 8%, tổng mức đóng các loại bảo hiểm như trên là 10,5%.

Vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản bị phạt tới 200 triệu đồng

Theo Nghị định 159/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản như sau: Buộc thu hồi thẻ nhà báo; Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép của nhà báo, phóng viên; Buộc xin lỗi; Buộc đăng, phát đầy đủ nội dung văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Buộc thu hồi giấy phép, giấy xác nhận; Buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm in, xuất bản vi phạm các quy định của pháp luật; Buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật.

Báo chí đăng ảnh khiêu dâm sẽ bị phạt nặng. Ảnh minh họa.
Báo chí đăng ảnh khiêu dâm sẽ bị phạt nặng. Ảnh minh họa.

Áp dụng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng; đăng, phát thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy.

Nghị định 171 áp dụng nhiều mức phạt nặng trong hoạt động giao thông đường bộ

Theo Nghị định 171, mức phạt tiền áp dụng từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuoroi nhau trên đường bộ; phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 30-40 triệu đồng đối với tổ chức xây dựng công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Xử phạt các hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ từ 15-20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 30-40 triệu đồng với tổ chức, nếu “Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Dự án triển khai “chui” bị phạt tới 70 triệu đồng

Theo Nghị định 155/2013 thay thế các Nghị định số 53/2007 ngày 4/4/2007 và Nghị định số 62/2010, mức phạt tiền sẽ từ 10-15 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi kê khai không trung thực, không chính xác khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; đăng ký giải thể doanh nghiệp...

Đặc biệt, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi triển khai thực hiện dự án khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Giảm thuế nhập khẩu khoảng 200 nhóm mặt hàng

Khoảng 200 nhóm mặt hàng sẽ được giảm thuế xuất nhập khẩu để phù hợp với tình hình thực tế và theo cam kết WTO. Trong đó, thuế xuất khẩu vàng nguyên liệu không phân biệt hàm lượng chỉ còn mức 2% thay vì 10% như hiện nay, vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng giảm về 0%.

Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước Asean từ 60% sẽ giảm về 50%.
Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước Asean từ 60% sẽ giảm về 50%.

Thuế suất với nhiều loại ôtô nhập nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%, thay vì 60% như hiện tại. Mức thuế suất này được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014.

Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm từ 25% về 22% và hai năm sau giảm còn 20%. Đây được coi là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Ngọc Quang