Nữ sinh Hà thành vượt lễ giáo phong kiến
Năm nay dù ở cái tuổi “cổ lai hy”, thế nhưng, khi nói về những ấn tượng được kéo lá cờ Tổ quốc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 cách đây đã 73 năm, bà Lê Thi trở nên nhanh nhẹn hơn, mắt sáng bừng, ký cức của bà về ngày lịch sử ấy cứ như ngày hôm qua.
Người thiếu nữ Hà Thành được vinh dự kéo cờ Tổ quốc trong ngày Độc lập đó là Lê Thi, tên thật là Dương Thị Thoa, con gái thứ tư của cố Giáo sư Dương Quảng Hàm.
Hơn 70 năm trước, chẳng ai nghĩ một cô nữ sinh Hà thành con nhà gia giáo như bà Thi lại dám trốn nhà theo Việt Minh lên chiến khu.
Thế nhưng, những ánh mắt của xã hội còn đầy rẫy những lễ giáo phong kiến không ngăn cản được trái tim nhiệt huyết của cô nữ sinh tuổi 19.
Chẳng những vậy, các phong trào phụ nữ của khu do Việt Minh tổ chức bà đều tham gia hăng hái.
“Trường nữ sinh Đồng Khánh thời ấy gần như khép kín với xã hội bên ngoài” Giáo sư Thi lần giở từng trang ký ức của những ngày hào hùng dân tộc.
Năm 1943, khi bà được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đến dạy bài “Thiếu nữ Việt Nam”, các cô gái của trường Đồng Khánh bắt đầu có cảm tình với Việt Minh và hăng hái tham gia.
“Buổi đầu tiên tôi tham gia cách mạng là các nữ sinh bí mật tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ nhằm ủng hộ Việt Minh.
Ngày ấy, ngoài sách vở, các nữ sinh biết đến cụ Hồ Chí Minh, biết đến Việt Minh thông qua những tờ truyền đơn được các nữ sinh giấu kín truyền tay nhau đọc.
Ở tuổi 94, bà Lê Thi vẫn sáng ngời khi nhắc lại ý ức tự hào năm xưa khi bà là chứng nhân lịch sử. (Ảnh: LC) |
Những ngày sau, các hoạt động của phụ nữ ủng hộ Việt Minh bà đều tham gia tích cực.
Các cụ thân sinh của bà thấy con gái đương tuổi xuân thì lại suốt ngày tham gia hoạt động cũng canh cánh nỗi lo.
Để cha mẹ yên lòng, bà Lê Thi phải hứa lần khất: “Con đi nốt lần này. Sau con sẽ học thật tốt để đi thi sư phạm về làm cô giáo”. Các cụ nghe con gái hứa như vậy cũng gượng lòng đồng ý.
“Những hôm trước ngày Quốc khánh, chị em chúng tôi tham gia cướp chính quyền. Trước kia, khi học trong trường Đồng Khánh, chị em chúng tôi vẫn thường phải kéo cờ Pháp và cờ của ngụy.
Các nữ sinh chúng tôi thường tinh nghịch cố tình kéo 2 chiếc cờ so le, không cho chúng bằng nhau, cái thì lên, cái thì xuống để trêu tức bọn chúng. Nhiều lần chạy hết bài nhạc “la Marseille” nhưng cờ vẫn chưa tới nơi. Nhìn những lá cờ đó, các nữ sinh chúng tôi đều ghét lắm.
Ngày đó lá cờ đỏ sao vàng chúng tôi chỉ dám giấu trong người chứ ít khi được kéo giữa Hà Nội.
Hôm cướp chính quyền, sau khi hạ lá cờ của ngụy và lá cờ của Pháp xuống, lá cờ của Việt Minh được.
Hôm đi cướp chính quyền, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tất cả mọi người đều vô cùng xúc động. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh thấy đẹp vô cùng.”
Những buổi rèn luyện cho chị em phụ nữ diễu hành cho ngày 2/9, ai cũng bất ngờ thấy cô nữ sinh con nhà gia giáo có tiếng cả phố lại cầm gậy thay súng hô hào chị em bước đều “một”, “hai”, “một”, “hai”, cũng biết mọi người đang nhìn mình bằng con mắt khá lạ nhưng cô thiếu nữ lúc đó gạt bỏ những ngại ngùng sang một bên, hồi hộp đợi đến ngày được diễu hành, được gặp Hồ chủ tịch.
Xúc động trong giờ phút lịch sử của dân tộc
Sau những ngày luyện tập vất vả, ngày nước nhà chính thức được độc lập cũng tới, sáng ngày 2/9/1945, bà Thi đến từng gia đình vận động họ tham gia cuộc mít tinh vào buổi chiều.
