Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, tuy đạt được kết quả tích cực nhưng hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng còn chưa cao, chưa tạo được sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng.
Vẫn còn nhiều biểu hiện sẵn sàng chấp nhận tiêu cực, tham nhũng để được việc của mình.
Thí dụ, khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam cho thấy nhiều thanh niên vẫn sẵn sàng đưa ra những quyết định vi phạm liêm chính trong những tình huống cụ thể: Để đỗ một kỳ thi có 19% người được hỏi sẵn sàng chấp nhận tiêu cực; để được cấp một giấy tờ nào đóc có 22% người được hỏi chấp nhận tiêu cực; để được nhận vào một trường học tốt hoặc một công ty tốt thì có tới 42% chấp nhận tiêu cực.
Bên cạnh đó, có biểu hiện thờ ơ, không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình trước những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ đối với 1.612 công chức, viên chức, người dân (công bố tháng 8/2015) cho thấy: 05% cán bộ, công chức và gần 35% người dân không quan tâm hoặc ít quan tâm đến vấn đề tham nhũng.
12% công chức, viên chức và 15% người dân quyết định không tố cáo cho dù biết về hành vi tham nhũng; 46,8% công chức, viên chức và 45,8% người dân cho biết chỉ tố cáo tham nhũng nếu liên quan đến quyền lợi của mình.
Ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh Tra Chính phủ cho biết, nhiều cán bộ sẵn sàng chấp nhận tiêu cực để được việc. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Việc kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch cũng được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Kiểm tra tại 10.585 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 108 đơn vị có vi phạm.
Qua theo dõi, kiểm tra và khảo sát, đánh giá cho thấy, nhìn chung, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức, đơn vị tiếp tục có những tiến triển tích cực, nhưng việc thực hiện chưa đồng đều, đòi hỏi phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn và thường xuyên đánh giá kịp thời.
Cụ thể, Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2014 - PAPI 2014 do Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện, công bố tháng 6 năm 2015 cho thấy: so với kết quả năm 2011, mức độ công khai, minh bạch ở cấp tỉnh có xu hướng cải thiện.
Trên toàn quốc có 30 địa phương có mức gia tăng trên 5% so với điểm số đạt được năm 2011. Tuy nhiên cũng có 8 địa phương có mức sụt giảm trên 5% số điểm so với năm 2011; một số địa phương khác có sự cải thiện nhưng không nhiều.
Tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến.
Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,5% (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước). Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3% (tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước).
Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, tăng hơn nhiều so với 5 trường hợp được xác minh trong năm 2014.
Ông Trần Du Lịch: “Đã cởi thì không nên trói lại” |
Cụ thể, phát hiện 1 trường hợp ở Bộ Giao thông Vận tải bị kỷ luật khiển trách; 1 trường hợp tại tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển sang vị trí công tác khác; hiện còn 2 trường hợp tại tỉnh Cà Mau và 01 trường hợp tại tỉnh Bình Thuận đang trong quá trình xem xét, xử lý. Đã tiến hành xử lý kỷ luật 02 người.
Có 23 người đã nộp lại quà tặng với số tiền là 489 triệu đồng. Kết quả này cho thấy việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng có tăng hơn những năm trước nhưng vẫn còn hình thức trong khi tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến.
Trong năm 2015, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức tại 6.165 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 143 người.
Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 19.098 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Các bộ, ngành, địa phương có nhiều người được chuyển đổi vị trí công tác là: Bộ Công an (3.579 người), Bộ Quốc phòng (2.947 người), Đồng Nai (1.271 người)...
Thực hiện Nghị định số số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong năm đã có 23 đơn yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình. Số đơn đã được giải trình là 21 đơn. Đã có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý.
Cụ thể, Bộ Tư pháp 5 người; Bộ Công an 8 người; Bộ Quốc phòng: 07 người; tỉnh Thanh Hóa 1 người; tỉnh Quảng Ngãi 2 người; tỉnh Nam Định 2 người; tỉnh Long An 1 người; Khánh Hòa 1 người; tỉnh Đắk Lắk 1 người; tỉnh Bình Thuận 3 người; tỉnh Bắc Ninh 3 người; tỉnh Quảng Trị 3 người; tỉnh Lạng Sơn 1 người; Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam 2 người; Bảo hiểm xã hội Việt Nam 3 người.
Trong đó 4 người bị xử lý hình sự (tăng 1 người so với năm 2014); 37 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang xem xét các hình thức xử lý khác.
Ngoài ra, ngành Thanh tra đã triển khai 6.515 cuộc thanh tra hành chính, 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; kiến nghị thu hồi 52.253 tỷ đồng (tăng 92,7% so với cùng kỳ năm trước) và 1.788 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 14.447 tỷ đồng, 824 ha đất.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ, 50 đối tượng; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi và xử lý 912,4 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 68,9% số đôn đốc, kiểm tra, tăng 4,4% so với cùng kỳ); thu hồi 63.695 ha đất, đạt tỷ lệ 99,% (tăng 18,8% cùng kỳ).
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 406.549 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; có 4.640 lượt đoàn đông người; đã giải quyết 32.817/40.511 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ trên 81%.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 27,1 tỷ đồng, 44,7 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 108,1 tỷ đồng, 14,9 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 2.504 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 444 (đã xử lý 278 người), chuyển cơ quan điều tra 10 vụ.
Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ 2014), với số tiền 40,7 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can (so với cùng kỳ năm trước giảm 61 vụ, 242 bị can); thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách nhà trên 103 tỷ đồng và 2.887 m2 đất. Đã kết luận điều tra 198 vụ, 489 bị can; đình chỉ điều tra 04 vụ, 02 bị can; tạm đình chỉ 09 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 140 vụ, 299 bị can.
“Quan luôn thắng dân và không ít cán bộ thù lâu, nhớ dai” |
Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, 806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ, 697 bị can (giảm 19 vụ, 54 bị can so với năm 2014).
Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về các tội danh tham nhũng (giảm 27 vụ, 98 bị cáo so với năm 2014), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,6 % (năm 2014 là 41,2%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 18,5% (năm 2014 là 21,3%).
Đặc biệt là nhiều bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (7 bị cáo) thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, được dư luận đồng tình, ủng hộ, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887 m2 đất (đạt 29,2%).
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc xác định hành vi phạm tội, mức độ tham gia của từng bị cáo và những vấn đề liên quan trách nhiệm bồi thường dân sự của từng bị cáo là rất khó khăn, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên trong một số trường hợp đã vi phạm thời hạn giải quyết.
Đồng thời, một số tội phạm về tham nhũng như tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”... có cấu thành tội phạm tương đối giống nhau; một số dấu hiệu định khung hình phạt trong các tội về tham nhũng, chức vụ hiện nay chưa có quy định rõ ràng.
Do vậy, trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng trong một số trường hợp còn có sự nhận thức khác nhau khi đánh giá chứng cứ và xác định tội danh, khung hình phạt. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do quá trình điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm. Ngay trong giai đoạn điều tra ban đầu khó có thể xác định ngay được số tài sản bị chiếm đoạt.
Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả; một số vụ án có yếu tố nước ngoài gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài, nhất là bất động sản.