“Chưa đánh giá tác động, Quốc hội chưa thể thông qua luật”

04/11/2014 09:34
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết hội nhận định như vậy khi phân tích về dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (chuyển đổi từ Luật Dạy nghề).

LTS: Theo chương trình làm việc,ngày mai (5/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Điểm đáng chú ý nhất chính là việc đề nghị đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhưng khi trình ra Quốc hội xin ý kiến để có thể thông qua lại chưa có báo cáo đánh giá tác động. Đây là chuyện tối kỵ khi ban hành luật. Trước sự việc trên, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những chia sẻ tâm huyết của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Thưa Giáo sư, việc đổi tên Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp và sáp nhập trung cấp nghề thuộc Bộ TĐ-TB-XH với trung cấp chuyên nghiệp thuộc Bộ Giáo dục, và Cao đẳng nghề (Bộ LĐ-TB-XH) với khối Cao đẳng (Bộ Giáo dục) có hợp lý không?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, khi xem xét dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề (gọi tắt là Luật DN), nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật nhằm bao quát toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vốn thuộc sự quản lý nhà nước của hai Bộ khác nhau: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống trường nghề, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quản lý hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng (trừ cao đẳng nghề). Tiếp thu ý kiến đại biểu, sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra phối hợp xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Luật Giáo dục nghề nghiệp có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nhiều quy định mới so với Luật Dạy nghề đã trình Quốc hội, trong đó có những quy định rất hợp lý như thống nhất  hai hệ thống trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp thành trung cấp, hai hệ thống cao đẳng nghề và cao đẳng thành cao đẳng. Tuy vậy, đặt toàn bộ hệ thống trung cấp và cao đẳng dưới sự quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB-XH thì không hợp lý. 

GS.Nguyễn Minh Thuyết: "Quốc hội phải làm luật theo đúng quy trình, không thể cắt ngắn đi được". Ảnh: Ngọc Quang.
GS.Nguyễn Minh Thuyết: "Quốc hội phải làm luật theo đúng quy trình, không thể cắt ngắn đi được". Ảnh: Ngọc Quang.

Thưa Giáo sư, dù đổi tên luật nhưng cơ quan soạn thảo lại chưa lấy ý kiến rộng rãi của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và 63 Sở GDĐT, 63 Sở LĐTBXH địa phương để có được sự thống nhất và chưa thực hiện đánh giá tác động của một số quy định mới. Với một dự án luật như vậy, Quốc hội có nên thông qua ngay tại kỳ họp này không?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Luật Giáo dục nghề nghiệp không phải là tên gọi khác của Luật Dạy nghề mà là một đạo luật mới vì nó có những điều chỉnh rất cơ bản, liên quan đến hệ thống. Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình luật phải báo cáo Quốc hội kết quả đánh giá tác động của những điều chỉnh cơ bản đó.

Phải phân tích thấu đáo trên cơ sở khảo sát thực tế, điều tra dư luận để đánh giá cho đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định của luật thì mới có thể thông qua được. Nếu không, luật sẽ không có tính khả thi hoặc sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp, tắc nghẽn; lúc ấy Quốc hội lại phải sửa một đạo luật vừa mới biểu quyết thông qua.

Tôi chỉ lấy một ví dụ là nếu giao Bộ LĐ-TB-XH quản lý toàn bộ hệ thống trung cấp và cao đẳng thì có có nghĩa là Bộ ấy sẽ quản lý cả các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm; trong khi đó việc đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm gắn bó rất mật thiết với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông do Bộ GDĐT quản lý.

Có thể thấy trước là việc tách rời những lĩnh vực gắn bó với nhau như vậy, mỗi lĩnh vực giao một Bộ quản lý sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Muốn hiểu tường tận những hệ lụy ấy thì phải khảo sát thực tế để đánh giá tác động của luật. Đó là chưa kể phải khảo sát để biết ý kiến của giảng viên và cán bộ quản lý các trường trung cấp, cao đẳng, trong đó có các trường sư phạm – những đối tượng chịu tác động trực tiếp của luật này – như thế nào.

Quốc hội là cơ quan lập pháp, không thể làm trái quy định về đánh giá tác động của luật. Quốc hội là cơ quan đại diện của dân, không thể thông qua những quy định liên quan đến dân mà không hỏi ý dân.  

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Ngọc Quang (Thực hiện)