"Đúng quy trình”, “bổ nhiệm người nhà hơn người tài”, bổ nhiệm cán bộ theo công thức "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ...", "nâng đỡ không trong sáng" là những cụm từ đã trở nên khá phổ biến khi nói về việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ.
Một số chuyên gia cho rằng, để khắc phục lỗ hổng trong công tác cán bộ, cần đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm.
Bên cạnh đó phải có biện pháp cứng rắn hơn nữa để đào thải cán bộ lãnh đạo (người đứng đầu) không làm được việc hoặc làm việc không có uy tín.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Cần "chiến dịch" săn lùng người tài
Đã đến lúc phải cải cách công tác cán bộ, tạo được cơ chế tuyển lựa được đội ngũ có tài, có tâm trên cơ sở đặt ra tiêu chuẩn cụ thể cho từng vị trí.
Thi tuyển chức danh lãnh đạo được coi là cách làm mới, tăng cường tính công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, đồng thời là giải pháp để chống lạm quyền của những người được trao quyền trong công tác cán bộ.
Giai đoạn đầu của chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã nói đến việc thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Ông Phạm Minh Chính: Có một bộ phận (cán bộ) giàu sụ nhờ nhà đất |
Muốn làm hiệu quả vấn đề này thì phải đi từ việc phát hiện nhân tài.
Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện "chiến dịch" săn lùng người tài", phát hiện người có năng lực, năng khiếu, để đào tạo, bồi dưỡng, trong dụng.
Thậm chí họ còn đưa những người này vào cơ quan công tác để làm quen với môi trường, công việc.
Việt Nam cũng có thể áp dụng hình thức này bằng việc, tìm kiếm, phát hiện những cá nhân có năng khiếu, sở trường, sau đó đặt hàng đơn vị đào tạo.
Cách làm này sẽ tìm được nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ cho xã hội.
Đối với bộ phận cán bộ đã được tuyển chọn, trở thành công chức thì cần căn cứ vào năng lực thực tiễn thông qua hiệu quả công việc, rồi đưa vào thi tuyển chức danh lãnh đạo.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: DU THIÊN. |
Bên cạnh đó cần công bố thông tin rộng rãi việc thi tuyển chức danh lãnh đạo trong toàn xã hội để chọn người giỏi nhất.
Nếu làm được như vậy thì đó sẽ là bước đột phá trong việc tuyển chọn cán bộ.
Tuy nhiên, hiện nay việc thi tuyển hiện nay chưa mang tính phổ quát bởi nó chỉ mới dừng lại ở sáng kiến và được triển khai có tính chất thí điểm.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền: Cần thay thế người đứng đầu nếu không làm được việc
Người ta từng nhắc tới việc chọn người nhà hơn người tài, hay bổ nhiệm theo kiểu "con ông cháu cha".
Tuy nhiên, khách quan mà nói, con em của gia đình người có chức vụ rõ ràng có điều kiện và cơ hội phát triển hơn người bình thường.
Tuy nhiên trong số này không phải ai cũng được thừa hưởng, kế thừa gen di truyền và điều kiện phát triển để trở thành người tài.
Nhưng nếu họ (con cháu lãnh đạo) được đào tạo bài bản, thừa kế được tố chất của cha ông, chứng tỏ được năng lực, phẩm chất bản thân thì cũng không nên khắt khe với người ta.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền. Ảnh Trinh Phúc. |
Tuy nhiên, việc đề bạt, bổ nhiệm mới chỉ là bước khởi đầu.
Quan trọng là ở vị trí lãnh đạo đó, người ta có chứng tỏ được năng lực lãnh đạo, hiệu quả trong quá trình chỉ đạo điều hành hay không.
Ví dụ khi đánh giá một ông Chủ tịch tỉnh thì phải biết ông ấy có đưa tỉnh phát triển hay không? Ông ấy có làm được gì cho tỉnh không? Còn ông là ai (chỉ con ông cháu cha) thì đừng quan tâm.
Con ông này hay ông kia cũng được, miễn là ông phải làm được việc. Còn nếu vì bố làm lãnh đạo mà con không được vào chức vụ này, chức vụ kia là chuyện vô lý.
Ở nhiều nước trên thế giới, người ta không quan tâm việc con ông cháu cha hay người bình thường. Quan trọng là thời gian công tác, bản thân người đó chứng tỏ được gì, làm được gì. Nếu ông làm việc không có uy tín thì rứt khoát sẽ bị thay thế.
Còn ở nước ta, cán bộ vào phần nhiều chỉ có lên chứ ít xuống.
Do đó, vấn đề quan trọng trong công tác cán bộ là cần có cơ chế đánh giá, đào thải, thay thế cán bộ lãnh đạo trong trường hợp người đó không làm được việc để tạo điều kiện, cơ hội cho người khác có năng lực, phẩm chất tốt hơn.