Đúng 14h, bà dẫn đầu đoàn phụ nữ tiến về quảng trường Ba Đình. Mọi việc bà Thi kể lại như chỉ mới ngày hôm qua:
"Tôi dẫn đầu, đi ở ngoài hàng, vừa đi vừa hô "Một hai, một hai", đi được một đoạn lại hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh!”. Vậy là chị em lại hô theo: "Việt Minh, Việt Minh!”, bà Thi kể.
Khi tới quảng trường Ba Đình, đoàn phụ nữ của bà được đứng vị trí đầu tiên.
Gần 14h30, một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử một người lên kéo cờ. Tất cả mọi người ngại ngùng, không ai xung phong lên.
Cô thiếu nữ Dương Thị Thoa (Giáo sư Lê Thi) năm xưa. (Ảnh: LC) |
Cuối cùng, các chị em đã vận động đúng cô nữ sinh mà hàng ngày vẫn thường vận động chị em tham gia, các chị em đồng thanh hô: "Thi lên đi, Thi lên đi".
"Lúc ấy tôi run lắm nên đứng yên không nhúc nhích. Đến khi anh cán bộ xuống thúc thì tôi mới bước đi”.
Bà Thi nhớ lại, cột cờ ở phía trên bục lễ đài, đường lên ở phía sau. Bà phải bước lên nhiều bậc cầu thang gỗ để tiến đến chân cột cờ.
Bác Hồ và các vị đại biểu cũng bước lên lễ đài qua những bậc cầu thang ấy. Khi đến nơi, bà Thi thấy một chị phụ nữ mặc áo người Tày đứng đợi sẵn.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng vô cùng xúc động và cũng đã có kinh nghiệm kéo cờ khi ở trường Đồng Khánh nhưng cũng chính những giây phút tinh nghịch của tuổi học trò khiến bà thêm lo lắng, tuy nhiên cô nữ sinh ngày đó cũng đã tâm niệm cố kéo cờ lên đến đỉnh cột khi hết bài quốc ca.
Bà Thi nhìn chị phụ nữ người Tày phân công: "Chị thấp, chị nâng cờ, em cao, để em kéo cờ".
Vừa lúc đó nhạc quốc ca cất lên, hai người bắt đầu kéo cờ. “Lúc đó tôi vừa kéo vừa run nhưng cũng thấy rất tự hào.
Khi lá cờ vừa chạm đỉnh, lúc ấy tôi mới trấn tĩnh nhìn một biển người rực rỡ cờ hoa đang hô vang khẩu hiệu: "Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!".
Rồi cả biển người bỗng im phăng phắc lắng nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Đó cũng là lúc lần đầu bà được nhìn thấy Bác Hồ. Sự giản dị của Bác được bà nhắc đi nhắc lại trong khi kể lại cho chúng tôi nghe.
Hình ảnh giản dị của vị lãnh tự kính yêu khác xa hoàn toàn với những dáng vẻ bóng mượt của những quan chức thực dân Pháp và những kẻ tay sai.
Khi Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, bà Thi cũng như hàng vạn người có mặt trong buổi hôm đó đều xúc động bởi sự gần gũi của Hồ Chủ tịch. "Lúc ấy tôi đã nghĩ Cụ là một nhà lãnh đạo thực thụ.
Hai người phụ nữ kéo cờ gặp lại nhau sau 44 năm lịch sử (Ảnh: Chụp lại tư liệu) |
Tôi chưa biết Cụ tài giỏi, thông minh thế nào, nhưng tôi thấy Cụ rất giản dị và biết quan tâm đến người khác.
Chúng tôi cần một lãnh tụ như vậy và cũng chính giây phút ấy, tôi đã chính thức nguyện đi theo cách mạng", bà Thi bồi hồi.
Cũng sau thời khắc kéo cờ lịch sử ấy, bà Thi và chị phụ nữ người Tày kia chưa kịp hỏi tên nhau. Mỗi người đều về lại đơn vị của mình công tác.
Sau 44 năm, năm 1989, hai người mới gặp lại nhau cũng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
“Sau 44 năm tôi mới biết chị ấy là Đàm Thị Loan (vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái).
Còn Lê Thi, sau cái ngày vinh dự ấy, bà lại hăng hái tham gia các phong trào Cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc...
Đến năm 1956 khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau.
Bây giờ, khi tuổi đã cao, không còn đi được nhiều nữa, theo dòng chảy của thời gian, người bạn già Đàm Thị Loan cũng đã bơi qua dòng sông thời gian về bên kia thế giới, Giáo sư Lê Thi vẫn tìm niềm vui trong công việc, nghiên cứu, viết sách, viết báo và kể lại câu chuyện lịch sử với thế nhân.