Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt ra vấn đề này tại buổi thảo luận tổ về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chiều 4/11.
Ông Đương cho biết, thời gian qua có rất nhiều cử tri quận Tân Bình (TP.HCM) thắc mắc tại sao làm sân golf ở khu vực này? Sân gofl gây ra hai vấn đề, thứ nhất là sân golf này lấn đất của sân bay Tân Sơn Nhất, thứ hai là gây ô nhiễm môi trường.
“Tôi đồng ý với quan điểm hủy sân golf trong khu vực này đi để lấy đất làm bãi đậu, nhà ga. Còn về mặt thống kê kỹ thuật thì người ta nói rồi, vận chuyển được rất nhiều hành khách chứ không phải không. Như vậy là vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là có cơ sở, cái thuyết minh thì nói rằng không nâng cấp được người ta không tin đâu. Cử tri đã vào tận nơi rồi.
Tôi cũng cảnh báo là trong khi thuyết minh cho Quốc hội thì còn có việc đưa thông tin không chính xác, thứ nhất là Quốc hội chưa quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ chưa quyết định đầu tư mà lại có thông tin cho vay 2 tỷ USD, thứ hai là lồng ghép cái máy bay bay sát nhà dân thì các cử tri nói là không phải như vậy. Thế thì từ đó các cử tri mới mất niềm tin. Tôi cho rằng có yếu tố gì uẩn khúc trong đó”, ông Đương nhấn mạnh.
Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương để có kế hoạch chuẩn bị, nhưng quyết định đầu tư thì ít nhất phải sau 2030. |
Ông Đương cũng nêu hiện trạng các vùng lân cận còn có nhiều sân bay khác gồm: Cần Thơ, Đà Lạt, Biên Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc… và cho rằng hành khách đi lại du lịch tản ra nhiều khu vực chứ không phải chỉ tập trung vào một điểm.
“Trong khi các sân bay ở Việt Nam đang hoạt động cầm chừng mà mình lại bảo cần xây dựng sân bay mới, dân đang bức xúc ở chỗ này. Làm gì thì làm phải chú ý đến niềm tin của dân. Dân là quan trọng lắm”, ông Đương nói.
Theo Đại biểu Đỗ Văn Đương, vấn đề tiếp theo phải đặt ra như nhiều người nói bây giờ là tiền đâu để đầu tư? Phải đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế xã hội, chứ đừng chỉ có nhìn vào chiến lược phát triển hàng không còn rất nhiều vấn đề. An sinh xã hội, đường sắt, trường học, bệnh viện là những vấn đề phải làm.
“Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói "Biển Đông ngàn dặm giang tay giữ". Bây giờ, Trung Quốc xây như thế, mình không chỉ đầu tư phát triển, mà còn phải có nguồn lực nhất định để đầu tư bảo vệ Tổ quốc. Tập trung tiềm lực về quốc phòng, tận trung tiềm lực để khai thác đánh bắt thủy sản, vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng trưởng kinh tế.
Ngoài vấn đề tiền là các vấn đề luận chứng kinh tế quy hoạch, kinh tế xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng. Kinh tế xã hội có rất nhiều suy đoán. Thí dụ các con số 100 triệu khách, 150 triệu khách đến năm 2020 là suy đoán. Thử hỏi 50 năm sau, khách du lịch vào Việt Nam chúng ta có bao nhiêu, và có phải người ta chỉ đến qua Long Thành đâu? Những điều này làm cho người ta không tin”, ông Đương đặt vấn đề.
Cuối cùng, Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, phải có những luận chứng về kinh tế kỹ thuật một cách thuyết phục để người dân tin và có cơ sở thực hiện.
“Theo tôi, sau này đất nước phát triển phải công nghiệp hóa hiện đại hóa thì về chủ trương lâu dài là phải có một sân bay mang tầm quốc tế như sân bay Long Thành. Tôi cho rằng bây giờ thì Quốc hội cho chủ trương đâu tư, nhưng mà thời điểm đầu tư không phải là sau khi Quốc hội cho chủ trương, mà ít nhất phải sau năm 2030, khi có của ăn của để rồi chúng ta mới làm. Còn bây giờ có quyết định để có kế hoạch, quy hoạch 5 nghìn héc-ta này.
Đừng để bây giờ chưa thấy đâu cả mà báo chí đã phản ánh một loạt dự án quanh đó rồi, phân lô bán nền. Sau này không quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thì vấn đề đền bù, giải tỏa mặt bằng ảnh hưởng, sẽ trở thành những con đường đắt nhất hành tinh, những sân bay đắt nhất hành tinh. Vấn đề này phải phải có quyết định chủ trương để sớm ổn định đời sống của người dân, cái đó hết sức cần thiết”, ông Đương cho biết.